90 năm truyền thống Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng

(Dân trí) - Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh ngày nay là sự kế tục nối tiếp Trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh) thành lập ngày 1/9/1920, Trường trung học Nguyễn Công Trứ, Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng trước đây.

55 năm trước, vào tháng 1/1955, tôi vào học lớp 8 (lớp 10 hiện nay) Trường phổ thông cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng (đóng ở Bạch Ngọc, xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An). Năm đó Nghệ An có 47 lớp 7 (nay là lớp 9) với gần 2.000 học sinh thi vào lớp 8. Trường chỉ lấy hơn 100 người và có thêm 50 học sinh gương mẫu được chọn cho ba lớp 8.

 

Tôi đã học đệ tứ trường trung học Khải Định (nay là Quốc học Huế) niên khóa 1953 - 1954  và trúng tuyển kỳ thi trung học đệ nhất cấp. Sau hiệp định Giơnevơ, tôi ra Nghệ An và được giới thiệu về Trường Huỳnh Thúc Kháng. Trường đã mở một lớp bồi dưỡng chính trị và văn hóa cho anh chị em học sinh chúng tôi vừa từ Trị Thiên ra.

 

Trước ngày vỡ mặt trận Huế năm 1947, ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, một bộ phận của Trường trung học Khải Định Huế đã được di chuyển kịp thời ra vùng tự do liên khu 4 ở Nghệ Tĩnh. Trường đóng ở huyện Đức Thọ và sau chuyển về Bạch Ngọc. Từ năm 1948, trường mang tên Trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng.

 

Tôi đã đứng lặng ở văn phòng nhà trường, ở phòng thí nghiệm, thư viện và trong các lớp học, lòng rưng rưng khi nhìn và đặt bàn tay xoa xoa những chiếc tủ, những bàn ghế bằng gỗ lim láng bóng từ Trường Khải Định ra đây. Những vật dụng thân thiết ấy theo vài đoạn đường sắt, theo các con thuyền vượt qua Quảng Trị, Quảng Bình về Châu Phong, Đức Thọ rồi ngược sông Lam về đến Bạch Ngọc, vùng đất trù phú của huyện Anh Sơn. Biết bao công sức của hàng ngàn con người từ những ngày đầu kháng chiến. Tôi được biết ở trường có nhiều thầy cô giáo vốn là học sinh cũ của Trường Khải Định và Đồng Khánh Huế nên cảm thấy trường và thầy cô thật gần gũi và thân thương.

 

Các thầy Nguyễn Cửu Cúc, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Triều, Hoàng Tuệ… đã truyền vào tâm hồn chúng tôi những kiến thức và tình cảm mới lạ qua các bài sử, các tác phẩm văn học cách mạng và kháng chiến, các bài giảng về chính trị…

 

90 năm truyền thống Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - 1
Lễ khai giảng năm học 2010-2011 Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh: thpt-huynhthuckhang-nghean)

 

Tháng 9/1954 Nghệ An và Hà Tĩnh vừa trải qua một trận lụt dữ dội. Nhân dân bị mất mùa, đói to. Những học sinh Trị Thiên chúng tôi sống xa nhà lâm vào cảnh thiếu thốn. Dành dụm được năm sáu chục ngàn tiền tài chính hồi đó những tưởng có thể tự túc học tập được một hai năm; không ngờ thóc cao gạo kém, phải bán dần tư trang để mua gạo mua ngô tiếp tục ăn học. Món ăn của chúng tôi cuối năm 1954 đầu năm 1955 thường là cháo ngô độn thêm bí ngô mà đồng bào Bạch Ngọc gọi là bù rợ. Nhân dân Bạch Ngọc ở các xã Lam Sơn, Bồi Sơn, Ngọc Sơn dù lâm vào hoàn cảnh đói kém vẫn hết lòng thương yêu đùm bọc chúng tôi như những năm trước đã đùm bọc thầy và trò trường Huỳnh Thúc Kháng.

 

Hè 1955, trường chuyển về thành phố Vinh. Chúng tôi tranh thủ đi gánh đất xây dựng cảng Bến Thủy, khu nhà Tỉnh ủy, đi làm gia sư, vào rừng chặt nứa đóng bè xuôi sông Lam về Vinh bán. Có người đi buôn chè, nhiều người vào Hồ Xá, Vĩnh Linh tìm cách liên lạc với gia đình xin tiếp tế… Trong hồi ký “Ru lại tuổi mình”, nhà thơ Nguyễn Xuân Thủy kể lại những ngày ngược rừng Kỳ Sơn. Được thầy Nguyễn Cửu Cúc, hiệu trưởng Trường Huỳnh Thúc Kháng, cho vay một số tiền, Nguyễn Xuân Thủy cùng một số bạn vào rừng sâu được bà con người dân tộc Mường, dân tộc Kinh giúp sức đã chặt gỗ, chặt nứa đóng bè 300 cây gỗ, 3.000 cây nứa gian lao vượt thác về Vinh bán lấy tiền tiếp tục theo học lớp 8. 
 

