Đà Nẵng:

"Xoay" đủ cách để lo bữa ăn cho trẻ thời tăng giá

(Dân trí) - Trong khi giá cả lương thực, thực phẩm tăng vùn vụt, các trường mẫu giáo, tiểu học có học sinh bán trú phải tìm đủ cách lo để đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn ở trường cho trẻ khi vẫn cố kiềm, chưa tăng thu tiền ăn.

Tiết kiệm mọi khoản để giảm chi tiêu

Trong thực đơn bữa ăn cho trẻ ngày 6/4 tại bếp ăn của Trường mầm non 20-10, Q. Hải Châu, Đà Nẵng, chúng tôi nhận thấy bữa ăn cho trẻ vẫn có đủ các món thịt, cá, cơm, canh... Từ đầu năm học (tháng 9/2010) đến nay, giá cả lương thực, thực phẩm, đã tăng giá nhiều lần nhưng trường vẫn chưa tăng thu tiền ăn.

"Xoay" đủ cách để lo bữa ăn cho trẻ thời tăng giá - 1

Trong bảng giá thực phẩm ở Trường mầm non 20-10, Q. Hải Châu, Đà Nẵng, hầu hết giá các loại thực phẩm đều tăng (Ả̉nh chụp tại trường 20-10 ngày 6/4)

Trao đổi với PV Dân trí, cô Nguyễn Thị Hồng Phấn, hiệu trưởng Trường mầm non 20-10, chia sẻ: “Tiền ăn cho trẻ mỗi ngày ở trường là 18.000 đồng, cho 3 bữa chính, phụ. Và mức này vẫn giữ nguyên từ đầu năm đến nay. Do phía bên công ty cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhà trường đã hợp tác với trường lâu năm, nên dù giá cả ngoài thị trường tất cả mọi thứ đều tăng, nhưng họ chỉ thông báo tăng những món bất khả kháng. Nhất là thịt bò, lợn, gà, các loại đang khan hiếm nguồn hàng vì nhiều địa phương dính dịch gia súc, gia cầm. Còn các loại rau củ, thủy hải sản vẫn không mấy biến động so với giá thị trường".

Không chỉ giá lương thực, thực phẩm mà chi phí điện, nước sinh hoạt trong trường cũng tăng gấp đôi. Chi tiền nước trong tháng 2 chỉ có hơn 3 triệu đồng, đến tháng 3, tăng gần gấp đôi, lên 6,5 triệu đồng. Tiền điện tăng từ 3,7 triệu đồng lên 6 triệu đồng. Bởi vậy, việc bù các khoản khác thêm vào tiền mua lương thực, thực phẩm cũng nan giải. Cách hữu hiệu nhất chỉ có tiết kiệm và tiết kiệm. Tất cả các phòng tận dụng được ánh sáng tự nhiên đều không dùng điện. Cô và trò đều dặn nhau tiết kiệm sử dụng nước...

Trong bữa ăn cho các cháu trước đây ngày nào cũng có thịt, cá, rau..., nhưng nay có bữa chỉ có cá, rau. Các cô cấp dưỡng phải cân, đo, đong, đếm sao cho hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn của cháu vẫn đảm bảo đủ theo tiêu chuẩn. "Chúng tôi chưa thể tăng thu tiền ăn trong thời “bão giá” này vì thiết nghĩ phụ huynh họ đi chợ hàng ngày lo bữa ăn cho gia đình đã “sốc” rồi, giờ lại tăng tiền ăn nữa thì gánh lo càng nặng thêm", hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Phấn cho hay.

"Xoay" đủ cách để lo bữa ăn cho trẻ thời tăng giá - 2

Các nhân viên phụ trách bếp ăn các trường phải tìm đủ cách để bữa ăn của trẻ vẫn đủ hàm lượng dinh dưỡng.

Tại Trường tiểu học Trần Văn Ơn, bữa ăn cho học sinh bán trú cũng phải giảm lượng thức ăn xuống để kiềm tăng thu tiền ăn. Thầy Đặng Nhứt, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường phải tìm đủ cách lo đảm bảo vừa đủ chất trong bữa ăn cho trẻ khi đã giảm lượng vì từ đầu năm đến nay phía cung ứng lương thực, thực phẩm cho trường đã 3 lần tăng giá các loại.

