Xét tuyển nguyện vọng 3: Không bất ngờ nhưng hồi hộp

Dù thống kê ban đầu cho thấy đa số trường ĐH DL phía Nam đều nhận được hồ sơ xét tuyển NV3 nhiều hơn so với chỉ tiêu và điểm trúng tuyển cũng chẳng có gì bất ngờ: hầu hết bằng với điểm sàn. Nhưng trên thực tế, nhiều trường vẫn lo lắng tình trạng ít TS đến nhập học...

Vẫn chờ thí sinh

 

Trong tình hình xét tuyển NV3 khá khó khăn như hiện nay, không mấy bất ngờ khi hầu hết các trường dân lập đều quyết định điểm trúng tuyển bằng với điểm sàn. Chỉ một số ít trường như ĐHDL Hồng Bàng có điểm trúng tuyển cao hơn cho một số ngành như: Điện tử, Quản trị, Thể dục thể thao (17đ); Xây dựng, Kế toán (18đ) và Mỹ thuật công nghiệp (trên 20đ) hay ĐHDL Hùng Vương có ngành Du lịch hệ cao đẳng (13.5đ).

 

Có lẽ điều bất ngờ trong mùa tuyển sinh năm nay là Trường ĐHDL Ngoại ngữ và Tin học TPHCM không "bội thu" NV2, NV3 như năm trước. Cho đến trưa 30/9, trường chỉ nhận được 401 hồ sơ NV3, nếu so với chỉ tiêu 347 thì quả thật khá bất an vì dự kiến chỉ khoảng 50% thí sinh đến nhập học. Ông Lý Ngọc Đức, cán bộ phòng đào tạo lý giải: "Có khá nhiều trường dân lập trong khi lượng thí sinh ở phía Nam trên điểm sàn không được dồi dào nên phân bổ rải rác. Mặt khác, các trường dân lập mới thành lập có ưu thế về cơ sở vật chất cũng như công tác tiếp thị và có nhiều "chiêu" thu hút thí sinh. Vì thế, trong "cuộc đua" năm nay, trường có phần yếu thế hơn".

 

Cán bộ đào tạo của Trường ĐHDL Văn Lang thì khá dè dặt cho biết lượng hồ sơ NV3 vào trường không đến nỗi nào, tuy nhiên vẫn còn có ngành như Điện lạnh thí sinh đăng ký ít. Còn ĐHDL Hùng Vương vẫn chưa thể an tâm tuyển đủ chỉ tiêu cho hệ đại học dù lượng hồ sơ NV3 hợp lệ là 391 so với 264 chỉ tiêu. Đáng ngại hơn cả là ĐHDL Văn Hiến cho đến thời điểm này chỉ có trên 550 hồ sơ NV3 hợp lệ, nếu so với gần 800 chỉ tiêu cần tuyển thì quả là rất khó khăn. Trường đã xin Bộ cho phép kéo dài thời gian nhận hồ sơ xét tuyển NV3 với lý do có đến 50% thí sinh từ phía Bắc đăng ký vào trường nhưng hồ sơ không đến kịp do ảnh hưởng thiên tai. Đề nghị này vẫn chưa được chấp thuận, nhưng trước mắt sau 30.9 vài ngày, nếu thí sinh nộp hồ sơ, trường vẫn xem xét.

 

Ngoài ra, hầu hết các trường còn đối diện trước nỗi lo lượng hồ sơ "ảo" từ phía thí sinh. Dễ thấy nhất là hầu hết các trường đều gửi giấy báo trúng tuyển NV2 khá sớm nhưng tỷ lệ thí sinh đến nhập học không cao. Chẳng hạn ĐHDL Hùng Vương phát trên 1.000 giấy báo nhập học NV2 cho cả hệ đại học, cao đẳng nhưng chỉ có khoảng 550 thí sinh nhập học (55%). Các trường khác như ĐHDL Hồng Bàng, ĐHDL Lạc Hồng tỷ lệ thí sinh nhập học NV2 chỉ trên 60%. Còn ĐHDL Văn Hiến đến giờ chỉ có khoảng 300 thí sinh đến nhập học cho cả NV1, NV2.

