Yêu cầu tác giả giải trình về sai sót sách Vật lý

Gần đây, báo chí có đề cập đến việc sách giáo khoa môn Vật lý có <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/9/74882.vip" >sai sót đến mức phải… viết lại</a>. Ông Nguyễn Quý Thao, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục (Bộ GD - ĐT) khẳng định việc một hai ý kiến không đồng thuận là chuyện thường, nhưng Bộ sẽ yêu cầu tác giả cuốn sách giải trình về những sai sót này.

Một, hai ý kiến không đồng thuận là chuyện thường?

 

Tất cả SGK đại trà (kể cả SGK thí điểm) phải viết theo chương trình của Bộ. Quy trình làm sách mà Bộ chỉ đạo là chặt chẽ, nghiêm túc và chương trình được xây dựng  căn cứ vào những kiến thức cơ bản  cần cung cấp cho HS cũng như căn cứ vào tâm, sinh lý lứa tuổi. 

 

Và các kiến thức này được phân bổ ở các lớp khác nhau. Nó tạo thành một tổng thể để đến cuối cấp học HS cần đạt được yêu cầu mà chương trình đề ra.

 

Còn khi tổ chức viết sách Bộ GD - ĐT đã huy động rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài ngành. Thông thường các tác giả viết sách gồm 3 đối tượng được Bộ lựa chọn gồm: những nhà khoa học, những nhà sư phạm tâm huyết, những nhà quản lý giáo dục và giáo viên ở các vùng miền khác nhau.

 

Thành phần của Hội đồng thẩm định quốc gia được xây dựng và thành lập với các nguyên tắc đó. Như vậy, khâu tổ chức biên soạn cũng như thẩm định là chặt chẽ và đúng quy trình chứ không như một số người nhận xét.

 

Thời gian vừa qua, cũng có ý kiến khác nhau là chương trình và SGK nặng - nhẹ. Vấn đề này thì phải căn cứ từng mục tiêu, từng chương trình giáo dục cụ thể thì mới phân định được là nặng hay nhẹ... 

 

Nhiều ý kiến đặt vấn đề: Chương trình Bộ GD - ĐT quy định chỉ là chương trình khung và vị trí của SGK đã được đẩy lên quá cao vì thế quan niệm chuẩn kiến thức gần như là ở SGK. Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua quy định "chương trình giáo dục phổ thông phải theo một chuẩn kiến thức cụ thể...". Như vậy, những SGK đã thí điểm và đưa vào triển khai đại trà không theo một chuẩn kiến thức nhất định?

 

Trong quan niệm mà Bộ GD - ĐT chỉ đạo tiến hành mấy năm gần đây và giai đoạn này đang là giai đoạn hoàn thiện thì chương trình được hiểu bao gồm chương trình và chuẩn kiến thức, kĩ năng.

 

Thời gian vừa qua, Bộ đã chỉ đạo Viện Chiến lược Chương trình giáo dục đã xây dựng chương trình và chuẩn kiến thức. Do vậy mà trong quá trình viết sách vẫn dựa trên chương trình và có chuẩn chứ không phải là không có. Nhưng bây giờ đang là giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để cho chuẩn được chính xác hơn, hoàn thiện hơn.

 

Có nghĩa, quá trình viết sách đồng hành với việc hoàn thiện chuẩn....

 

Nếu không có gì thay đổi thì trong tháng 9 hoặc tháng 10 này, Bộ GD - ĐT sẽ trình cấp trên chương trình và chuẩn kiến thức. Cuối tháng 8 vừa rồi, Bộ có tổ chức mời khoảng 200 nhà khoa học, nhà quản lý và giáo viên giỏi ở các vùng miền trên cả nước để góp ý và hoàn thiện chương trình và chuẩn kiến thức. Tùy theo bộ môn, sẽ mời từ 9 đến 15 nhà khoa học, giáo viên bộ môn để rà soát  từng môn và  tổng  thể  các  môn để có hoàn thiện, tìm ra một phương pháp tối ưu.

