GS.TSKH. Đào Trọng Thi:

Xã hội ngoảnh mặt với những trường ĐH ngoài công lập kém chất lượng

(Dân trí) - “Xã hội sẽ ngoảnh mặt với những trường ngoài công lập (NCL) không chú ý chất lượng, thậm chí nhiều em trượt ĐH công lập thì thôi chứ không chấp nhận vào học trường NCL. Đấy là một sự việc rất đáng buồn. Nếu không khắc phục tình trạng này thì có thể có nhiều trường đổ vỡ...”.

Đó là ý kiến của GS. TSKH Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ trong buổi làm việc với trường ĐH Nguyễn Tất Thành vào chiều qua 17/7.

GS. TSKH Đào Trọng Thi phát biểu với cán bộ, giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành vào chiều 17/7.
GS. TSKH Đào Trọng Thi phát biểu với cán bộ, giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành vào chiều 17/7.

GS Đào Trọng Thi đánh giá hiện nay cả nước có trên 90 trường ĐH ngoài công lập, chiếm khoảng 20% trong tổng số cơ sở giáo dục ĐH cả nước và đào tạo khoảng 14% trên tổng số sinh viên ĐH, CĐ của cả nước. Với bức tranh như vậy có thể khẳng định sự hình thành loại trường NCL là thành tựu lớn của đổi mới giáo dục nước ta.

Những năm gần đây rất nhiều trường NCL khó khăn trong tuyển sinh, GS Thi nhìn nhận: “Chúng ta thấy vừa qua xã hội ngoảnh mặt với những trường NCL đã không chú ý vấn đề chất lượng, thậm chí học sinh trượt trường công lập thì thôi chứ không chấp nhận vào học trường NCL. Đấy là một sự việc rất đáng buồn. Nếu không có quyết tâm khắc phục tình trạng này thì có thể có nhiều trường đổ vỡ.

Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh niên – Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội cho rằng rất ít ỏi các ĐH,CĐ NCL chịu đầu tư vào các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục như cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giảng viên. Theo ông, bên cạnh nguyên nhân các trường có nguồn vốn ít, đặc biệt là thiếu những nhà đầu tư chiến lược thì nhiều trường ĐH,CĐ không chịu đầu tư vào chất lượng mà chạy theo cái tạo ra lợi nhuận trước mắt. Chính việc đó làm cho uy tín và chất lượng giảm sút nên xã hội có những nhìn nhận không tốt đẹp về các trường NCL.

Tuy nhiên, GS Thi chỉ ra rằng nguyên nhân cốt lõi chính là các trường NCL không xác định được đúng chiến lược phát triển của mình mà chạy theo tăng quy mô ào ạt để thu hút học sinh yếu kém không trúng tuyển vào các trường công lập.

Chính vì nguyên nhân như vậy mà những trường kiểu này làm mất dần đi khả năng canh tranh với các trường công lập vì “học phí cao hơn các trường công mà chất lượng đương nhiên lại kém hơn vì đầu vào kém và chi phí trên đầu sinh viên cũng thấp hơn”. Trong khi đó xã hội ngày nay có nhiều gia đình điều kiện khá giả sẵn sàng trả học phí cao để con họ được hưởng một chất lượng đào tạo cao.

GS. TSKH Đào Trọng Thi phát biểu với cán bộ, giảng viên trường ĐH Nguyễn Tất Thành vào chiều 17/7.
Các trường phải mang thương hiệu chất lượng thật sự thì may ra mới có thể thu hút người học (ảnh minh họa)

Ông Thi cũng cho rằng thời mang danh trường ĐH để thu hút học sinh, phụ huynh đã qua rồi. Bây giờ các trường phải mang thương hiệu chất lượng thật sự của mình thì may ra mới có thể thu hút người học.

Các trường NCL thay vì lao vào mở rộng quy mô một cách quá trớn để "vơ vét" học sinh yếu kém để mà thu học phí thì phải là nghiêm chỉnh đầu tư chăm lo việc nâng cao chất lượng. Tạo uy tín về chất lượng đối với xã hội và trên cơ sở đó mới thu hút được những sinh viên có khả năng vào học. Việc này đồng nghĩa với việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho xã hội và chính nguồn nhân lực này khi thành công về công việc và thu nhập thì sẽ quay lại tạo được thương hiệu cho nhà trường.

Cũng tại buổi làm việc, sau khi lắng nghe nhiều ý kiến của cán bộ giảng viên về vấn đề cơ chế hỗ trợ trường phát triển tốt hơn, GS Đào Trọng Thi chia sẻ thêm: “Tôi cũng bất ngờ khi nhận được đề án của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành về xây dựng thành trường ĐH trọng điểm”. 

Theo GS Thi, khái niệm trường ĐH trọng điểm là muốn chọn một số trường để Nhà nước đầu tư trọng điểm từ ngân sách nhà nước để nâng cao chất lượng của những trường tốp đầu Việt Nam. “Trường NCL thì làm sao được đầu tư từ ngân sách nhà nước? Tuy nhiên trường khẳng đình không xin tiền mà chỉ xin nhà nước cho cơ chế hoạt động như các trường ĐH trọng điểm. Đây là một sáng kiến và hướng đi có thể khả thi”, ông chia sẻ.

Lê Phương