Xét tuyển bổ sung: Nhiều hồ sơ không hợp lệ

(Dân trí) -Mặc dù năm nay sẽ có nhiều đợt xét tuyển bổ sung khác nhau nhưng đợt đầu tiên được đánh giá là “mảnh đất” rộng nhất để thí sinh (TS) có thể chọn được ngành học ưa thích. Cơ hội lớn nhưng vì chủ quan nên nhiều TS bị nhà trường loại hồ sơ xét tuyển.

Kiểm chứng thông tin trước khi điền xét tuyển

Hiện tại có nhiều kênh thông tin tuyển sinh hoạt động mà trong số đó có không ít “sạn”. Để “câu” TS đến với các dịch vụ của mình, các kênh này gửi mail, tin nhắn qua điện thoại… Với tâm lý nôn nóng nên nhiều TS khi nhận được thông tin này thường vào theo dõi để làm hồ sơ xét tuyển.
211 thí sinh nộp đơn xét tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông không hợp

211 thí sinh nộp đơn xét tuyển vào Học viện Bưu chính Viễn thông không hợp lệ vì chủ quan.

Chẳng hạn như vừa qua Trường ĐH Thương Mại đã thông báo trả gần 180 hồ sơ xét tuyển không hợp lệ mà phần lớn là do đăng ký vào ngành không xét tuyển. Khi vào Google gõ cụm từ tìm kiếm “Xét tuyển NV2 ĐH Thương mại” không khó thể thấy các trang thông tin hiện ra những dòng thông báo nhà trường có xét tuyển bổ sung hệ ĐH. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ tiêu này chỉ dành cho những TS đã trúng tuyển vào trường theo khối thi những chưa trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi.

Cũng có nhiều kênh thông tin khi đưa thông báo xét tuyển nhưng lại bỏ sót những quy định hết sức quan trọng như thời gian xét tuyển, quy định về hồ sơ… Năm nay, do các trường được phép chủ động tổ chức xét tuyển bổ sung nên có đơn vị thì yêu cầu hồ sơ có giấy chứng nhận điểm thi bản chính, đơn vị khác chỉ cần yêu cầu bản sao.

Vì bị “nhiễu” thông tin nên TS ít đề ý đến những quy định này và cứ đinh ninh gửi hồ sơ đủ giấy tờ là hợp lệ. Vì thế ngày hôm qua 1/9, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức thông báo trả hơn 200 hồ sơ xét tuyển không hợp lệ mà chủ yều là do nộp bản sao giấy chứng nhận bản sao trong khi nhà trường thông báo nhận bản chính.

Ngoài vấn đề chủ quan do không kiểm chứng thông tin, TS cũng nóng vội trong việc gửi hồ sơ. Có em thì ghi nhầm mã ngành, có em thì lại quên gửi giấy chứng nhận kèm theo hồ sơ… Tất nhiên những sai sót này sẽ khiến TS bị nhà trường loại ra khỏi cuộc đua xét tuyển.

Đặt niềm tin vào “kênh” nào thì tốt

Kênh thông tin chuẩn xác nhất đó chính là website của các trường ĐH, CĐ. TS muốn xét tuyển trường nào thì nên vào website trường đó để tham khảo. Sau kênh của trường, TS nên tiếp cận kênh thông tin của báo chí.

Với việc dữ liệu cũng như thông tin được PV các báo trực tiếp trao đổi với nhà trường nên độ chính xác cao. Tuy nhiên, trong quá trình cập nhật thông tin, cũng có báo mắc lỗi nhỏ hoặc cập nhật không hết nên khiến TS hiểu nhầm. Do đó, cùng một thông tin, TS nên kiểm chứng trên các trang tuyển sinh của các báo khác nhau. Nếu thấy có sự sai lệnh thì tốt nhất gọi điện trực tiếp cho trường để xác nhận lại.

Đối với Dân trí, ngoài thông tin cập nhật trên trang, chúng tôi còn có kênh tư vấn tuyển sinh qua email tuyensinh@dantri.com.vn . Do đó nếu thấy sai sót hay còn thắc mắc đừng ngại ngần gửi thư cho Ban tư vấn, chúng tôi sẽ kiểm tra và xác nhận thông tin sau đó trả lời các bạn một cách chính xác nhất.

Ngoài ra, cũng có một kênh có độ tin cậy cao đó là cổng thông tin của Bộ GD-ĐT. Hiện tại cổng này chưa cập nhật thông tin xét tuyển đợt đầu nhưng chắc chắn trong thời gian tới các đợt kế tiếp sẽ được các trường chủ động đăng tải tại đây.

Cơ hội xét tuyển tuy rộng nhưng sẽ ngày càng ít đi sau khi mỗi đợt xét tuyển kết thúc. TS cần tận dụng cơ hội và tránh mắc sai sót bởi những lỗi không đáng có như đã kể trên để giảm thiểu việc bị loại hồ sơ xét tuyển.

S.H