 

Với tư cách là người tham gia cuộc họp đó, ông có đồng ý với nhận xét rằng: bên cạnh chuẩn kiến thức của một số môn đã tìm được sự đồng thuận, nhưng cũng có môn vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều này có ảnh hưởng đến việc "hoàn thiện" chuẩn trong một quá trình dài triển khai vừa làm sách vừa rút  kinh nghiệm?

 

Trong quá trình nghiên cứu và trao đổi thì kết luận cuối cùng phải có Hội đồng, mà bất kỳ cuộc họp nào thì cũng phải theo ý kiến đa số, theo chân lý khoa học. Còn chuyện có một, hai ý kiến không đồng thuận là chuyện bình thường trong khoa học. Nhưng quyết định cuối cùng phải do Hội đồng...

 

Sách: Không thể làm một lần là tiếp cận chân lý ngay!

 

Ông khẳng định rằng, việc làm sách lâu nay vẫn theo chương trình và chuẩn kiến thức. Đồng nghĩa, với những SGK 6, 7, 8, 9 đang triển khai đại trà vẫn có những điều chỉnh để hoàn thiện với chuẩn hơn?

 

Bất kỳ quá trình làm sách hay làm khoa học là một quá trình tiếp cận chân lý. Không ai có thể làm một lần mà tiếp cận chân lý ngay. Nếu mà tiếp cận được chân lý ngay thì chưa phải làm khoa học thật sự nghiêm túc. Vì thế, vấn đề biên soạn SGK cũng là quá trình phản ánh những tri thức của nhân loại cho thế hệ trẻ bằng con đường ngắn nhất. Làm thế nào để người học ngắn nhất, nhanh nhất nhưng nắm được cơ bản nhất, hiện đại nhất.

 

Vì thế trong quá trình đó cần có sự tranh luận và trao đổi khoa học là điều cần và đương nhiên. Nhưng tranh luận cuối cùng phải tìm ra một chân lý đúng và Bộ GD - ĐT sẽ lắng nghe tất cả những ý kiến của các nhà khoa học, những nhà sư phạm... để tìm ra một phương pháp tối ưu.

 

Tôi cho rằng, bất kỳ ai viết sách cũng thế, đều có quan điểm của mình, nhưng đều phải đảm bảo tính cơ bản, tính phổ thông, tính khoa học và tính sư phạm. Về giáo dục thì SGK yêu cầu độ chuẩn mực cao hơn, chính vì thế mà chúng tôi có những tập thể khoa học và Hội đồng khoa học rất rộng để phát huy trí tuệ tập thể.

 

Về cơ bản thì nhiều ý kiến đồng tình với quy trình làm sách chặt chẽ của Bộ, nhưng khi triển khai thực tế vẫn còn sai sót. Nguyên nhân bắt nguồn từ quy trình thẩm định lỏng lẻo hay do chuẩn chưa được hoàn thiện dẫn đến nhiều ý kiến trái ngược?

 

Cá nhân tôi cho rằng, tất cả những góp ý, Bộ, Nhà Xuất bản và tập thể tác giả luôn sẵn sàng lắng nghe, nhưng không phải ý kiến nào cũng đúng. Khi có ý kiến về SGK gửi đến Bộ hoặc Nhà xuất bản thì chúng tôi luôn đọc rất kỹ, rồi mời tác giả và một số đồng chí trong Hội đồng thẩm định để xem xét tất cả những khía cạnh đúng - sai của các ý kiến để tiếp thu và giải trình. Nếu tiếp tục có ý kiến thì sẽ có hội thảo để đi đến quyết định thống nhất về đúng - sai.

 

Khi tác giả được mời viết thì sẽ chịu trách nhiệm về mặt khoa học, sư phạm trước Bộ trưởng, trước xã hội và trước Hội đồng thẩm định quốc gia... Bất kỳ phát hiện nào từ phía xã hội chúng tôi đều có tổ chức họp để xem xét.

 

Khi có ý kiến báo nêu về môn Vật lý, chúng tôi đã liên lạc với tác giả để xem xét, đối chiếu với SGK và yêu cầu tác giả giải trình. Trên cơ sở bản giải trình đó thì chúng tôi sẽ mời tác giả, chủ biên và Hội đồng thẩm định để thống nhất những ý kiến để báo cáo lãnh đạo Bộ xin ý kiến chỉ đạo. 

