"Xuân này con vắng nhà..."

Khi phần lớn các bạn sinh viên hồ hởi thu xếp hành lý về quê nghỉ Tết, thì vẫn có những bạn ngậm ngùi ở lại. Mỗi người một cảnh, một kế hoạch đón xuân riêng, nhưng không vì thế mà những bạn trẻ này để mùa xuân gợn buồn.

Kiếm tiền trang trải việc học

Vừa thi xong môn cuối, thay vì thu dọn đồ đạc về quê, Thu Lý (ĐH KHXH-NV TP.HCM) lại tất tả chạy đến một công ty mỹ phẩm ở Q.Bình Thạnh để được phân công lịch làm việc Tết. Đây là năm thứ hai cô sinh viên (SV) quê Thanh Hóa đón Tết ở Sài Gòn. Thu Lý là con cả trong một gia đình nông dân nghèo, bốn người con đều đang tuổi ăn học nên số tiền mua vé hơn một triệu đồng cho hai chị em Lý là quá lớn. Năm nay cô em Thu Linh (SV năm nhất, Trường CĐ Xây dựng số 2) cũng ở lại cùng chị. Công việc hai chị em chọn trong ngày Tết là bán hàng cho công ty mỹ phẩm, ban đêm phục vụ ở một quán cà phê tại Q.1. Lý thường tự động viên: “Xa gia đình trong những ngày Tết thật buồn. Nhưng nghĩ đến học kỳ tới, hai chị em có thể tự đóng học phí bằng số tiền làm thêm trong Tết là mình cảm thấy vui”.

Nhà khó khăn, Nguyễn Văn Tưởng, SV năm cuối Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng quyết định ở lại làm thêm trong dịp Tết. Để tránh những “cạm bẫy”, Tưởng đến Trung tâm Hỗ trợ SV TP.HCM tìm hiểu thêm thông tin. Có vốn tiếng Anh khá tốt nên cậu đăng ký làm phục vụ tại khu vui chơi giải trí với mức lương khoảng 3 triệu đồng/tháng. Đồng thời, Tưởng cũng xin làm bảo vệ tại một nhà hàng gần khu cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) từ 18g30 đến 22g. Những ngày Tết, bạn bè lần lượt về quê nên cậu rủ thêm những người bạn “cùng cảnh ngộ” về ở chung, vừa vui vẻ lại tiết kiệm được tiền thuê phòng. Đây cũng là lựa chọn phổ biến của những bạn “Tết không về”.

Cũng đón Tết xa nhà, nhưng một số bạn lại quyết định tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện. Nguyễn Khắc Huy (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) có “thâm niên” bốn năm tham gia Xuân tình nguyện. Năm nay, Huy được phân công làm đội trưởng mặt trận tỉnh Bình Phước. Mặc dù quê ở Đồng Nai nhưng với Huy, đội tình nguyện đóng quân ở đâu thì ăn Tết ở đó.

Phút giao thừa lặng lẽ

Tết là dịp để gia đình sum vầy. Vì vậy, giao thừa là thời khắc khiến nhiều SV chạnh lòng nhất. Bạn Tường Vy (ĐH KHTN TP.HCM) từng đón Tết ở ký túc xá (KTX) nhớ lại: “Nỗi buồn vì ở lại Tết luôn vây lấy tụi mình từng ngày, đặc biệt là vào thời khắc giao thừa. Năm ngoái, sau khi ban lãnh đạo KTX chúc Tết ra về, tụi mình ôm nhau khóc nức nở rồi động viên nhau cùng cố gắng”.

Còn Thu Linh thì cũng nén tiếng thở dài mỗi lần nghe nhắc đến những cụm từ như: bánh chưng, mâm ngũ quả…. Đó là chưa kể những lần ra chợ, khi bắt gặp những người phụ nữ trạc tuổi mẹ mình đang lựa mứt Tết, Thu Linh ứa nước mắt. Thông thường, SV chọn cách “ôm sô” nhiều việc để không còn thời gian nhớ nhà. Tuy vậy, với Tưởng, cậu vẫn thấy những ngày này dài lê thê. Sau mỗi giờ làm, cậu SV quê Quảng Bình lại cùng các bạn trong phòng ôm cây đàn ghi ta hát đến tận khuya. Có hôm, gọi điện về nhà, nghe tiếng mẹ và mấy đứa cháu trong điện thoại, Tưởng chỉ biết gượng cười để mọi người yên lòng.

Với những SV tham gia chiến dịch Xuân tình nguyện, mỗi ngày Tết là một khoảnh khắc đáng nhớ, bởi công việc họ làm đem đến niềm vui cho nhiều người. Tới giờ, Trúc Ly (Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) vẫn không quên được những kỷ niệm trong đợt tình nguyện ở Vũng Tàu. Lúc ấy, cả đội hưởng ứng chương trình “Ngàn bánh chưng xuân”. Nhìn các bạn gói bánh, người dân… xúm lại phụ giúp. Có cụ già còn cầm tay Ly chỉ cách buộc lạt khiến cô nhớ nao lòng bàn tay của bố. Ly tâm sự: “Nhớ nhà là vậy, nhưng nhìn người dân và các em nhỏ vui là mình vui lây". Từng có nhiều kinh nghiệm giúp các bạn khỏa lấp nỗi buồn, Khắc Huy bật mí: “Mình tập trung hết thời gian cho kế hoạch Xuân tình nguyện. Đây vừa là thử thách, vừa là cơ hội cuối cùng của thời SV nên tôi vui vẻ tham gia chiến dịch. Khi tâm trạng thoải mái thì nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai”.

Theo Phụ nữ TPHCM