Xây dựng ĐH đẳng cấp quốc tế: Không nên vá víu!

Đã từ nhiều năm nay, tôi kiến nghị việc thành lập một đại học hoàn toàn mới có tiêu chuẩn quốc tế – mà tôi gọi là đại học “hoa tiêu” công lập... Và đừng có tham, đừng làm nhiều, chỉ lập một cái thôi, ở ngay tại Thủ đô.

Đối với tôi: Vấn đề không còn là “nên hay không nên”, mà là  “tại sao tới nay chưa thực hiện ?”.

 

Không chỉ riêng tôi là người đã hành nghề ở ngoài nước, mà chính một số nhà khoa học trong nước cũng kiến nghị như vậy. Thêm vào đó chính chuyên gia nước ngoài được vấn kế, họ cũng trả lời như thế, vậy tại sao còn chờ đợi ?

 

Tóm tắt một cách cụ thể :

 

1. Nên thành lập một đại học hoàn toàn mới, mà trong đó đào tạo và nghiên cứu gắn liền với nhau, đa khoa kết hợp, nhưng bước đầu chỉ mở những khoa nào mà ta có đủ sức mạnh, chủ yếu là về đội ngũ nhà giáo, và có khả năng đáp ứng tài chính.

 

Đừng có tham, đừng làm nhiều, chỉ lập một cái thôi, ở ngay tại Thủ đô. Đó là giải pháp duy nhất để chấn hưng có hiệu quả mà không gây xáo trộn.

 

Dứt khoát không nên vá víu kiểu “cải tạo từ các đại học cũ sẵn có”. Kết quả thực tế cho thấy rằng việc gộp các trường cũ lại thành những cơ sở đồ sộ, là một sai lầm, rất tốn kém mà không mang lại hiệu quả mong đợi, cứ sai rồi sửa, rồi càng sửa càng sai.

 

2. Theo kinh nghiệm đã làm ở các nước phát triển cao, cách tiến hành là :

 

Trao hẳn nhiệm vụ thành lập đại học mới này cho một GS có danh vọng, có ý tưởng mới (dứt khoát không phải là người ở bộ máy quản lý hành chính). Người “đặc nhiệm” này (tiếng Pháp gọi là  “chargé de mission”), trong một thời gian có hạn, được toàn quyền lựa chọn thành viên hội đồng khoa học và đồng thời là ban trị sự:

 

Họ có nhiệm vụ thành lập cơ sở hành chính và vật chất, soạn thảo văn bản xác định sứ mạng của trường, tuyển chọn nhà giáo đợt đầu, thành lập các ban soạn lập chương trình giảng dạy, tuyển sinh đợt đầu, vv. Nhiệm vụ ngắn hạn của người “đặc nhiệm” và cộng tác viên làm tăng tính cách “vô tư” của họ.

 

Sau đó, chính đội ngũ nhà giáo được tuyển sẽ tự bầu ra các hội đồng, các ban, của trường cho các đợt tiếp theo. Trong hoàn cảnh hiện tại của nước nhà, người mà tôi đề cử để làm người “đặc nhiệm” này là GS Hoàng Tụy.

 

3. Về phương tiện tài chính, vật chất, nhân sự, hiện nay Nhà nước ta không phải là không có. Vấn đề là sử dụng những phương tiện đó như thế nào.

 

Về nhân sự, có một số giáo sư có khả năng đang ở một số viện nghiên cứu hoặc trường đại học hiện có, nhưng không được sử dụng đúng mức ; có thể tuyển chọn rồi chuyển họ về đại học mới này, tránh được lãng phí.

 

Đồng thời, Nhà nước nên ưu tiên tập trung mở ra một số “chỗ làm - chức vụ giáo sư” dành riêng cho đại học hoa tiêu này, để hội đồng khoa học của đại học này tuyển giáo sư mới trong số các nhà khoa học trẻ có tài năng đã có bằng tiến sĩ, đặc biệt là du học ở nước ngoài về. Một số cơ sở vật chất của các viện nghiên cứu, nên được trưng dụng để biến thành những cơ sở vật chất đầu tiên của trường này.

 

4. Bước đầu, nên song song mở năm thứ nhất đại học đồng thời với cấp đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ (trong những ngành nào có khả năng).

 

Đối với đội ngũ nhà giáo, nên có ngân quỹ đặc biệt cho trường để thù lao tương xứng, để họ có thể toàn tâm toàn ý làm việc có hiệu quả. Sinh viên của trường, bước đầu không cần đông, sau khi được tuyển kỹ, cần có sự nâng đỡ như miễn phí, thậm chí cấp học bổng cho những sinh viên nghèo.

 

Sự tự chủ của trường trong việc tuyển sinh, trong việc tuyển chọn nhà giáo, trong việc lập chương trình giảng dạy, trong việc sử dụng ngân quỹ Nhà nước cấp, cũng trong việc tìm kiếm các nguồn tài chính khác (hợp đồng với doanh nghiệp, trợ cấp của các nhà hảo tâm, vv.), không làm giảm vai trò của Nhà nước, mà chỉ là một sự  “bình thường hóa”, chấn chỉnh lại  một tình trạng bất cập như hiện nay.

 

5. Sự cộng tác với những đại học danh tiếng nước ngoài cần thiết, chủ yếu trong việc nhờ họ giúp đào tạo nhân lực cho những ngành mà đại học hoa tiêu này chưa có hoặc còn yếu. Nên gửi nghiên cứu sinh của ta sang nước họ để họ đào tạo giúp, song song với việc họ gửi giáo sư thỉnh giảng sang giảng dạy, cũng như chuyển giao kinh nghiệm quản lý của họ.

 

Tôi nghĩ rằng đó là con đường duy nhất để có thể chấn hưng giáo dục đại học nói riêng, và từ đó chấn hưng nền giáo dục nói chung của nước nhà.

 

Bùi Trọng Liễu

(Tiến sĩ nhà nước về khoa học,

 nguyên giáo sư Đại học Paris)

Theo Tiền Phong