 

Tuy nhiên, trong quá trình làm sách thì không ai có thể nói là tránh hết được những lỗi nhỏ. Thí dụ quá trình đánh máy được kiểm tra rất nhiều lần nhưng vẫn có thể nhầm lẫn; hay tác giả viết những ý diễn đạt theo tác giả là đúng rồi nhưng người ngoài đứng ở một góc độ khác góp ý người ta thấy chưa hoàn thiện. Hoặc cách diễn đạt trong tiếng Việt rất phức tạp, người này diễn đạt cho là được nhưng người kia lại diễn đạt kiểu khác hay hơn. 

 

Trở lại với vấn đề chuẩn thì có ý kiến cho rằng mình đang "đi ngược" so với các nước về viết sách. Các nước ban hành khung và chuẩn chương trình rồi mới viết thì mình lại ngược lại "viết sách trên cơ sở tiếp thu ý kiến hoàn thiện chuẩn".  Như vậy, khi có sai sót điều chỉnh thì có lãng phí?

 

Phải khẳng định là quá trình viết sách nước nào cũng thế. Tôi đã đi một số nước kể cả những nước tiên tiến và cả nước phát triển trung bình. Về mặt quy trình làm sách thì nước mình và các nước là gần giống nhau, chỉ có cách quản lý làm sách là hơi khác. Cụ thể là, các nước thì ban hành một chương trình và nhiều bộ SGK,  tùy chính sách của mỗi quốc gia quy định. Nhưng điều kiện Việt Nam hiện nay Quốc hội thông qua 1 chương trình, 1 bộ SGK và Bộ GD - ĐT thực hiện theo quyết định đó...

 

Xin cảm ơn ông!

 

Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Lê Hùng:

"Những sai sót hiển nhiên chúng tôi khẳng định ngay... "

 

Về ý kiến SGK môn Vật lý sai thì tôi chưa được tiếp xúc với người góp ý; tất cả lỗi của SGK để xác định lỗi thì Nxb Giáo dục phải kiểm tra lại tẩt cả những ý kiến góp ý bằng văn bản sau đó làm việc với tác giả. Tất nhiên, những gì sai nó hiển nhiên thì chúng tôi khẳng định ngay, còn những cái gì thuộc về tranh cãi thì tác giả quyết định và nếu như chưa thỏa đáng thì sẽ mời các chuyên gia.

 

Như vậy, hiện nay tôi chưa có trong tay những văn bản mà người góp ý chỉ ra những lỗi sai cụ thể. Tôi cũng đọc thông tin báo nêu về sách thì phần đầu nói về chương trình. Tác giả muốn viết SGK thì phải dựa vào chương trình, nếu như chương trình không có thì tác giả không được phép viết. 

 

Những phần còn lại tôi chưa lật SGK để xem lại thì có những phần thuộc về văn cảnh. Thí dụ, họ góp ý thế này: một bóng đèn điện là một nguồn thắp sáng, nếu bình thường chẻ hoe ra thì đó là điều chưa đúng. Vì bóng đèn điện nó phải có dòng điện chạy qua, phát sáng thì đấy mới là nguồn sáng. Còn nếu bóng đèn điện chỉ đặt trên bàn thôi thì không phải là nguồn sáng, nhưng có thể trong cuốn sách (tôi chưa kiểm tra) trong văn cảnh nào đó người ta hiểu được đấy là bóng đèn đã có dòng điện chạy qua... Tất cả những chuyện đó thì phải kiểm tra. 

 

Nói là hơn 100 lỗi thì độ chính xác đến đâu chúng tôi chưa trả lời được. Về phía Nhà xuất bản thì tất cả những văn bản góp ý của tất cả mọi người chúng tôi đều trân trọng và đều làm việc với từng tác giả. Tác giả, Tổng chủ biên và chủ biên là người chịu trách nhiệm trả lời trước công luận về nội dung cuốn sách...

 

Theo Kiều Oanh

 Vietnamnet