Ý tưởng “làm ra điện từ nước thải” của 4 chàng trai lớp 11

Một công nghệ mới trên thế giới? Ồ không, đó là ý tưởng sáng tạo có tính ứng dụng cao của một nhóm bạn lớp 11 Trường THPT Lê Hồng Phong (TPHCM) vừa giành được giải nhất trong cuộc thi “Đồng hành cùng năng lượng năm 2009”.

Đây là cuộc thi dành cho 9 đội từ 3 trường THPT ở TPHCM do Trung tâm tiết kiệm năng lượng TPHCM phối hợp với công ty Điện lực TPHCM tổ chức vào ngày 12/12 vừa qua.

Hãy nghe nhóm bạn Trường THPT Lê Hồng Phong bật mí về công trình của mình nhé.

Điện sinh ra từ... 2 chữ tại sao?

“Tại sao phải tốn năng lượng để bơm nước lên các nhà cao tầng, các chung cư rồi sau khi sử dụng, nước thải lại chảy tuồn tuột xuống lòng đất mà không tạo ra chút năng lượng nào? Tại sao không “vớt vát” được phần nào năng lượng đã bị mất đi (điện để bơm nước lên cao)?... Hàng loạt câu hỏi như vậy đã được bọn tớ - Minh Mẫn, Việt Hùng (lớp 11 chuyên Anh) và Hoành Minh (lớp 11 chuyên Tin) - đặt ra. Thế là một ý tưởng táo bạo “ra lò” - phải lắp đặt các turbine bên dưới ống thoát nước của các tòa nhà cao tầng. Như vậy, thế năng của nước từ các tầng trên cao sẽ trở thành nguồn năng lượng có ích, làm quay các turbine, từ đó sinh ra điện.

Ý tưởng thì mới, nhưng thật ra cách thực hiện lại cực kì đơn giản. Bạn cứ tưởng tượng những tổ hợp turbine mà bọn tớ lắp vào phía dưới đường xả nước tương tự như những nhà máy thủy điện mini bên dưới các dòng thác ấy. Khi được áp dụng trong đời sống, nó sẽ giúp tái tạo lại một phần năng lượng không nhỏ đâu”.

Ý tưởng “làm ra điện từ nước thải” của 4 chàng trai lớp 11  - 1
Minh, Hùng, Mẫn (đứng, từ trái sang phải) bên mô hình đoạt giải.

Học được nhiều điều qua cuộc thi

Hoàng Minh: Hôm thi, đến phần thuyết trình mô hình, bỗng dưng “nhà máy điện mini” của tụi mình dở chứng không chịu phát điện. Tuy được Ban giám khảo châm chước nhưng tụi mình vẫn tức lắm. Sau khi thi xong, bọn mình lập tức mang “nhà máy” ra... nhà vệ sinh chạy thử. Ai ngờ điện được phát, chiếc đèn LED sáng choang. Thì ra là hệ thống xả nước của tụi mình không đủ cao (thế năng nhỏ). Vậy mới thấy, dù chỉ là mô hình nhưng cũng gắn với thực tế thì mới thành công.

Việt Hùng: Trong khi bọn tớ còn đang ngây ngất vì những tràng pháo tay nồng nhiệt của thầy cô, bạn bè thì Ban giám khảo làm bọn tớ thêm “choáng” khi gợi ý nên đem ý tưởng này đăng kí quyền sở hữu trí tuệ. Dù không được như Edison (chế tạo ra bóng đèn) nhưng lần đầu tiên bọn tớ “nếm” được “hương vị” của niềm vui khi tạo ra một điều có ích cho cuộc sống là như thế nào.

Và điều quan trọng nhất sau cuộc thi vẫn là những kiến thức mà bọn tớ đã học được. Ví dụ như chỉ cần một động tác nhỏ - dùng tay tắt màn hình vi tính khi không dùng tới - chúng ta đã tiết kiệm được phân nửa năng lượng điện khi để ở chế độ màn hình chờ. Những bài học tuy nhỏ nhưng mang lại lợi ích to lớn phải không?

Theo Mực Tím