Yên Phong - Bắc Ninh: Nhiều “nghi vấn” ở kỳ tuyển dụng giáo viên

(Dân trí)-Điểm thi phỏng vấn không được công bố ngay; đa số thành viên ban kiểm tra, sát hạch ít gắn liền với chuyên môn tuyển dụng; không đúng với chuyên ngành những vẫn được tuyển... Đây là những “nghi vấn” mà dư luận đặt ra ở kỳ tuyển dụng viên chức của huyện Yên Phong (Bắc Ninh).

Trao đổi với PV Dân trí, nhiều ứng viên tham dự kỳ tuyển dụng cho biết: Vào phòng thi thì chỉ có ứng viên với hội đồng sát hạch. Chúng tôi bắt thăm ngẫu nhiên 1 trong 4 lĩnh vực tương ứng 4 câu hỏi về chính sách, luật giáo dục, xử lí tình huống sư phạm. Trả lời xong thì hội đồng không thông báo điểm ngay mà để một thời gian dài sau mới công bố. Dựa theo luật hiện hành thì dù muốn chúng tôi cũng không có quyền được phúc khảo. Bên cạnh đó, không có thiết bị ghi âm, ghi hình giám sát nên chẳng cơ sở để đối chất nếu có hiện tượng tiêu cực xảy ra.

Cô N.T.N. - Hiệu trưởng của một trường THCS ở huyện Yên Phong chia sẻ: “Giáo viên hợp đồng trường tôi đi thi phỏng vấn về nói việc trả lời ứng xử tình huống sư phạm được khen tốt mà chỉ 74 điểm. Trong khi đó không ít người dù chưa qua trường lớp sư phạm, chỉ cần chứng chỉ sư phạm cũng có thể được tuyển thẳng hoặc điểm phỏng vấn cao chót vót là điều đáng để cho nhiều người hoài nghi”.

Những dấu hiệu bất thường

Cách tính điểm trúng tuyển của Yên Phong tuân thủ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Theo đó, Điểm trúng tuyển là tổng điểm học tập, điểm tốt nghiệp và điểm phỏng vấn nhân hệ số 2. Như vậy, trong cuộc cạnh tranh suất vào viên chức thì những người có điểm số phỏng vấn cao sẽ có lợi thế lớn chung cuộc.

Chính vì thế, khi có kết quả trúng tuyển thì những thí sinh thuộc diện con em lãnh đạo, cán bộ huyện đều lọt vào sự “soi xét” của các ứng viên tham gia. Mặc dù cơ sở bằng chứng để khẳng định tiêu cực trong phỏng vấn là rất khó khi không có tang chứng, vật chứng. Tuy nhiên với những thông tin được công khai thì lại có những biểu hiện “bất thường” đáng để cơ quan chức năng cần phải xem xét.

Đơn cử như, trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong có con dâu (mới cưới sau đợt tuyển dụng - theo như lời lãnh đạo này nói) đăng ký tuyển dụng vào giáo viên dạy Sinh học nhưng bất ngờ xin rút hồ sơ để chuyển sang đăng ký tuyển dụng vào viên chức Thí nghiệm, thiết bị. Giải thích về việc này, trưởng phòng Nội vụ bày tỏ: “Sau cháu nói là biết môn Sinh đã hết nên xin rút, chuyển sang Thí nghiệm, thiết bị”,

Trên thực tế, theo kết quả xét tuyển thì ở chức danh nghề nghiệp giáo viên Sinh học khối THCS có 23 chỉ tiêu. Số thí sinh thuộc diện tuyển thẳng đăng ký vào chức danh này là 17, như vậy còn 5 chỉ tiêu dành cho các đối tượng khác. Chị C.T.H. (sinh năm 1991) - con dâu trưởng phòng Nội vụ có điểm trung bình học tập và điểm tốt nghiệp 7,92 và 99 (rất cao, gần chạm mức tốt nghiệp loại giỏi) nhưng lại bất ngờ rút hồ sơ chuyển sang chức danh nghề nghiệp khác.

Tiêu chuẩn tuyển dụng mà UBND huyện Yên Phong đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên 
Tiêu chuẩn tuyển dụng mà UBND huyện Yên Phong đối với chức danh nghề nghiệp giáo viên Sinh học, viên chức Thí nghiệm, thiết bị (vùng khoanh màu đỏ).

Kết quả trúng tuyển viên chức Thí nghiệm, thiết bị.
Kết quả trúng tuyển viên chức Thí nghiệm, thiết bị.

