Xúc động chuyện những người thầy của Nhà giáo trẻ tiêu biểu

(Dân trí) - Chuyện về thầy Nguyễn Văn Cải, trong ngành giáo dục ở TPHCM ít ai không biết. Thật khó lòng kìm được nước mắt khi biết về cuộc đời thầy Cải nhưng phía sau đó, chuyện về những người thầy của thầy cũng xúc động không kém.

Tôi gặp thầy Nguyễn Văn Cải (sinh năm 1980, phó hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) đúng dịp kỷ niệm 30 năm Ngày nhà giáo Việt Nam. Đã có rất nhiều bài viết về thầy, còn điều tôi muốn viết là về “về những người thầy của thầy” - gắn liền với những câu chuyện làm nhiều người phải sụt sịt, lấy khăn lau nước mắt trong tọa đàm về vai trò người thầy do TPHCM tổ chức gần đây.

Chuyện về cô giáo Hằng

Gia đình nhiều khó khăn, mồ côi bố từ nhỏ nhưng 3 năm đầu tiên đến trường của cậu học trò Trường Tiểu học Trung Lập Hạ (Củ Chi) Nguyễn Văn Cải khá ổn. Nhưng đến ngày tựu trường của năm lớp 4, Cải nằm chèo queo ở góc nhà khóc sưng mắt nhìn mẹ mắc bệnh tâm thần lên cơn điên loạn. Người chị gái là trụ cột của gia đình lại mất việc… cả tuần nay trong nhà không còn gạo, chỉ ăn rau độn với khoai mì thì làm sao có thể đến trường.

Thầy Nguyễn Văn Cải và học trò

Thầy Nguyễn Văn Cải và học trò.

Khóc hết nước mắt, Cải nấp trong nhà lén nhìn bạn bè nô nức tựu trường. Đến tầm trưa, một số bạn trong lớp chạy đến nhà hét lớn: “Cải ơi, cô Hằng kêu bạn tới trường ngay”.

Không một cuốn sổ, không một chiếc bút, chiếc áo vá lưng, Cải vớ vội chiếc cặp sách cũ chạy thẳng đến trường. Đến nới đã nhìn thấy cô chủ nhiệm Trần Thị Hằng đứng chờ trước cổng. Cô dẫn Cải đến quầy hàng gần đó chọn mua tập, viết và nhiều dụng cụ học tập khác. Cô phải mua chịu vì trong người cô cũng không có tiền… Cô còn mượn sách giáo khoa và ứng tiền để đóng học phí và các khoản tiền năm học cho Cải. 

“Tôi còn hồn nhiên lắm, thấy vui mừng vì lại có thể tiếp tục đi học. Mãi sau này tôi mới biết, nhà cô cũng rất khó khăn, con còn nhỏ còn người chồng lúc đó đang thất nghiệp. Một buổi đi dạy, còn một buổi cô phải đi làm mướn cho người ta”, thầy Cải nhớ lại.

Với hành động cao đẹp đó, cô Hằng cũng là người đầu tiên đặt nền tảng ước mơ cho cậu học trò nhỏ: “Mình phải học để sau này trở thành thầy giáo!”.
 

Thầy Nguyễn Văn Cải, SN 1980, cha mất sớm, mẹ mắc bệnh tâm thần. Anh từng được bình chọn là Giáo viên trẻ tiêu biểu TPHCM vào năm 2008 và 2010, là 1 trong năm 5 công dân tiêu biểu của TPHCM năm 2010; chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền; được trao danh hiệu “Gương sáng học đường” của Hội Khuyến học TPHCM...

Những người thầy “lạ kỳ”
 
Cuộc sống ấu thơ và con đường học hành của thầy Nguyễn Văn Cải gắn liền với chuỗi ngày triền miên đi tìm mẹ xuyên đêm khi bà phát bệnh bỏ nhà đi; những ngày đến trường không còn lấy một đồng xu trong người; vừa đi học, Cải vừa làm thêm mọi nghề để sống như bán báo, bán bánh đậu xanh, đi phụ hồ, chăn vịt mướn…

Dù biết rằng chỉ có con đường học để vươn lên nhưng cũng không ít lần Cải rơi vào bế tắc mà nếu không có sự tiếp sức của các thầy cô ở các bậc học, Cải không biết mình có vượt qua nổi hay không.

Cải nhớ như in ngày thầy trợ lý thanh niên Nguyễn Văn Hiếu đến thăm nhà, thầy ngỡ ngàng khi biết nhà học trò mình vẫn đang lạc lõng với ánh đèn dầu khi hàng xóm đã thắp điện từ lâu. Vài ngày sau, thầy Hiếu cùng thầy Lê Đình Hòe - hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung, cùng nhiều thầy giáo nữa mang một số thiết bị điện đến nhà Cải rồi rồi các thầy tự tay nối điện, lắp cầu dao vào tận nhà cho học trò.

Sau này, dù Cải đã tốt nghiệp, theo học tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, thầy Hòe vẫn chạy vạy vay mượn, vận động bạn bè hỗ trợ xây lại căn nhà đã đổ nát, xiêu vẹo của mẹ con Cải. Thầy chỉ mong học trò mình có một nơi ở ổn định để tiếp tục con đường học và gắng sức chăm sóc mẹ.

Và những vị PGS đặc biệt

Ở đại học, tuy gia cảnh của sinh viên ít được đề cập nhưng PGS.TS Trần Hữu Tá (khi đó là chủ nhiệm khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM) dù tuổi đã cao, công việc bận rộn vẫn biết rõ hoàn cảnh của một sinh viên một buổi đi học, một buổi làm thêm kiếm sống.

PGS.TS Trần Hữu Tá - một trong những người thầy đặc biệt của thầy Cải (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

PGS.TS Trần Hữu Tá - một trong những người thầy đặc biệt của thầy Cải (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Thầy Tá có cách động viên rất khéo. Sợ trò buồn, thầy không nói trực tiếp mà dành thời gian trọn buổi để kể cho học trò nghe về tấm gương vượt khó của một sinh viên khiếm thị và nhiều người khác. Nghị lực của Cải như được tiếp thêm cả ngàn lần qua câu chuyện của thầy.

Rồi PGS.TS Bùi Mạnh Nhị - trưởng khoa Ngữ văn trích tiền thưởng từ việc nghiên cứu khoa học của mình tặng cậu học trò Nguyễn Văn Cải để có thêm tiền mua thuốc điều trị bệnh cho mẹ trong cơn ngặt nghèo của gia đình khi Cải học năm thứ hai.

Giờ đây, thầy Nguyễn Văn Cải tâm niệm rằng, những hỗ trợ của các thầy cô trên con đường học hành của mình không chỉ là giá trị vật chất. Mà quan trọng hơn, những điều đó gieo vào lòng thầy và nhiều học trò nghèo khó khác một niềm tin, nguồn sống để không gục gã trước bất kỳ trở ngại nào.

Học được từ chính những người thầy đi trước rằng hạnh phúc nhất của người thầy là có thể sẻ chia với học trò bằng chính tình cảm và trách nhiệm của mình, thầy Nguyễn Văn Cải luôn mang theo mình lẽ sống: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN