Giáo viên tiếng Anh vênh chuẩn, vì sao?

Yếu chuyên môn vì thiếu thực tế

Việc bồi dưỡng thiếu hiệu quả, ít được sử dụng ngôn ngữ trong thực tế nên khả năng của giáo viên tiếng Anh ngày càng yếu.

Hơn 180 giáo viên tiếng Anh cấp THCS thuộc các quận 6, 7, 9, 10, 11, 12, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Tân và giáo viên của 32 trường THPT vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM triệu tập tham gia bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Đây là một trong rất nhiều khóa bồi dưỡng cho giáo viên nhằm chuẩn hóa theo đề án ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020.

Bồi dưỡng vẫn không cải thiện

Để theo chuẩn, việc bồi dưỡng giáo viên dạy ngoại ngữ được nhiều sở GD-ĐT đặt ra nhưng trên thực tế, việc này còn quá nhiều bất cập.

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết năm ngoái, khi Bộ GD-ĐT áp dụng đề án ngoại ngữ đến năm 2020, trường đã yêu cầu sinh viên năm cuối phải có chứng chỉ IELTS 7.0 hoặc TOEFL, TOEIC tương đương thì hầu hết đều đáp ứng được. Tuy nhiên, khó khăn nhất là giáo viên lâu năm chưa đạt chuẩn, sau khi tham gia bồi dưỡng vẫn không cải thiện được nhiều.

“Kết quả các khóa bồi dưỡng 400 giờ hay 450 giờ thời gian qua không khả quan. Để có thể đạt chuẩn, ngoài việc tập huấn tập trung, giáo viên cần phải thường xuyên luyện online. Ở các đô thị, giáo viên còn có điều kiện nâng cao trình độ chứ ở những vùng khó khăn thì rất khó. Hiện giáo viên cũng đang phải dạy quá nhiều tiết nên không có thời gian bồi dưỡng” - ông Hồng nêu thực tế. PGS-TS Hồng cũng cho rằng một khi giáo viên tiếng Anh không đạt chuẩn thì việc dạy học không có chất lượng.

 

Một giờ học tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM. (Ảnh:
Một giờ học tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP HCM. (Ảnh: Tấn Thạnh)
 

PGS-TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ ĐH Đà Nẵng, cho hay do tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn còn quá thấp nên công tác bồi dưỡng gặp không ít khó khăn. Thực tế ở nhiều địa phương, các thầy cô lớn tuổi từng học tiếng Nga, khi về trường công tác được đi tập huấn thêm rồi chuyển sang dạy tiếng Anh.

Việc đề án tập trung rèn luyện kỹ năng nghe nói khiến giáo viên lúng túng, xoay xở không kịp. Thêm vào đó, sức ép “bị đuổi” nếu không đạt trình độ B1 tạo tâm lý nặng nề cho giáo viên, nhất là những người đã có thâm niên công tác.

Trong khi đó, việc đưa giáo viên tiếng Anh ra nước ngoài học tập cũng khiến nhiều địa phương lúng túng vì thiếu thông tin, thiếu năng lực hợp tác quốc tế dẫn đến phụ thuộc vào nhiều công ty, tổ chức giáo dục ngoài công lập..., gây lãng phí và không bảo đảm chất lượng.

Mục tiêu ngày càng xa

TS Đặng Văn Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo khu vực SEAMEO tại Việt Nam, cho rằng bộ giáo án môn tiếng Anh gần như không thay đổi trong suốt nhiều năm liền nên ít nhiều kiến thức sẽ mai một, rơi rụng dần. Đó là chưa kể một bộ phận giáo viên không có nhu cầu tìm tòi, học hỏi thêm vì nghĩ rằng kiến thức được đào tạo trong trường ĐH đã đủ để dạy học.

Theo TS Hùng, chương trình, sách giáo khoa đang áp dụng cũng không có tính kích thích giáo viên nâng cao trình độ. Cụ thể, theo phân phối chương trình hiện nay, học sinh chỉ học 2-3 tiết/tuần, chỉ những trường có điều kiện mới có thể tăng tiết. Sách giáo khoa tiếng Anh được biên soạn có đủ các kỹ năng nhưng khi thi lại chỉ chú trọng ngữ pháp, nặng về hình thái ngôn ngữ chứ không vận dụng nghe, nói. Thi thế nào thì dạy học thế đó. Nhiều kỹ năng của giáo viên không được thực hành nhiều nên cũng mai một dần qua từng tháng, từng năm.

Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 9-2008, có tổng chi phí dự toán khoảng 9.400 tỉ đồng. Đề án nhằm bảo đảm đến năm 2015 nâng cao rõ rệt trình độ ngoại ngữ của một số đối tượng ưu tiên; tạo điều kiện đến năm 2020 tăng đáng kể tỉ lệ thanh thiếu niên có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ một cách độc lập và tự tin trong giao tiếp.

Tuy nhiên, với đội ngũ giáo viên yếu và thiếu trầm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng để học sinh, sinh viên Việt Nam có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh vào năm 2020 là rất khó, thậm chí là cực khó, nhất là đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

 

Lắp bắp khi gặp người nước ngoài

Theo bà Đoàn Thị Minh Công, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương, có rất nhiều nguyên nhân khiến giáo viên tiếng Anh bị lệch chuẩn, trong đó chủ yếu là kém kỹ năng nghe và nói. Bà Công cho rằng nhiều giáo viên rất giỏi về ngữ pháp nhưng lại hoàn toàn không thể giao tiếp được với người nước ngoài. “Giờ giảng dạy tiếng Anh của giáo viên lâu nay chỉ đơn thuần là đọc bài rồi giảng giải ngữ pháp. Chính vì thế mà khi tiếp xúc với người nước ngoài, nhiều giáo viên tiếng Anh chỉ lắp bắp được vài từ đơn giản” - bà Công lo ngại.

Các giáo viên cho biết họ rất bỡ ngỡ khi bị đánh giá theo chuẩn quốc tế. “Chương trình học theo sách giáo khoa cũng không chú trọng nhiều đến nghe và nói. Giờ lên lớp, chúng tôi đã cố gắng tạo cho sinh động bằng cách trao đổi lẫn nhau nhưng cũng chỉ là thầy hỏi, trò đáp. Không có điều kiện để tập nghe và tập nói nên rớt chuẩn là do vậy” - giáo viên một trường tiểu học ở TP Đà Nẵng lý giải.

B.Vân

 

Theo Huy Lân - Lan Anh

Người Lao Động