“Xoá độc quyền là việc của Bộ, chúng tôi không níu kéo!”

(Dân trí) - “Tôi nghĩ độc quyền hay không, không quan trọng bằng việc chọn cách làm nào cho hợp lý. Chúng ta nên cân nhắc cách làm nào tốt nhất cho 20 triệu học sinh. Nếu làm không tốt, học sinh sẽ là người gánh chịu hậu quả” - Trao đổi với Dân trí xung quanh việc NXBGD tự nguyện xóa thế độc quyền trong việc in ấn SGK, ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Tổng Giám đốc NXBGD cho biết như vậy.

Tại sao NXBGD lại tự nguyện xin xoá thế độc quyền sách giáo khoa, thưa ông?

 

Thực ra, độc quyền hay không độc quyền không phải là vấn đề của NXBGD mà là ở Bộ GD-ĐT và Quốc hội.

 

Sở dĩ tôi nói như thế là vì từ trước tới nay, Bộ GD-ĐT giao cho NXBGD thực hiện việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa, cũng như Bộ NN&PTNT giao cho NXB Nông nghiệp xuất bản sách nông nghiệp, Trung ương Đảng giao cho NXB Chính trị Quốc gia xuất bản sách chính trị. Chúng tôi thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao.

 

Xoá bỏ độc quyền là xu thế đương nhiên. Tuy nhiên lộ trình thực hiện như thế nào là hợp lý phải đứng trên góc độ xã hội.

 

Vậy, tiếng độc quyền là oan cho NXBGD?

 

Từ trước tới nay, Bộ GD-ĐT giao cho NXBGD làm cái gì thì chúng tôi làm cái đó, đúng chức năng, nhiệm vụ là xuất bản sách giáo khoa. Bao nhiêu năm rồi vẫn thế, không ai nói năng gì. Thời chiến tranh, biên tập viên nằm cùng công nhân nhà in, in sách giáo khoa dưới làn bom Mỹ, chẳng ai nói NXBGD độc quyền nhỉ? 

 

Được biết, lộ trình xoá bỏ độc quyền NXBGD sẽ thực hiện vào năm 2008, ông có thể cho biết thêm về điều này?

 

Theo ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân là bộ sách giáo khoa mới mới được xây dựng, hiện đã xong từ lớp 1 đến lớp 10. Năm 2008 sẽ xong toàn bộ. Công bằng mà nói, đây là bộ sách giáo khoa tốt nhất ở Việt Nam từ xưa tới nay.

 

Mặt khác, Quốc hội đã quy định, cả nước dùng thống nhất một bộ sách giáo khoa. Chẳng lẽ bỏ bộ sách giáo khoa này đi để lại viết bộ khác? Chắc là phải sau năm 2008, khi bộ sách giáo khoa này trở nên lạc hậu.

 

Hơn nữa, nói độc quyền in ấn sách giáo khoa là không đúng. Hiện nay có tới gần 100 nhà in thuộc đủ các bộ, ngành, địa phương đang tham gia in sách giáo khoa. Trong số gần 100 nhà in đó, chỉ có 4 nhà in của NXBGD nên không có chuyện NXBGD độc quyền in sách giáo khoa.

 

Tuy nhiên, việc in ấn và phát hành sách giáo khoa của NXBGD trong vòng 50 qua đã được thiết lập thành một “vòng tròn” khép kín đến mức quá hoàn hảo với sự chi phối toàn diện từ A tới Z của mọi khâu, từ chế bản đến phát hành như vậy thì dù có xoá bỏ độc quyền của NXBGD thì các NXB khác cũng khó “chen chân”?

 

Về in, tôi đã nói ở trên. Còn về phát hành, khi NXBGD in xong, thì phát hành xuống 64 Công ty sách và thiết bị trường học của các tỉnh. Các công ty này thường là công ty cổ phần. Nhà nước có thể nắm cổ phần chi phối hoặc không. Nhiều trường hợp, khi cổ phần hoá, Nhà nước không nắm cổ phần chi phối, công ty sách và thiết bị đó không thuộc Sở GD-ĐT mà trực thuộc UBND tỉnh. Do đó, việc phát hành này đã được xã hội hoá rộng rãi rồi. 

 

Khi NXB tự nguyện xoá bỏ độc quyền, có bị áp lực?

 

Tôi khẳng định bấy lâu nay NXBGD làm theo đúng chức năng và nhiệm vụ. Việc xoá bỏ độc quyền đó là việc của Bộ, chúng tôi không níu kéo. Chúng tôi hoàn toàn làm theo quy định của Nhà nước.

 

Nhưng Bộ quy định như thế là đúng vì khi có 1 bộ sách giáo khoa thì sẽ đảm bảo đúng quy trình từ khi chọn tác giả viết sách, thẩm định lần 1, lần 2... còn nếu như nhiều  bộ sách khó có thể làm được 1 quy trình nghiêm túc như vậy, và nếu có làm thì rất tốn kém.

 

Hơn nữa, nếu chỉ có 1 bộ sách thì việc tổ chức in, đảm bảo đủ sách cho các em rất thuận lợi và giá sách sẽ rất rẻ. Nếu 1 bộ sách thì NXBGD sẽ nắm rất chắc, số lượng mình cần phải in là bao nhiêu, nhiều loại sách, giá sẽ đắt vì phải in rất cầm chừng. Như ở các nước khác, họ có vài ba bộ sách, giá sách đắt gấp hàng chục lần so với sách giáo khoa ở Việt Nam.

 

Nhiều bộ sách nó có cái ưu là phát huy được tính sáng tạo của các tác giả, nhà trường có thể lựa chọn bộ sách này hay bộ sách kia nhưng nhược là mua bộ sách nào thì giá sách phải gấp đôi. Với nước nghèo như Việt Nam thì nên có 1 bộ sách là tốt hơn chọn 1 bộ sách là đúng.

 

Tôi nghĩ độc quyền hay không độc quyền không quan trọng bằng việc chọn cách làm nào cho hợp lý. Chúng ta nên cân nhắc cách làm nào tốt nhất cho 20 triệu học sinh. Nếu làm không tốt, học sinh sẽ là người gánh chịu hậu quả. Nếu nhiều bộ sách để thoải mái chọn, giá sách sẽ đắt hơn.

 

Hơn nữa, nếu nhiều NXB thoải mái tham gia xuất bản sách giáo khoa, có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngày khai giảng ở Hà Nội thì thừa sách nhưng miền núi lại thiếu sách và chẳng ai chịu trách nhiệm. Rồi sẽ lại loạn sách giáo khoa giống như loạn sách tham khảo hiện nay. Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc này? Các NXB khác trực thuộc các Bộ, ngành khác kia mà, đâu có trực thuộc Bộ GD-ĐT.

 

Xin cảm ơn ông!

 

Hồng Hạnh
 (Thực hiện)