Xác định lại số năm học của mỗi cấp học: Sẽ gây xáo trộn lớn

(Dân trí) - Còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh Dự thảo phương án xác định lại số năm học của mỗi cấp học. Hầu hết ý kiến tỏ ra lo lắng cho hệ lụy của việc thay đổi. Trong đó, quan điểm chung, việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất quan trọng.

Tại phiên họp thứ hai năm 2014 của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vừa qua, có dự thảo được đưa ra về vấn đề xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông, trong đó có hai phương án.

Phương án 1: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm học giáo dục Tiểu học và 5 năm học giáo dục THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 2 năm học.

Phương án 2: Giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm học (5 năm học giáo dục Tiểu học và 4 năm học giáo dục THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) được thực hiện trong 3 năm học.

Nếu một trong hai phương án được lựa chọn thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các cấp học, đặc biệt là những người trực tiếp đứng trên bục giảng. Thầy Chu Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1 (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đánh giá, đối với cấp THPT hiện nay là 3 năm, thì chỉ cần học 2 năm thôi, để học sinh định hướng nghề nghiệp.

Thầy Chu Anh Tuấn (
Thầy Chu Anh Tuấn (thứ hai từ trái qua) cùng giáo viên và học sinh tại phòng truyền thống nhà trường.

Với việc phát triển THCS lên 5 năm, theo thầy Tuấn: “Lâu nay tâm sinh lý của học sinh chuẩn bị như thế rồi, các em đến lớp 9 là hết tuổi vị thành niên, chuẩn bị tâm lý lên cấp 3 rồi, mình lại kéo lớp 10 xuống cấp 2 thì học sinh sẽ cảm thấy hụt hẫng. Vấn đề phát triển số năm THCS lên chỉ là về mặt cơ học thôi”.

“Nếu chọn phương án này thì theo ý kiến của cá nhân tôi, cấp THCS vẫn nên giữ nguyên như hiện nay. Còn cấp THPT có thể rút xuống còn 2 năm nữa cũng được”, thầy Tuấn chia sẻ quan điểm.

Tuy nhiên, theo nhận định của thầy Tuấn, phương án này có những điểm hạn chế là toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất phải thay đổi, nhiều giáo viên phải đẩy xuống dạy cấp 2. Như thế nó rất khập khiễng, tâm lý giáo viên chán nản, khó dạy được tốt. Đang là giáo viên THPT, được đào tạo ra để dạy ở cấp học này, giờ bất ngờ xuống cấp 2 dạy, như thế giáo viên cảm thấy hơi hụt hẫng.

Cùng với việc thay đổi về cơ sở vật chất, phải hệ thống lại chương trình học, trình độ giáo viên phải được nâng lên, phải tinh và kéo theo nhiều thứ khác nữa. “Ví dụ như một văn bản phát biểu 30 phút, giờ rút gọn xuống 10 phút nhưng vẫn phải đảm bảo đầy đủ được nội dung thì rất khó”, thầy Tuấn ví von.

Cũng theo thầy Tuấn: “Việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học có thể làm, nhưng phải có lộ trình, từ khâu đào tạo giáo việc, chuẩn bị tâm lý, định hướng. Đẹp nhất là học 10 năm như ngày xưa”.

Còn theo thầy Lê Khả Long - Hiệu trưởng Trường THPT Thường Xuyên 2 (huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) thì vẫn để nguyên 12 năm như hiện nay, phân phối theo mô hình 5 - 4 - 3 (5 năm tiểu học - 4 năm THCS và 3 năm THPT). Như thế sẽ không bị xáo trộn về mặt tổ chức, cơ sở vật chất. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên thì cần phải cải cách, đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa để phù hợp với từng ban, từng khối.

Thầy Chu Anh Tuấn (
Hiện tại, nếu áp dụng phương án rút THPT xuống còn 2 năm học, Trường THPT Thường Xuân 2 sẽ giảm 2 lớp và dôi dư 14 giáo viên.

Theo thầy Long, phương án 5 - 5 - 2 (5 năm Tiểu học, 5 năm THCS và 2 năm THPT) cũng có khả thi. Theo đó, 5 năm THCS dạy kiến thức cơ bản cho học sinh, hết THCS phân luồng cho học sinh đi học nghề luôn. Nếu học sinh nào có nhu cầu và khả năng thi Cao đẳng, Đại học thì học tiếp để định hướng thêm.

Nhược điểm của phương án này là THCS sẽ xảy ra tình trạng thiếu phòng học, thiếu giáo viên. Trong khi đó, cấp THPT thì ngược lại thừa giáo viên và thừa cơ sở vật chất.

Thầy Long hiến kế: “Để giải quyết vấn đề trên, thì đối với bậc THCS phải giữ được sỹ số từ 35 - 40 học sinh/lớp. Bởi hiện nay một số địa phương chỉ ở mức dưới 30 học sinh/lớp. Như thế sẽ đảm bảo được cơ sở vật chất. Đối với THPT giảm sỹ số của học sinh của các lớp còn khoảng 35 - 40 em/lớp; hiện tại sỹ số lớp của THPT là 45 học sinh/lớp”.

Tại trường THPT Thường Xuân 2, nếu như phương án này được áp dụng thì sẽ giảm 7 lớp so với hiện nay và tương đương với việc dôi dư 14 giáo viên.

Việc áp dụng phương án rút THPT xuống 2 năm về chuyên môn, các giáo viên THPT buộc phải cập nhật kiến thức, bồi dưỡng chuyên đề để có kỹ năng định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Thực trạng hiện nay là kiến thức chưa phù hợp với đối tượng học sinh. Nên cần phải sắp xếp lại kiến thức cho học sinh học.

“Nhiều môn liên quan đến đào tạo nghề lâu nay chỉ nặng về lý thuyết mà thiếu yếu tố thực hành, thực tế nên người học khi ra thực tế không biết làm gì cả”, thầy Long nhận xét.

Thầy Lê Văn Hùng - hiệu trưởng trường THPT Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa) nêu quan điểm: “Thực tế đặc điểm, đặc thù giáo dục ổn định tương đối tốt lâu nay rồi. Nếu thay đổi nó sẽ kéo theo việc thay đổi cả cơ cấu, cơ chế, từ tâm lý, cơ sở vật chất, con người, chương trình. Tâm lý của giáo viên, học sinh và phụ huynh sẽ như thế nào”.

Với quan điểm của cá nhân thầy Hùng thì chỉ cần cải tiến như thế nào cho nó ưu việt là được. Bởi có thay đổi thì tổng 12 năm học không thay đổi. Đẩy cấp học này sang cấp học kia cũng chẳng ý nghĩa. Nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

“Kiến thức sách giáo khoa cần phải thay đổi lại, bởi hiện nay kiến thức còn rất nặng nề, phân phối chương trình của mình là nặng. Làm sao để bớt số môn học qua từng khối để từ đó phân hóa học sinh và tạo cho các em có thiên hướng nghề nghiệp”, thầy Hùng cho biết thêm.

Duy Tuyên