Chưa dừng lại ở đó, theo danh sách phân bố chỉ tiêu mà Sở Nội vụ Bắc Ninh phê duyệt cho huyện Yên Phong thì chức danh nghề nghiệp viên chức Thí nghiệm, thiết bị chỉ tuyển những người có trình độ TCCN trở lên tốt nghiệp chuyên ngành Thiết bị trường học; Thiết bị đồ dùng, Thư viện - Thiết bị trường học. Tuy nhiên, ở chức danh này, huyện Yên Phong lại tiếp nhận người tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học (con dâu của trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong); tốt nghiệp chuyên ngành Lý - KTCN…

Rà kết quả trúng tuyển mà UBND huyện Yên Phong công bố còn thấy nhiều chức danh nghề nghiệp khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Chẳng hạn, theo quy định. chức danh giáo viên Sinh học ở cấp THCS chỉ tuyển những người tốt nghiệp chuyên ngành Sinh học hoặc Sinh trình độ CĐ trở lên nhưng Yên Phong tuyển thẳng 2 ứng viên tốt nghiệp ĐH chính quy loại Giỏi ở chuyên ngành… Công nghệ sinh học.

Bên cạnh đó, Trưởng phòng GD-ĐT cũng có vợ và cháu gái cùng trúng tuyển giáo viên THCS môn Văn với điểm số phỏng vấn lần lượt là 89 và 86, thuộc tốp điểm cao ở môn này. Trong mối tương quan điểm trung bình học tập và điểm tốt nghiệp của chị vợ lần lượt là 7,14 và 7; em gái là 7,24 và 7,5 thuộc tốp giữa về điểm số ở 2 mặt này so với các ứng viên còn lại.

Dù từng có 2 năm là giáo viên giỏi cấp huyện nhưng tại trường THCS Thụy Hòa nơi hai cô công tác còn 5 người (đang dạy hợp đồng) cũng có từ 2 năm là giáo viên giỏi cấp huyện. Đáng chú ý nữa, trong tổng số 14 giáo viên hợp đồng thì chỉ 2 người này trúng tuyển viên chức trong đợt tuyển dụng vừa qua của huyện.

Theo ông Lê Kim Trưởng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Phong thì những người có con em là người nhà thì không nằm trong thành phần danh sách kiểm tra, sát hạch. UBND huyện thành lập danh sách kiểm tra, sát hạch tuân thủ theo đúng quy định của Bộ Nội vụ.

Ban kiểm tra, sát hạch có đảm bảo được sự công bằng?

Trước luồng thông tin dư luận cho rằng, thành viên trong ban kiểm tra, sát hạch có người thân thiết tham dự kì thi tuyển dụng, phóng viên Dân trí đã liên hệ làm việc trực tiếp với UBND huyện Yên Phong những bất thành. Với lý do bận họp hành liên miên đơn vị này xin “khất” dịp khác hoặc sẽ trao đổi qua email.

Theo điều tra của PV Dân trí, mặc dù là tuyển dụng giáo viên nhưng những người tham gia kiểm tra, sát hạch lại ít gắn liền với chuyên môn. Danh sách kiểm tra, sát hạch gồm có 6 thành viên gồm Trưởng phòng Lao động, Phó Chánh văn phòng Huyện ủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, Phó trưởng phòng Nội vụ, Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân - UBND huyện, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện. Trong đó, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và xã hội huyện làm trưởng ban.

Danh sách ban kiểm tra, sát hạch kì thi tuyển dụng viên chức ngành giáo 
Danh sách ban kiểm tra, sát hạch kì thi tuyển dụng viên chức ngành giáo dục - đào tạo huyện Yên Phong.

Thông 16/2012/TT-BNV có nêu rõ: “Người được cử làm thành viên Ban kiểm tra, sát hạch phải là công chức từ ngạch chuyên viên chính trở lên, viên chức ở chức danh nghề nghiệp hạng II trở lên, nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên có trình độ chuyên môn trên đại học”.

Như vậy, huyện Yên Phong có nhiều lựa chọn người đủ tiêu chuẩn gắn liền với chuyên môn để thành lập ban kiểm tra, giám sát. Với cách lựa chọn đưa ra thì không hiểu mục đích của huyện trong việc tuyển dụng viên chức có năng lực, trình độ chuyên môn đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ của vị trí việc làm cần tuyển có thành hiện thực?

Theo đánh giá của nhiều giáo viên, với thành phần kiểm tra, sát hạch như vậy rất khó để giá đúng năng lực của người tham gia tuyển dụng tham gia dự tuyển làm giáo viên. Nếu liên quan đến các câu hỏi Luật, câu hỏi chính sách thì có thể dựa vào đáp án để đánh giá. Đối với xử lý tình huống sư phạm mà lại dập khuôn theo đáp án là điều thiệt thòi cho nhưng người đã có thâm niên công tác.

“Nói về tình huống sư phạm thì rất khó để đưa ra một đáp án chung. Trên thực tế có những ứng viên trả lời tình huống rất tốt, được đánh giá cao nhưng điểm lại thấp. Đây chính là sự bất cập khi mà thành viên tham gia kiểm tra, sát hạch ít có chuyên môn gắn liền với vị trí tuyển dụng” - Hiệu trưởng một trường THCS ở huyện Yên Phong bày tỏ.

Nguyễn Hùng