Tuyển sinh ĐH, CĐ 2005:

Ba điểm 9 vẫn trượt!

Nếu như những năm trước, một vài trường hợp TS đạt đến 23 điểm vẫn không trúng tuyển đã làm dư luận xôn xao thì năm nay không ít TS đạt ba điểm 9 vẫn phải đứng ngoài cổng trường ĐH vì có những trường, ngành điểm chuẩn lên tới 27,5-28 điểm.

Với kết quả thi khối A như năm nay, Bộ GD-ĐT có thể yên tâm vì theo số liệu thống kê bước đầu, khối này có một phổ điểm “đẹp” nhất trong vòng bốn năm thi “ba chung”. Trong khi đó, ngược lại đề thi môn lịch sử lại như một “sự cố” trong mắt các nhà quản lý giáo dục vì kết quả thấp đến... bàng hoàng!

 

Ba điểm 9 vẫn trượt!

 

Để có thể trúng tuyển vào Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay, thí sinh (HSPT-KV3) cần phải đạt đến 24,5 điểm, tăng 3 điểm so với năm 2004. Trong đó riêng các ngành kế toán, kiểm toán, tài chính ngân hàng có điểm chuẩn dự kiến là 27,5 - một mức kỷ lục mà chính nhà trường cũng bất ngờ và khiến cho hàng ngàn thí sinh (TS) căn cứ vào điểm chuẩn năm 2004 để chọn trường phải sững sờ.

 

Tương tự, Học viện Tài chính cũng có kết quả thi cao hơn hẳn, khiến điểm chuẩn của trường tăng hơn nhiều so với năm 2004. Cao nhất là điểm chuẩn dự kiến của ngành kế toán lên tới 26 điểm... Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã dự kiến điểm chuẩn đối với 26 ngành đào tạo. Hầu hết các ngành đều sẽ có điểm chuẩn cao hơn năm 2004, trong đó các ngành khối A đều tăng từ 1 đến 4,5 điểm so với năm trước.

 

Hàng loạt các trường ĐH khối A đã công bố điểm thi đều dự kiến mức điểm chuẩn cao hơn năm 2004 và kèm theo thông tin chắc chắn sẽ không còn chỗ cho NV2 dù Bộ GD-ĐT chưa công bố điểm sàn. Điển hình là Trường ĐH Dược Hà Nội, nếu tuyển từ 28 điểm thì trường đã đủ chỉ tiêu, còn nếu hạ thêm 0,5 điểm, trường sẽ dư hàng trăm TS đủ điểm. ĐH Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên có ngành dự kiến lấy điểm khối A đến 26-27 điểm. Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội) đang băn khoăn với mức điểm chuẩn dự kiến của ngành kinh tế đối ngoại quá cao vì e rằng kết quả cao đột biến năm nay có thể làm nhiều TS năm sau chùn bước... Các “đại gia” như ĐH Bách khoa HN, ĐH Xây dựng HN... tuy chưa công bố điểm nhưng cũng khiến không ít TS sau khi lượng sức làm bài được trên dưới 24 điểm phải... phập phồng.

 

Tất nhiên trong bối cảnh đó, hàng ngàn TS khối A có điểm thi rất cao vẫn có thể trượt ĐH...

 

Với mặt bằng chung điểm khối A cao ngất trời như năm nay, những TS có điểm cao vốn không trúng tuyển trường NV1 lại có khả năng không còn cơ hội xét tuyển NV2 vì các trường đều hài lòng với đầu vào NV1 của trường mình. Đối với khối A nếu còn chỉ tiêu xét tuyển NV2, NV3 có lẽ chỉ còn một số trường ĐH dân lập...

 

Thế nhưng, đây rõ ràng không phải là một giải pháp khoa học để nâng chất lượng đầu vào ĐH. Ngay từ khi kỳ thi mới diễn ra, dư luận và các trường ĐH đều không khỏi bất ngờ với yêu cầu “dễ chịu” của đề thi khối A năm nay. Điểm thi cao chót vót chẳng làm “cả làng được vui” mà chỉ làm tăng thêm mối quan ngại về phương thức thi tuyển sinh ĐH, cách thức ra đề của Bộ GD-ĐT.

 

Đề hay, kết quả dở!

 

So với khối A, khối B, thậm chí ngay cả khối D với môn tiếng Anh  cho kết quả không “đẹp” lắm, kết điểm môn sử từ 5 trở lên, tỉ lệ 9,73%. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - trước nay vốn dẫn đầu cả nước về điểm chuẩn các ngành khối C - năm nay có 5.399 TS dự thi thì toàn trường chỉ có 103 TS đạt từ 8 trở lên, 804 TS đạt từ 5 trở lên, 985 TS đạt từ 4,5 điểm trở lên ở môn lịch sử.

 

Nếu thống kê số TS có điểm bài thi từ 3 điểm trở xuống thì có đến 4.048 TS; từ 2 điểm trở xuống có 3.541 TS và 1 điểm trở xuống có 2.828 TS. Nhưng đấy là trường khá nhất, số liệu thống kê từ các trường tuyển sinh khối C khác còn có kết quả thi môn lịch sử thấp hơn nhiều.

 

Ngay khi kết thúc kỳ thi, đề thi môn lịch sử được các giảng viên, giáo viên phổ thông và thậm chí cả TS - tuy không hài lòng với kết quả bài làm - đều đánh giá là hay nhất trong các môn thi ĐH năm nay. Trong đó, đề lịch sử đã thể hiện rõ nét nhất “tôn chỉ” ra đề thi của bộ: đòi hỏi TS phải nắm vững kiến thức phổ thông, có khả năng phân tích, vận dụng, không kiểm tra học thuộc lòng, học tủ... Đề thi hay mà kết quả lại tệ, tại sao?

 

Nghịch lý này cho thấy rõ một điều: cần phải xem lại cách dạy và học, thi cử, đánh giá ở bậc phổ thông. Chỉ cần một đề thi lệch khỏi “lối mòn” là lập tức có một kết quả thảm hại đến chừng nào. Muốn đổi mới cách thi tuyển sinh, muốn nâng cao chất lượng đầu vào ĐH, không thể nào “cắt khúc” riêng ĐH để đầu tư, đổi mới. Tiến sĩ Molly Lee, chuyên gia giáo dục ĐH của UNESCO, đã khuyến cáo: muốn đổi mới giáo dục ĐH phải đổi mới bắt đầu từ giáo dục phổ thông vì giáo dục ĐH là sự tiếp nối, không thể tách rời khỏi giáo dục phổ thông.

 

Mặt khác, những kết quả trái ngược của khối A và khối C trong cùng một kỳ thi cũng cho thấy phương thức tuyển chọn vào ĐH ở VN hiện đang thiếu những cơ sở khoa học, với những đề thi đầy cảm tính, kết quả thi và tuyển khó có thể chính xác. 

 

Theo Thanh Hà

Tuổi Trẻ