Giảm lượng thức ăn, đồng thời chúng tôi cũng giáo dục học sinh tiết kiệm, không để thừa mứa thức ăn, gây lãng phí. Thực đơn bữa xế của các cháu cũng thay đổi. Trước đây, bữa xế cho các em một tuần có 3 lần, các em được uống sữa. Nhưng nay chỉ có 1 lần/tuần, các bữa khác thay bằng cháo, súp, trái cây..., chi phí “mềm” hơn mà vẫn đủ chất".

Rục rịch kế hoạch tăng thu

Trong khi hầu hết các trường đều chưa tăng thu, một số trường vì không thể “cố kiềm” đã thỏa thuận và thống nhất tăng thu tiền ăn cho bé ở trường. Cụ thể như Trường mầm non Ánh Hồng (Q. Hải Châu), một phụ huynh cho biết: phí tiền ăn cho cháu ở trường đã tăng từ 17.500 đồng lên 21.000 đồng/ngày từ đầu tháng 4 này.

Trao đổi với PV, cô Nguyễn Thị Hồng Phấn, hiệu trưởng trường mầm non 20-10, cũng cho biết đầu năm học tới sẽ tổ chức họp phụ huynh, để cùng thỏa thuận về tăng thu tiền ăn và một số khoản phụ phí do giá cả tăng cao. Cô Phấn cho biết: Chúng tôi tin là phụ huynh sẽ hiểu được cái khó bất khả kháng và cùng nhà trường thống nhất mức tăng hợp lý nhất.

"Xoay" đủ cách để lo bữa ăn cho trẻ thời tăng giá - 3
Nhiều trường mầm non ở Đà Nẵng đề̀u có kế hoạch tăng thu tiền ăn cho trẻ trong năm học tới.

Khó khăn hơn cả là các trường mầm non tại các vùng ngoại thành khi hầu hết trẻ đến trường là con em người dân có thu nhập thấp. Cô Nguyễn Thị Lệ, hiệu trưởng trường mầm non 1-6 (phường Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), đắn đo: “Trường có 3 cơ sở, trong đó, có 2 cơ sở đặt tại Đà Sơn và cơ sở gần chợ Hòa Khánh, có tổ chức bán trú cho các cháu. Mấy tháng nay, trường cũng khó khăn bộn bề để lo bữa ăn đủ dinh dưỡng cho các cháu khi vẫn giữ nguyên mức thu tiền ăn trong thời “bão giá”. Hai cơ sở tổ chức bán trú nhưng chỉ có 1 bếp ăn để tiết kiệm tối đa trang bị cơ sở vật chất và cũng phần nào tiết kiệm tiền điện, nước, phụ phí dùng trong bếp ăn".

"Năm học tới, trường cũng có kế hoạch tăng thu nhưng nói thật kiểu này thì số học sinh đến trường và số đăng ký ăn trưa tại trường chắc chắn sẽ giảm. Do hầu hết phụ huynh các cháu là dân nghèo vùng ven, lao động thu nhập thấp. Năm học 2008-2009, cơ sở ở Đà Sơn có 75 em, năm 2009- 2010, còn 62 em và đến 2010- 2011 chỉ còn 50 em bán trú. Nhiều phụ huynh quá khó khăn, không đăng ký bữa ăn trưa cho cháu. Cứ sáng đưa cháu đến trường, trưa đón cháu về nhà ăn cùng gia đình, nhà có chi ăn nấy, rồi đầu giờ chiều lạ đưa con đến gửi ở trường để đi làm" - cô Lệ cho hay.

"Nắng nôi, vất vả, nhiều khi đi qua khu dân cư, thấy các cháu chơi bời giữa trưa nắng ngoài đường, thương lắm. Mà học phí ở trường mọi khoản đều đã giảm tối đa. Tổng thu tất cả các khoản, kể cả tiền ăn mỗi cháu chưa đến 500.000 đồng, chỉ hơn một nửa mức thu các trường trong trung tâm thành phố. Tăng thu là chuyện bất khả kháng trong thời buổi vật giá tất thảy đều tăng và cũng là điều bất đắt dĩ...".

Khánh Hiền