Xúc động hình ảnh tân thạc sĩ được cõng lên nhận bằng

(Dân trí) - Trong buổi trao bằng cho hơn 90 tân thạc sĩ, cử nhân của Trường ĐH Kinh tế TPHCM hôm 19/8, khi Trần Thanh Sơn được người nhà cõng lên sân khấu nhận bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh cấp cao, cả khán phòng đều xúc động và khâm phục ý chí của chàng trai khuyết tật này.

Ba của Sơn ngày trước đi bộ đội và vô tình bị nhiễm chất độc da cam nên khi Sơn được 9 tháng tuổi thì bị sốt bại liệt. Thế là suốt 30 năm qua, Thanh Sơn phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Đôi chân bị liệt hoàn toàn, đôi tay cũng hoạt động rất khó khăn do bị rời khớp, không giơ lên được là trở ngại cực lớn với anh. Những khiếm khuyết của cơ thế không ngăn được nghị lực vươn lên trong học tập của chàng trai này.

Tân Thạc sĩ Trần Thanh Sơn được cõng lên nhận bằng.
Tân Thạc sĩ Trần Thanh Sơn được cõng lên nhận bằng.

Trước đó vào tháng 6, anh cũng đã nhận được bằng thạc sĩ Công nghệ Thông tin (CNTT) của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM).

Từ nhỏ, Sơn quyết tâm phải học giỏi. Năm 2002, ngay lần thi đầu tiên Trần Thanh Sơn đã trúng tuyển ĐH ngành CNTT Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM). Sơn đam mê với ngành CNTT, vì xuất phát từ nhu cầu cũng như phù hợp với sức khỏe của bản thân. Chính vì vậy mà 3 lần thi trượt Cao học ngành này nhưng anh vẫn quyết tâm đến cùng. Đến lần thi thứ tư vào năm 2010 thì Sơn đậu cao học ngành CNTT ngay tại ngôi trường đã từng học ĐH.

Trong lúc đó, Sơn thi Cao học ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Kinh tế thì trúng tuyển ngay. Lựa chọn học kinh tế vì Sơn cho rằng phải học cách kiếm tiền và để biết cách quản lý đồng tiền. Đồng thời, với Sơn trong cuộc sống của anh luôn cần sự giúp đỡ của người khác nên anh phải có tiền để hỗ trợ cho những người đã giúp mình.

Trong buổi trao bằng, GS. TS. Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã biểu dương tinh thần cố gắng và sự nỗ lực của các tân thạc sĩ, cử nhân trong thời gian qua. Ông tin tưởng với những kiến thức, kỹ năng đã được trang bị trong quá trình học tập, những tân cử nhân, thạc sĩ sẽ góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Lê Phương