4.000 tỷ đồng “số hóa” sách giáo khoa: Đừng “bỏ rơi” phụ huynh!

(Dân trí) - Cần tổ chức thêm nhiều hội thảo nữa, phải xem ý kiến của những người đóng tiền là phụ huynh, người học là học sinh… về đề án thí điểm đưa sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng vào trường tiểu học kinh phí 4.000 tỷ đồng.

Đó là ý kiến góp ý của nhiều đại biểu tại hội thảo “Sách giáo khoa điện tử và máy tính bảng dành cho học sinh tiểu học lớp 1, 2, 3” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 18/8.

4.000 tỷ đồng “số hóa” sách giáo khoa: Đừng “bỏ rơi” phụ huynh!
Hiệu trưởng một số trường tiểu học, trưởng phòng các phòng Giáo dục thử nghiệm lớp học máy tính bảng

Hết lo còng lưng lại lo hại mắt

Đề án thí điểm đưa sách giáo khoa (SGK) điện tử và máy tính bảng vào trường tiểu học ở công lập ở TPHCM, bước đầu thực hiện với lớp 1, 2, 3. Tổng kinh phí thực hiện thí điểm khoảng 4.000 tỷ đồng (song song giữa ngân sách và xã hội hóa do phụ huynh chi trả) đang chờ Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Theo đó, nội dung trong SGK các môn học được số hóa theo công nghệ 3D trong máy tính bảng riêng của từng học sinh (HS). Điều này đồng nghĩa với việc các em sẽ không còn phải “cõng” khối lượng sách vở, đồ dùng học tập như phương pháp học truyền thống.

Ủng hộ phương pháp giáo dục tiên tiến vào trường học, nhưng khi áp dụng SGK điện tử, hết lo HS còng lưng, nhiều người bày tỏ lo ngại việc tiếp xúc nhiều với máy tính bảng sẽ ảnh hưởng xấu đến HS.

4.000 tỷ đồng “số hóa” sách giáo khoa: Đừng “bỏ rơi” phụ huynh!
Máy tính bảng giúp các em hết "cõng" sách nhưng nhiều hiệu trưởng còn lo ngại ảnh hưởng sức khỏe, hoạt động khác của các em.

Bà Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng Trường tiểu học Chính Nghĩa, quận 5 cho hay nhiều phụ huynh đặt câu hỏi dạy học bằng máy tính bảng có hạn chế các hoạt động kỹ năng sống, ngoại khóa của các em không? Trẻ tiếp xúc nhiều với trang thiết bị công nghệ liệu có ảnh hưởng đến thị lực, sức khỏe các em không? Đây là những điều cần trả lời cho phụ huynh.

Cũng khoăn các em HS còn nhỏ, việc SGK điện tử sử dụng tất cả các môn, tất cả các tiết học thì việc các em sử dụng bảng tương tác trong suốt buổi học thì sẽ sẽ ảnh hưởng ra sao. Bà Mai Thị Ngọc Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1 lo ngại: “Liệu rồi đây biết đâu phía ngành y tế, phụ huynh, dư luận kêu ca. Ở phía nhà trường, chúng tôi chưa lường hết được điều này”.

Chú ý hiệu quả

Thầy Lý Văn Huệ, Trường tiểu học Hòa Bình, quận 1 cho rằng, hiệu quả của đề án này phụ thuộc rất nhiều vào GV. Nhà trường rất quan tâm đến lộ trình tập huấn cho GV được thực hiện ra sao để họ sử dụng thành tạo việc dạy học thông qua máy tính bảng, tạo sự tương tác tốt với HS.

Từ việc thực hiện đưa bảng tương tác vào trường học trước đây gặp vướng mắc, thầy Phạm Hùng Dũng, Trưởng phòng Giáo dục quận 3 đề nghị: Sở GD-ĐT nghiên cứu việc triển khai đề án này làm sao để tạo được sự đồng thuận xã hội. Ngoài ra, phải chú ý đến tính hiệu quả của đề án chính là việc học của trò và việc dạy của GV.

Khả năng sử dụng của quản lý, giáo viên sẽ tác động lớn đến hiệu quả dạy học
Khả năng sử dụng của quản lý, giáo viên sẽ tác động lớn đến hiệu quả dạy học.

Theo lộ trình đề án thí điểm, việc tập huấn cho GV, quản lý sẽ thực hiện từ tháng 1 đến tháng 6/2014. Thời gian đào tạo bồi dưỡng 1 tuần với cán bộ quản lý và 2 tuần cho GV. Ông Hà Hữu Phúc, Vụ trưởng, GĐ cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại phía Nam phản bác, cho rằng điều này gây khó hiểu vì đề án đề xuất thực hiện trong năm học 2014 - 2015 mà đến tháng 6/2015 mới tập huấn thì triển khai lúc nào.

“Đây là một đề án lớn hàng nghìn tỷ đồng nên cần chỉ ra được tính cấp thiết và hiệu quả của đề án. Phải chi ra được tại sao lại thực hiện với lớp 1, 2, 3 mà không phải cấp khác?”, ông Phúc nói.

Cần hỏi ý kiến phụ huynh

Bà Mai Thị Ngọc Lan chia sẻ lâu nay dư luận xã hội đã lên tiếng về tình trạng "lớp vip" trong trường công lập. Nhà trường rất khó không biết chọn đối tượng HS nào để đưa vào thí điểm. Nếu thí điểm ở một số lớp, Sở GD-ĐT cần có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các trường để thành lập những lớp học thực hiện đề án này trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh.

Nếu đề án được thực hiện, HS TPHCM sẽ hết cảnh còng lưng cõng sách đến trường
Nếu đề án được thực hiện, HS TPHCM sẽ hết cảnh còng lưng "cõng" sách đến trường.

Ông Đào Văn Lừng, Vụ trưởng ban tuyên giáo Trung ương cho rằng mô hình này sẽ góp phần giải quyết phương pháp giáo dục truyền thống đọc - chép lâu nay. Tuy nhiên, khi đưa dự án vào trường học công lập, theo phải liệu cơm gắp mắm để tạo được sự đồng thuận của xã hội. Còn chờ đợi đến khi đủ hết các điều kiện thì hết cơ hội.

“Vì thế, Sở GD-ĐT TPHCM cần tổ chức thêm nhiều buổi gặp gỡ thế này nữa, lắng nghe những ý kiến những người quan trọng nhất là phụ huynh và cả các cháu HS chứ không chỉ hỏi giáo viên và các nhà quản lý”, ông Đào Văn Lừng nhấn mạnh.
 

Không có phương án nào hoàn hảo

Ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng, việc đưa sách giáo khoa và máy tính bảng vào trường học cần không có gì mới ở các nước và các trường quốc tế ở TPHCM. Đưa vào trường lập để phục vụ người dân và gặp các mẫu thuẫn: ngân sách hạn hẹp và sự ngần ngại xã hội hoá; giữa mong muốn con em được hưởng thụ phương pháp dạy học hiện đoạ và sự ngần ngại lệ thuộc vào thiết bị, giảm thị lực; giữa việc thí điểm từng bước để tiến tới triển khai đồng loạt với ngại ngần “lớp vip”, “trường vip”…

Theo ông Sơn, nếu không giải quyết các mâu thuẫn thì không bao giờ làm gì được, cần phải mạnh dạn thực hiện để tìm phương án tốt nhất cho các em chứ không phải là một phương án hoàn hảo.

Hoài Nam