Ý kiến Bộ GD-ĐT và Hội KHVN về thông tin “Đào tạo chui cả ngàn thạc sĩ”

(Dân trí) - Trước thông tin “Đào tạo “chui” cả ngàn thạc sĩ”, để đảm bảo tính khách quan Dân trí đã có cuộc trao đổi cùng ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT và Phó Chủ tịch Hội KHVN về vấn đề này.

Từ thông tin trên một bài báo “Đào tạo “chui” cả ngàn thạc sĩ” viết về chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Master of Business Administration - MBA) online của Columbia Southern University (CSU) do Trung tâm Hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội Khuyến học Việt Nam liên kết với nước ngoài đào tạo, đã cho rằng: chương trình học của CSU chưa được Bộ GD-ĐT cấp phép; hình thức đào tạo online cũng chưa được Bộ GD-ĐT cho phép; Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế cũng không có chức năng liên kết đào tạo. Thế nhưng, từ năm 2002 đến nay, trung tâm này đã phối hợp để liên kết đào tạo với CSU ở cả trong Nam, ngoài Bắc, với hơn 20 khóa, khoảng 2.000 học viên đã theo học, trong đó không ít cán bộ cơ quan nhà nước.

 

Nội dung cũng từ bài báo đó có đề cập, "CSU không được công nhận và theo những thông tin trên mạng, thì CSU là một trường cao đẳng cộng đồng do tư nhân thành lập năm 1993 tại Mỹ, chỉ đào tạo online cho những người không có điều kiện học tập trung. Trên thực tế, các trường đào tạo online bằng cấp không có giá trị, không dùng để học tiếp lên cao cũng như kiếm việc được. Nó chỉ có ích cho việc nâng cao kiến thức".

 

Để đảm bảo tính khách quan, Dân trí  đã  làm việc với các vị  lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm quản lý là Bộ GD-ĐT và Hội KHVN. Trao đổi với Dân trí vào chiều ngày 7/9, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT, cho biết: “Về vấn đề liên quan đến việc công nhận văn bằng Thạc sĩ mà Hội Khuyến học Việt Nam thông qua Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội đã liên kết đào tạo với trường ĐH Nam Columbia - Hoa Kỳ (chứ không phải một trường cao đẳng cộng đồng do tư nhân thành lập), hiện Bộ đang trong quá trình kiểm tra chưa đưa ra kết luận gì cả. Nếu với hình thức đào tạo khác thì Bộ sẽ có kết luận ngay nhưng do là hình thức đào tạo mới, đào tạo từ xa lại liên quan đến hàng ngàn học viên nên Bộ phải xem xét kỹ”.

 

Được biết, ngày 30/8 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có đoàn kiểm tra Chương trình tư vấn hỗ trợ đào tạo với nước ngoài do Trung tâm Hợp tác Đào tạo quốc tế (CITC) - Hội Khuyến học Việt Nam thực hiện.

 

Đoàn kiểm tra của Bộ do ông Phan Mạnh Tiến Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học làm trưởng đoàn cùng với thành viên là bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Vụ trưởng Vụ quan hệ Quốc tế, ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-DDT, đại diện Thanh tra Bộ, Cục đào tạo với nước ngoài…

 

Qua kiểm tra về Chương trình tư vấn đào tạo từ xa của Trung tâm Hợp tác Đào tạo quốc tế với trường ĐH Nam Columbia (Hoa Kỳ), Đoàn kiểm tra cho biết: Văn bản ký kết thỏa thuận ghi nhớ giữa CITC và CSU đã đảm bảo đầy đủ các quy định về trách nhiệm của các bên để thực hiện chương trình liên kết. Tuy nhiên, cần kiểm tra thực tế hồ sơ các nội dung thực hiện chương trình.

 

Đoàn kiểm tra đã kết luận: Về ưu điểm CITC đã thực hiện chủ trương đa dạng hóa hình thức học tập, trong những năm qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có nhiều đóng góp cho xã hội học tập, hoạt động khuyến học và việc triển khai các cuộc vận động và phong trào của ngành giáo dục.

 

Tuy nhiên, CITC thuộc Hội Khuyến học Việt Nam chưa tư vấn đầy đủ cho đối tác nước ngoài về các quy định hiện hành của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác đào tạo với nước ngoài để kịp thời làm thủ tục cấp phép theo quy định hiện hành.

