Xóa áp lực ép trẻ mầm non học chữ!

Từ tháng 3, phụ huynh đổ xô tìm thầy dạy chữ hoặc cho con nghỉ lớp lá để đi học chữ. Học chữ trước tuổi… đã trở thành áp lực cho trẻ.

Theo thống kê tại quận Tân Phú (TPHCM), đến nay (tháng 2/2012) vẫn còn gần 33% số trẻ năm tuổi chưa ra lớp lá. Hơn một nửa trong số đó được phụ huynh cho học chữ bên ngoài. Bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng Giáo dục quận phụ trách mầm non (MN), cho rằng nhiều phụ huynh ngộ nhận là không học lớp lá con họ vẫn được vào lớp 1. Họ tìm cách gửi con tạm đâu đó cho đỡ tốn kém rồi cho con đi học chữ để vào lớp 1. Đây là sự ngộ nhận đáng tiếc, tạo áp lực cho trẻ và phụ huynh, đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Giáo viên làm sai, phụ huynh phát hoảng

Bà Phượng cho biết phụ huynh nhiều trường tiểu học phản ánh khi trẻ mới vào lớp 1, giáo viên đã bắt các em viết một bảng thông báo yêu cầu này, yêu cầu kia… hoặc phân loại các em biết chữ và không biết chữ ra để dạy. Chính giáo viên sai nguyên tắc sư phạm, tạo áp lực cho học sinh, dẫn đến phụ huynh phải chuẩn bị cho con đi học chữ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Bích Nga, Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Nhà Bè, cho biết hằng năm đến tháng 3, tháng 4, phụ huynh ồ ạt cho con nghỉ lớp lá để đi học chữ trước khi vào lớp 1. Cô Cao Thị Mai Loan, Hiệu trưởng Trường MN 5, quận Bình Thạnh, lý giải việc học chữ trước do phụ huynh sợ con không theo kịp các bạn khi vào lớp 1. Phụ huynh chưa hiểu việc cho trẻ học chữ trước khiến trẻ sẽ ỷ lại đã biết rồi, ảnh hưởng đến tâm lý tò mò, khám phá, làm các em nhàm chán và không muốn học nữa.

Xóa áp lực ép trẻ mầm non học chữ! - 1
Trẻ cần được trang bị nhiều kỹ năng trong trường MN chứ không chỉ là chữ để vào lớp 1. Trong ảnh: HS lớp lá Trường MN 5, Bình Thạnh, TPHCM đang học tưới rau trong giờ ngoại khóa.

Phải thay đổi nhận thức

Ngay từ học kỳ một năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục quận Tân Phú đã triển khai kế hoạch vận động phụ huynh, cán bộ quản lý, giáo viên hiểu đúng vai trò của chương trình giáo dục mầm non (GDMN), chương trình lớp 1, xóa tình trạng cho trẻ năm tuổi học chữ. Giáo viên MN chưa đủ sức giải thích nhầm lẫn này nên cần có sự tham gia của cả giáo viên lớp 1. Khối lớp lá ở MN và lớp 1 ở tiểu học sẽ là hai khối được tập trung vận động. Hiện tại Phòng đang tiếp tục vận động cho phụ huynh có con sinh năm 2006 và 2007 ở khu dân cư để huy động trẻ ra lớp lá. Đến tháng 4, giáo viên tiểu học sẽ trực tiếp đi tuyên truyền đến giáo viên và phụ huynh khối lớp lá và chồi tại các trường MN hiểu đúng về chương trình lớp 1. Trường tiểu học nào nằm ở phường nào sẽ phải có trách nhiệm tuyên truyền cho các trường MN trên địa bàn phường đó.

Bà Phượng phân tích học sinh lớp lá cần được trang bị những kiến thức cơ bản về những kỹ năng sống, môi trường xung quanh, tâm sinh lý phù hợp… chứ không chỉ là chữ. “Giáo viên MN hiểu được lớp 1, lớp 1 hiểu được MN. Từ đó, phụ huynh yên tâm để con hoàn thành lớp phổ cập năm tuổi trước khi vào lớp 1 với đầy đủ kiến thức cơ bản ở khối MN mà không phải lo lắng cho con học chữ trước” - bà Phượng nói.

Bà Bích Nga cho biết ở Nhà Bè trước đây chỉ giải thích cho phụ huynh hiểu đúng về chương trình GDMN, cho học sinh MN tham quan các trường tiểu học trên địa bàn. Năm nay, học kinh nghiệm từ quận Tân Phú, huyện sẽ đưa giáo viên lớp 1 giới thiệu chương trình lớp 1 cho giáo viên và phụ huynh các trường MN.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đánh giá cao cách làm của Phòng Giáo dục quận Tân Phú. Quan trọng nhất là tác động vào phụ huynh, giúp họ hiểu được cho con học ở mức nào là phù hợp. Sở đã đề nghị 23 quận, huyện còn lại tham khảo cách làm ở Tân Phú để áp dụng hợp lý trong quận mình.

“Học sinh lớp lá sẽ được làm quen chữ viết, ngôn ngữ, kỹ năng sống qua các hoạt động vui chơi… Khi lên lớp 1, các em sẽ tiếp tục được học những nội dung tương tự bằng những môn cụ thể như thể dục, toán, mỹ thuật, tập viết, chương trình tiếng Việt…

Chương trình lớp lá sẽ là cơ sở, nền tảng hình thành cho các em kỹ năng khi vào lớp 1 và những lớp cao hơn. Nếu chỉ học chữ mà không học lớp lá, các em sẽ rất thiệt thòi vì bị hổng và không có nền móng để tiếp nhận những kiến thức cao hơn”. - bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, TPHCM

“Ở cấp MN trẻ được làm quen mặt chữ nhưng để hiểu và viết được là cả một quá trình. Khi các em vào lớp 1, các em sẽ bắt đầu quá trình tập viết với đầy đủ kiến thức như: cách ngồi viết, nhận biết nét chữ, cầm bút, rê bút, nối nét, ghép chữ… Sự rèn luyện này theo đúng chuẩn về tâm lý của trẻ. Việc các em được khám phá cũng sẽ trở thành niềm vui và giúp các em phát triển toàn diện”. - ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

“Trẻ 5 tuổi tò mò về chữ viết, con số. Vì vậy, trường thường tổ chức cho các em lớp lá những hoạt động kỹ năng hoặc vui chơi để các em làm quen với mặt chữ như nhận biết tên các bồn hoa lớp mình, đếm số từ một đến 10, tập đánh vần tên mình… những hoạt động như thế vừa bổ ích vừa đáp ứng sự phát triển của các em”. - cô Cao Thị Mai Loan, Hiệu trưởng Trường MN 5, quận Bình Thạnh, TPHCM

“Đến giờ tôi đã thấy cho con học trước là sai lầm vì vào lớp 1, bé chán và muốn học cao hơn. Giờ đến lớp 2 vẫn vậy, cháu chán và quậy phá khi trường lớp không đáp ứng nhu cầu học”. - một phụ huynh có con học lớp 2 ở quận Tân Phú, TPHCM

 

Theo Phạm Anh

Pháp luật TPHCM