Xin thầy cô đừng đọc - chép!

“Tới giảng đường làm gì? Thầy cũng dạy giống y như trong giáo trình thôi! Lên lớp cũng ngủ, ngủ ở nhà sướng hơn rồi đọc tài liệu sau cũng được...”. SV làm gì để tự cứu mình trong những giờ học buồn tẻ, đơn điệu và “thiếu chất bổ dưỡng”?

Đến giảng đường để nghe và chép có còn quan trọng trong suy nghĩ của SV? Những câu hỏi quen thuộc trong giới SV hàng chục năm qua làm nóng lên hội thảo về phương pháp học tập của SV do ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM tổ chức.

Chỉ cần đi học một buổi!

Thạc sĩ Tạ Minh, phó trưởng khoa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM), nêu vấn đề: “SV đến lớp học các môn khoa học Mác - Lênin và một số môn khác thường qua loa chiếu lệ, không ít SV dành nhiều thời gian ở các quán cà phê, chơi bài, bida... sắp đến mùa thi mới nháo nhào mượn tài liệu, photo thu nhỏ hoặc mua những tài liệu của người khác làm “phao”.

Giảng dạy là công việc của người thầy, còn học tập là việc của SV, nhưng việc học của SV rất hình thức. Nhiều SV không đi học nhưng tìm đủ mọi cách để lách qui chế, để vẫn được điểm danh đủ số giờ lên lớp và được dự thi”.

Với góc nhìn của một SV, bạn Nguyễn Phụ Thượng Lưu, SV khoa cơ khí động lực, dẫn ra một thực tế: “Nhiều SV buông thả, trốn tiết hoặc đến lớp chỉ để điểm danh chứ không hề tập trung nghe giảng, đến mùa thi mới mượn tài liệu học. Nhiều bạn tuyên bố chỉ đến trường trong buổi đầu và buổi cuối là đủ! Thậm chí chỉ cần đến trường buổi cuối cùng đề nghe thầy cô ra câu hỏi ôn tập hoặc lưu ý phần trọng tâm là được rồi”.

Nhưng vì sao SV lại không muốn đến giảng đường? Hẳn có nhiều lý do khác nhau từ nhiều phía. Theo TS Võ Thị Xuân, khoa sư phạm kỹ thuật: “Lòng tin và sự say mê tri thức của SV chịu ảnh hưởng một phần rất lớn từ phương pháp dạy học của đội ngũ thầy cô. Chắc hẳn không có người thầy nào không ái ngại khi lên lớp hết giờ này qua tiết khác cứ “ê a kinh kệ” nhồi nhét kiến thức cho SV”.

Những con số khảo sát của cô cũng minh họa cho thực tế đó: SV đã chán cách truyền thụ theo kiểu cả lớp ngồi nghe thầy cô thuyết trình! Kết quả khảo sát thăm dò ý kiến gần 473 SV hệ chính qui và tại chức khóa 2001 và 2003 Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho thấy: chỉ có 9% SV chịu học theo phương pháp thuyết trình thuần túy, trong khi SV cho biết có đến trên 80% giảng viên (GV) thường xuyên sử dụng phương pháp này.

Còn các phương pháp dạy học mới theo hướng hoạt động hóa người học như: đàm thoại, thảo luận, trình chiếu bài giảng với projector... lại không hoặc thỉnh thoảng mới được sử dụng!

Không hề phàn nàn gì về phương pháp đứng lớp của thầy cô, bạn Nguyễn Thị Cẩm Thi, SV khoa điện, chỉ bộc bạch về kinh nghiệm học tập của riêng mình. Nhưng những điều bạn nghĩ và đã thực hiện thật đáng để suy ngẫm.

Bạn cho rằng “SV cần chủ động và mạnh dạn chọn GV phù hợp. Mỗi thầy cô có phương pháp giảng dạy, cách truyền đạt khác nhau. Bản thân tôi gặp môn nào thầy cô dạy khó hiểu, tôi sẽ “mạnh dạn” vào “học chui” ở các lớp khác”.

Trong một buổi đối thoại giữa SV và lãnh đạo trường này, đã từng có ý kiến đặt vấn đề tại sao cùng một môn học như nhau (nhưng khác GV) nhưng có những lớp học chật kín SV, trong khi lớp khác lại lèo tèo thưa vắng!

Xin đừng quá bám giáo trình!

Không phải SV đã “tẩy chay” giảng đường. Nhưng đến giảng đường để làm gì và học như thế nào mới chính là mối quan tâm của nhiều SV. Bạn Nguyễn Phan Thanh, SV khoa điện, cho rằng cần phải học đúng và học đủ.

Có nghĩa là cần tham gia đầy đủ các buổi lên lớp để nắm trọng tâm bài giảng. Đây là kiến thức tối thiểu và cơ bản nhất mà SV cần lĩnh hội. Khi nghe giảng cần tập trung tất cả các giác quan để nghe, nhìn, tư duy, lựa chọn và ghi chép thông tin quan trọng.

Theo bạn Trương Văn Ngọc, SV khoa cơ khí động lực: “Trên giảng đường, nên tập trung nghe giảng với sự chủ động, đặt câu hỏi, so sánh sự liên quan giữa kiến thức mới và kiến thức đã học. Nên có tinh thần hoài nghi khoa học và sự tự tin trong trình bày ý kiến của mình, cần tích cực ghi chú đánh dấu các vấn đề quan trọng, trình bày dễ hiểu”.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Quang Trưởng, SV khoa cơ khí động lực, lại cho rằng SV cần tìm cách để... “gần” GV hơn: “Đến lớp phải chọn một chỗ ngồi thích hợp để có thể tập trung nghe giảng và tránh được sự đùa giỡn của bạn bè. Ở vị trí này không bị ngủ gật, yên tĩnh để quan sát bảng. Và quan trọng hơn, ta có thể dễ dàng trao đổi với GV khi có vấn đề thắc mắc. Trong giờ học phải mạnh dạn phát biểu vì điều đó thể hiện những hiểu biết đã được tích lũy, đồng thời đánh giá khả năng hiểu bài của mình. Mỗi lần như vậy, SV sẽ tự tin hơn và gần gũi GV hơn”.

Để giảng đường thật sự là nơi tiếp nhận tri thức và trao đổi học thuật giữa thầy và trò, theo SV Nguyễn Phụ Thượng Lưu, khoa cơ khí động lực: “Bên cạnh việc mỗi SV phải tự lập cho mình một phương pháp học tập riêng thì GV cũng phải thường xuyên nâng cao kiến thức bài giảng sao cho ngày càng sinh động, không lạc hậu với thời đại. Xin thầy cô hạn chế việc quá bám sát giáo trình mà xa rời thực tế dễ gây sự nhàm chán cho SV (vì nếu như thế SV chỉ cần mua giáo trình tự đọc là xong, đâu cần đến lớp!).

Hãy để cho SV tự ghi chép những ý nào mình thấy cần, những gì mình chưa biết, tránh đọc nguyên văn cho SV ghi. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng SV lười tư duy, thụ động trong học tập mà tác hại lớn hơn của nó là họ sẽ khó thành công trong cuộc sống sau này.

Thầy cô nên ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng để tiết học sinh động, thu hút, SV sẽ tiếp thu nhanh và nhớ lâu hơn so với việc chỉ nói suông. Chính thầy cô là người tạo không khí thoải mái cho lớp học bằng những câu chuyện trong cuộc sống, những câu hỏi... vừa kích thích sự động não vừa giúp SV ứng dụng kiến thức vào thực tế”.

Theo Phúc Điền
Tuổi Trẻ