Xem xét đề thi được cho là “gài bẫy” học trò

(Dân trí) - Đề thi học kỳ môn Văn mà một số ý kiến cho là “gài bẫy” học sinh đang được xem xét lại và có thể điều chỉnh đáp án sao cho có lợi cho học sinh.

Từ sự “than phiền” trên Facebook của một giáo viên (GV) cho rằng đề thi môn Ngữ Văn lớp 9 học kỳ II ở quận 10, TPHCM mang tính gài bẫy, đánh đố học trò, đề Văn này gây ra một số tranh cãi trái chiều.

Đề thi được một số ý kiến cho là gài bẫy học sinh
Đề thi được một số ý kiến cho là "gài bẫy" học sinh.

Cụ thể ở phần 1, câu 1, đề ra như sau: “Nguyễn Du viết: Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Nào phải để cho chúng ta biết cảnh mùa xuân ra sao mà thôi, hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã nhìn thấy trong cảnh vật, rung động với cảnh thiên nhiên mỗi mùa xuân lại như tái sinh, tươi trẻ mãi, và cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”.

Đọc đoạn trích trên và thực hiện các yêu cầu sau:

a) Nêu tên tác giả tác phẩm;

b) Từ ý nghĩa của các cụm chủ vị “ta biết cảnh mùa xuân”, “chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng”, em hãy tìm các cụm từ thể hiện điều chúng ta có được từ văn học nghệ thuật (qua đôi câu thơ của thi hào Nguyễn Du.

Theo một số người, trước câu hỏi nêu tên tác giả tác phẩm, HS nếu không đọc đề kỹ sẽ trả lời ngay là Truyện Kiều của Nguyễn Du chứ khó mà phát hiện câu thơ của Nguyễn Du chỉ được trích trong tác phẩm Tiếng nói văn nghệ của nhà văn Nguyễn Đình Thi. 

Từ phân tích như vậy, đề thi được cho là “gài bẫy” các em. Trình độ người ra đề cũng vì vậy bị đưa ra đánh giá, phán xét với những ý kiến tiêu cực.

Trước phản ánh của dư luận, đại diện Phòng GD-ĐT quận 10 cho biết đang yêu cầu tổ bộ môn báo cáo chi tiết về đề thi. Và nếu như đề thi thật sự “gài bẫy”, gây hiểu nhầm cho nhiều HS thì có thể sẽ điều chỉnh đáp án cho cho có lợi cho HS.

Tuy nhiên, việc này phải dựa trên việc cân nhắc kỹ lưỡng đề có sai không, có đánh đố không và có thật sự gây hiểu nhầm cho số đông HS hay không.

Bên cạnh ý kiến cho rằng đề thi mang tính “gài bẫy” thì rất nhiều GV và HS cho rằng đề thi này nếu có chỉ nằm ở mức độ hơi khó hiểu trong cách diễn đạt chứ không mang tính đánh đố. Thậm chí đề còn hay khi đòi hỏi HS phải tư duy, đọc kỹ đề bài, tránh được việc học tủ, luyện đề.

Một cô giáo dạy Văn bậc THCS ở Tân Bình, TPHCM cho rằng, không thể nói đề thi này không bất hợp lý hay là đánh đố. Đề chỉ khó nếu trong chương trình học không có tác phẩm "Tiếng nói văn nghệ" của Nguyễn Đình Thi, còn đây rõ ràng là một tác phẩm các em được học.

Theo GV này, một HS lớp 9 phải phân biệt được đâu là đoạn thơ của tác giả nào, đâu là đoạn phê bình văn học. Còn không phân biệt được thì… chẳng còn gì để nói. Quan trọng trong dạy Văn là mang đến cho các em em tư duy văn học, cảm thụ chứ không phải khuôn mẫu định sẵn với những đề luôn có sẵn đáp án, bài mẫu.

Đồng tình với ý kiến này, thầy H.T.T., cũng là GV dạy Văn cho rằng đề thi có chăng diễn đạt chưa thật chuẩn. Còn nếu có GV phản ứng cho rằng đề gài bẫy, đánh đố HS thì GV đó phải xem lại. Có thể GV đã quen với cách ra đề xuôi một chiều, cho các em học tủ nên đề ra đòi hỏi tư duy là bức xúc.

“Nếu HS trả lời đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du thì do các em không đọc kỹ đề, hấp tấp và quen với việc học thêm, học tủ, chỉ chờ những đề thi được ôn sẵn để vào chép chứ không phải do đề thi. Đã đi thi hiển nhiên yêu cầu các em phải đọc kỹ đề, phải động não, phải tư duy…

Còn vào phòng thi mà đòi hỏi chỉ cần lướt đề qua loa là làm được bài thì đó là thói quen “ăn sẵn”, cái gì cũng muốn được thầy cô “mớm”, luyện từ trước. Như vậy các em đâu khác nào cái máy chép”, thầy T. bày tỏ.

Hoài Nam