 

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có tín hiệu khá lạc quan phát ra từ một số trường. Chẳng hạn ĐHDL Hồng Bàng, ĐHDL Lạc Hồng  có số hồ sơ đăng ký tăng vọt so với chỉ tiêu nhờ việc liên tục quảng bá hình ảnh của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là truyền hình. Như vậy, khả năng tuyển đủ chỉ tiêu của các trường này khá lớn.

 

Các "chiêu" để hút thí sinh

 

Trong tình thế khó khăn như trên, nhiều trường đã tìm đủ các "chiêu" để cải thiện tình hình. Một số trường vận dụng điều 33 trong Quy chế tuyển sinh để xin giãn khoảng cách điểm ưu tiên giữa các khu vực lên 1 điểm như ĐHDL Lạc Hồng hay 1,5 điểm như ĐHDL Yersin Đà Lạt, thậm chí lên đến 2 điểm như ĐHDL Bình Dương, ĐHDL Cửu Long.  Còn ĐHDL Văn Hiến thì vừa mở rộng khối tuyển sang khối B cho ngành Tâm lý học, tức là ngành này hiện tuyển đủ các khối A, B, C, D1, D3, D4.

 

Trước đó trường cũng tuyển tổng hợp các khối A, B, C, D1, D3, D4 cho các ngành xã hội nhân văn như: Ngữ văn, Văn hóa học... Thậm chí trường còn dùng đến "chiêu" gửi thư mời đăng ký xét tuyển NV3 cho những thí sinh không trúng tuyển vào Trường ĐH Khoa học xã hội - Nhân văn TPHCM nhưng đủ điểm sàn và gửi trước giấy báo trúng tuyển đến các thí sinh đủ tiêu chuẩn. Trong khi đó, ĐHDL Hùng Vương lại thu hút thí sinh bằng chính sách giảm học phí và cấp học bổng khá hấp dẫn. Năm nay trường dành 300 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn và giảm học phí 200 ngàn đồng/năm cho sinh viên theo học ngành Công nghệ sau thu hoạch.

 

Một điều cũng khiến các trường dân lập "đau đầu" là giải pháp cho các ngành không tuyển được thí sinh, chủ yếu thường rơi vào các ngành ngoại ngữ. Chẳng hạn, ngành Trung Quốc học của ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chỉ có vỏn vẹn 12 hồ sơ. Dự kiến trường sẽ phải sáp nhập ngành này với ngành tiếng Trung vốn đã có trên 20 thí sinh đến nhập học. Tương tự, ngành Công nghệ may và ngành Tiếng Anh của Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ có thể sẽ ghép với các ngành khác để đào tạo phần Khoa học cơ bản và Cơ sở vì không đủ thí sinh.

 

Có trường như ĐHDL Phú Xuân thì được bộ cho phép chuyển 2 ngành quá ít sinh viên là Điện - Điện tử và Xây dựng - Kiến trúc sang các ngành khác nhưng phải đảm bảo đúng chỉ tiêu quy định. Ở ĐHDL Hùng Vương,  các ngành ngoại ngữ tổng cộng chỉ có khoảng 40-50 hồ sơ NV3. Trường dự kiến sẽ thu hút thí sinh trúng tuyển hệ đại học ở các ngành khác chuyển sang ngành ngoại ngữ bằng cách đào tạo nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch bên cạnh tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật. Đây là chương trình do trường liên kết với Sở Du lịch TP.HCM triển khai và cấp chứng chỉ.

 

Tuy nhiên nếu vẫn không tuyển đủ thí sinh để mở lớp thì một số trường đành phải chấp nhận đóng cửa những ngành khó tuyển này.

 

 

Theo Vân Anh

Thanh Niên