 

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ minh chứng hoạt động thực tế của chương trình liên kết và sớm tổ chức buổi làm việc với Đoàn kiểm tra để có báo cáo trình Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định.

 

Theo văn bản báo cáo về hoạt động tư vấn, giới thiệu và hỗ trợ các khóa đào tạo từ xa quốc tế của Tiến sĩ Vũ Đức Thanh, giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế, Hội Khuyến học Việt Nam gửi Thanh tra Bộ ngày 25/8 cho biết, số lượng học viên từ năm 2002 đến 2009 có 16 khóa hỗ trợ, tổng cộng có 1.599, trong đó số học viên nhận bằng tốt nghiệp là 859 chứ không phải khoảng 2.000 thạc sĩ như bài báo nêu.

 

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: Trường ĐH Nam Columbia là một trường đào tạo từ xa được cấp phép bởi Cơ quan quản lý Giáo dục ban (bang Alabama - Hoa Kỳ), đã được kiểm định chất lượng bởi Hội đồng Giáo dục và Đào tạo Từ xa DETC và là thành viên của Hội đồng công nhận đại học CHEA. Trường cung cấp các khóa đào tạo từ xa tại Hoa Kỳ thông qua mạng Internet cho tất cả những ai có nhu cầu và đáp ứng được các điều kiện nhập học của trường.

 

Với chương trình này, Hội Khuyến học Việt Nam là tổ chức triển khai hoạt động tư vấn giới thiệu và hỗ trợ các khóa học từ xa quốc tế qua mạng Internet cho học viên Việt Nam. Qua hơn 8 năm triển khai, Hội KHVN đã giới thiệu, tư vấn và hỗ trợ cho hàng ngàn học viên theo học các khóa học của Trường ĐH Nam Colombia.

 

Ngày 1/10/2009, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (nay là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) đã có buổi họp với Hội Khuyến học Việt Nam để trao đổi một số việc liên quan đến Chương trình tư vấn giới thiệu và hỗ trợ các khóa đào tạo từ xa qua mạng Internet của Trường ĐH Nam Columbia. Ngày 26/10/2009, Bộ GD-ĐT đã khẳng định: Công văn số 8621/GDTX ngày 27/9/2002 của Bộ GD-ĐT do cố Thứ trưởng Lê Vũ Hùng ký vẫn còn nguyên giá trị. Hội Khuyến học Việt Nam có thể tiếp tục triển khai các công việc đúng như nội dung công văn này là Tư vấn, giới thiệu và cung cấp các thông tin cho học viên Việt Nam về các khóa đào tạo từ xa qua mạng Internet của các cơ sở đào tạo có chất lượng, có uy tín trong nước và quốc tế; Tổ chức các lớp hỗ trợ cho học tập của học viên như bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, hướng dẫn phụ đạo các học phần môn học của các khóa đào tạo từ xa nói trên. Hình thức liên kết đào tạo với ĐH Nam Columbia - Hoa Kỳ, Hội đã thực hiện đúng như nội dung công văn mà Bộ quy định.

 

Ông Nhĩ cho biết, mặc dù hình thức học tập từ xa quốc tế qua mạng Internet vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người Việt Nam nhưng thực tế chương là một phương thức học tập mới, hiện đại và tiện lợi đối với nhiều người. Thêm vào đó, việc áp dụng rộng rãi mô hình học tập tiên tiến này góp phần vào việc thực hiện chủ trương mới của Chính phủ là đào tạo hàng trăm nghìn thạc sĩ, 20 nghìn tiến sĩ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ĐH tại Việt Nam.
 

Qua các ý kiến của Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ GD-ĐT  và Hội KHVN cho thấy hiện nay Bộ đang trong quá trình kiểm tra và chưa có kết luận về vấn đề liên quan đến việc công nhận văn bằng Thạc sĩ mà Hội KHVN thông qua Trung tâm  hợp tác đào tạo quốc tế thuộc Hội để liên kết đào tạo với Trường ĐH Nam Columbia - Hoa Kỳ. Dân trí  sẽ tiếp tục thông tin sớm nhất tới bạn đọc khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có văn bản kết luận về nội dung trên .

 

Hồng Hạnh