Đầu năm1956, học sinh Trị Thiên ở Trường Huỳnh Thúc Kháng mới được hưởng chế độ trợ cấp với mức 40kg gạo một tháng trị giá mười sáu ngàn đồng. Tuy có thiếu thốn vật chất nhưng so với nỗi vất vả gian lao của anh chị em Nghệ Tĩnh đang học ở trường thì chưa thấm vào đâu. Chúng tôi được sống trên mảnh đất địa linh nhân kiệt, được những tấm gương hiếu học và lòng kiên trì dũng cảm của người Nghệ Tĩnh động viên khích lệ nên cố gắng học hành đến nơi đến chốn.

 

Đã 55 năm qua nhưng hình ảnh đẹp đẽ của các thầy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi tự hào khi nhắc tên của các thầy: Nguyễn Cửu Cúc, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Triều, Hoàng Tuệ, Nguyễn Đức Nam, Trần Đình Hượu, Hoàng Thiệu Khang, Nguyễn Trọng Di, Nguyễn Văn Bàng, Hoàng Kim Hải, Nguyễn Khoa Trang, Nguyễn Đức Bính, Nguyễn Huy Tý, Đinh Phượng Sồ, Vũ Ngọc Khánh, Ninh Viết Giao, Nguyễn Văn Tiêu, Lê Khánh Bằng, Nguyễn Duy Tịnh, Hoàng Huyền, Nguyễn Công Tiến…

 

Chào mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập trường và đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động, nhà trường vừa xuất bản cuốn sách “Mái trường xứng danh Anh hùng”. Với 350 trang khổ lớn, cuốn sách đã nói khá cụ thể quá trình dạy và học của các thế hệ thầy trò Trường Quốc học Vinh, Nguyễn Công Trứ, Huỳnh Thúc Kháng trong 90 năm đầy biến động của lịch sử và biết bao nhiêu câu chuyện cảm động về thầy và trò của trường.

 

90 năm truyền thống Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - 2
Bìa cuốn sách “Mái trường xứng danh Anh hùng”.

 

Giáo sư Nguyễn Đức Nam có viết: “Lịch sử đã tạo điều kiện cho trường Huỳnh Thúc Kháng xây dựng được một truyền thống giáo dục lâu dài, bền vững và tốt đẹp. Nó có quyền tự hào về truyền thống đó và tôi ước ao rằng nó giữ gìn được truyền thống đó”.

 

Niềm ao ước đó của GS Nguyễn Đức Nam đã được các thế hệ thầy trò Trường Huỳnh Thúc Kháng thực hiện và kết tinh một cách rực rỡ nhất trong danh hiệu “Anh hùng lao động” mà Chủ tịch Nước phong tặng nhà trường năm 2010.

 

90 năm qua, các thế hệ thầy trò Quốc học Vinh - Huỳnh Thúc Kháng đã mang về cho nhà trường những niềm vinh dự tự hào. Trường đã đào tạo hơn 5 vạn học sinh. Thầy hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng Trần Minh Xuyên cho biết: “Hằng năm trường có trên 1.700 học sinh xếp loại học lực giỏi và khá chiếm trên 90%, xếp loại hạnh kiểm tốt khá trên 99%. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp trung học phổ thông liên tục nhiều năm đạt 100%. Hằng năm, số học sinh đậu vào các trường đại học từ 500 - 600 em, đạt 70 đến 90% dẫn đầu các trường THPT không chuyên của tỉnh; luôn nằm trong tốp 100 trường THPT có điểm bình quân thi đại học cao nhất cả nước, kể cả các trường chuyên”.

 

Từ mái trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, các lớp học sinh được rèn luyện phấn đấu trong đó có: 2 ủy viên Bộ Chính trị, hơn 10 ủy viên Trung ương Đảng, 2 Phó Thủ tướng, 1 Tổng thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 14 Bộ trưởng, 48 người lãnh đạo chủ chốt các tỉnh và đoàn thể Trung ương, hơn 160 Giáo sư, Tiến sỹ, 46 Văn nghệ sỹ nổi tiếng, 14 sỹ quan cấp tướng, 2 anh hùng lực lượng vũ trang, 5 anh hùng lao động. Hơn 100 người được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước, huân chương Độc lập và các danh hiệu: Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ nhân dân, Nghệ sỹ ưu tú…

 

Năm anh hùng lao động là cựu học sinh trường Huỳnh Thúc Kháng gồm có: Giáo sư, Bác sỹ Hoàng Đình Cầu; GS Trần Tuấn Thanh; Hà Lê, nguyên Giám đốc Nhà máy xi măng Cầu Đước, Giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An; Kỹ sư Phan Thế Phương; GS.TSKH Nguyễn Văn Trương.

 

Trần Phương Trà