Xem xét lại việc "đi tắt, đón đầu" nền công nghiệp 4.0

(Dân trí) - “Chúng ta không nên chủ quan, không phải cứ muốn là có thể “đi tắt, đón đầu” trong nền công nghiệp 4.0. Hiện tại Việt Nam chưa đạt đến trình độ 3.0, tức là số hóa. Như thế ta chưa đạt đến nền tảng để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin,... thì việc xác định “đi tắt, đón đầu” trong công nghiệp 4.0 cần phải xem xét”, TS Dương Trọng Hải nhận định.

Hội thảo “Công nghiệp 4.0-Những tiếp cận chiến lược ở Việt Nam” do trường ĐH Việt Đức cùng Hiệp hội các trường đại học Đức vừa tổ chức.

GS. Reiner Anderl, trường ĐH Công nghệ Darmstadt (Đức) trình bày về những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh: Phạm Song)
GS. Reiner Anderl, trường ĐH Công nghệ Darmstadt (Đức) trình bày về những cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp 4.0 (ảnh: Phạm Song)

Hội thảo này đã thu hút được 115 đại biểu tham dự cùng trao đổi về những thách thức, một số ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất và tích hợp của công nghiệp 4.0 vào giáo dục. Từ đó, có những nhận thức và định hướng cụ thể hơn trên con đường hướng tới cuộc cách mạng Công nghiệp này.

Các đại biểu đều nhận định rằng cần có một cái nhìn đầy đủ hơn, đa chiều hơn và phải có một chiến lược tiếp cận hợp lý để có thể nắm bắt cơ hội cải thiện vị thế của cá nhân, tổ chức và của quốc gia và không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này.

Hội thảo quy tụ 115 đại biểu đến từ các trường đại học và doanh nghiệp (ảnh: Phạm Song)
Hội thảo quy tụ 115 đại biểu đến từ các trường đại học và doanh nghiệp (ảnh: Phạm Song)

Theo TS Dương Trọng Hải, Viện Công Nghiệp 4.0 thuộc trường ĐH Nguyễn Tất Thành thì cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng toàn cầu và số hóa và tự động hóa sẽ tác động tới tất cả các quốc gia, các doanh nghiệp, và con người.

Đối với Việt Nam, khi nguồn nhân công giá rẻ và tài nguyên không còn là thế mạnh cạnh tranh bền vững, khi đổi mới công nghệ luôn tạo ra những sản phẩm mới, thì ta cần có đội ngũ tiên phong trở thành những người khởi nghiệp. Bên cạnh đó Việt Nam cần phải có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo khởi nghiệp, nhằm giảm thiểu rủi ro, và nuôi dưỡng các startup công nghệ luôn đổi mới sáng tạo để đáp ứng như cầu thị trường.

Bên cạnh đó, sự cộng tác giữa các nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp, với các lĩnh vực khác nhau và xuyên ngành, để tạo ra công nghệ mới, chuyển giao vào thực tiễn cuộc sống là mục tiêu hàng đầu. Vì thế về phía chính phủ cần có các cơ chế tạo điều kiện kết nối nhà khoa học và doanh nghiệp.

“Chúng ta không nên chủ quan, không phải cứ muốn là có thể “đi tắt, đón đầu” trong nền công nghiệp 4.0. Hiện tại Việt Nam chưa đạt đến trình độ 3.0, tức là số hóa. Như thế ta chưa đạt đến nền tảng để có khả năng kết nối, liên thông, tích hợp và chia sẻ thông tin,... thì việc xác định “đi tắt, đón đầu” trong công nghiệp 4.0 cần phải xem xét”, TS Dương Trọng Hải nhận định.

Theo ông Lê Đình Tín, chuyên gia về hệ thống công nghiệp 4.0 của Bosch Rexroth: Cách mạng Công Nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng của một số ngành nghề sẽ thay đổi. Ví dụ các ngành Tự động hoá, Cơ điện tử, Tin học ứng dụng, Xử lý dữ liệu,…sẽ có sự mở rộng về kiến thức đào tạo cũng như kỹ năng chuyên ngành. Vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tương lai phục vụ cho cách mạng 4.0, thì cần kết hợp đào tạo ngành tự động hoá và công nghệ thông tin ở cấp dạy nghề, cao đẳng, đại học.

Các đại biểu đều nhận định rằng cần có cái nhìn đa chiều hơn và có một chiến lược tiếp cận hợp lý để không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này (ảnh: Phạm Song)
Các đại biểu đều nhận định rằng cần có cái nhìn đa chiều hơn và có một chiến lược tiếp cận hợp lý để không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng này (ảnh: Phạm Song)

GS. Reiner Anderl, trường ĐH Công nghệ Darmstadt (Đức) cho rằng, cũng như các nước đang phát triển khác, Việt Nam có những thách thức và những cơ hội trong cuộc cách mạng 4.0. Do vậy, để phát huy tốt nhất các cơ hội, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của cách mạng công nghiệp 4.0, cần có một chiến lược tiếp cận hợp lý.

Ông Anderl cho rằng cần có sự tác động và điều hành cấp nhà nước để đưa ra các chiến lược và hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, công dân trong cuộc cách mạng 4.0. Đặc biệt phải có chiến lược hợp lý để hoàn thiện việc số hóa làm nền tảng cho cuộc cách mạng 4.0. Giữa doanh nghiệp, nhà khoa học hay cơ sở đào tạo và nhà nước phải có sự phối hợp chặt chẽ trong chiến lược phát triển và áp dụng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Đặc biệt, theo GS Anderl, thì cần chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng để áp dụng và vận hành hệ thống công nghiệp 4.0. Khái niệm và các kiến thức về hệ thống công nghiệp 4.0 cần được đưa vào tất cả các chuyên ngành đào tạo tại các trường ĐH, các trung tâm đào tạo dưới dạng tích hợp vào các mô đun đào tạo hoặc một môn học riêng hoặc một đồ án.

“Nếu chúng ta chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì sẽ không bị rơi vào cảnh thất nghiệp do cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra, mà ngược lại chúng ta có cơ hội việc làm mới tốt hơn do 4.0 mang lại. Các doanh nghiệp cần phải xây dựng các trung tâm để có thể sẵn sàng thích ứng và tận dụng các cơ hội 4.0 mang lại.

Các hoạt động về start up và đổi mới sáng tạo cần chú trọng và xem cách mạng công nghiệp 4.0 là một trong những hoạt động chính để góp phần xây dựng đội ngũ nhà kinh doanh, chuyên gia, doanh nghiệp về 4.0 tại Việt Nam”, ông Anderl chia sẻ.

Lê Phương