Bài học nhân cách

(Dân trí) - Ở lớp 6 của V.A, khi học sinh nói chuyện riêng trong giờ nhiều quá, cô giáo đã “lên lớp” cho các em một bài học khá kỳ lạ. Và cô gọi đó là “bài học nhân cách”, rồi nhấn thêm: “Nếu không hiểu thì về mà hỏi bố, hỏi mẹ các anh các chị cho hiểu!”

Bài học đó là:

- “Con người ta ai cũng có hai cái lỗ. Các anh, các chị có biết đó là hai lỗ gì không?

- “Thưa cô, chúng con không biết ạ!”

- “Hai cái lỗ đó là lỗ mồm và lỗ... đít. Khi lỗ mồm mở ra thì lỗ đít khép lại. Khi lỗ đít mở ra thì lỗ mồm khép lại. Con người ta ai cũng thế cả. Nhưng ở cái lớp này, lỗ đít mở thì lỗ mồm cũng mở!”

Bé V.A, học sinh của lớp đã về nhà ngơ ngác hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Cô giáo dạy thế là có ý gì?”. Mẹ của cháu bé đã than thở cùng chúng tôi: “Thật không biết giải thích cho con thế nào để cháu hiểu. Bài học nhân cách của cô giáo khủng khiếp quá!”

Cũng theo lời kể của chị thì bên cạnh những bài học được gọi là “nhân cách” khá tai ngược như kiểu trên, cách xưng hô của cô giáo đối với học sinh cũng rất lạnh lùng. Như trong lớp của con chị, các cháu đều mới từ tiểu học lên, trong khi các cháu vẫn một điều “Thưa cô, con...”, hai điều “Thưa cô, con...” thì cô giáo luôn xưng “Tôi” và gọi học sinh là “Các anh, các chị”.

Cách hành xử của cô giáo đối với học trò cũng rất thiếu tế nhị và phi sư phạm khi ngay trước lớp, cô giáo mắng cháu bé vừa được các bạn trong lớp bầu làm lớp trưởng: “Nói năng lí nhí thế mà cũng đòi làm lớp trưởng à? Chị mà không học cách nói to lên thì đừng làm lớp trưởng nữa!”

Cháu bé sau đó đã về nhà khóc ròng cả đêm phân trần cùng mẹ: “Có phải con đòi làm lớp trưởng đâu, đó là do các bạn bầu con đấy chứ!”

Còn tại một lớp 7 khác của trường THCS N, cũng ngay trước lớp, cô giáo chủ nhiệm rêu rao về “tình trạng” của một em nữ: “Nhìn nhỏ con thế mà cũng có hành kinh rồi cơ à (!?)”

Có thể, những cô giáo như vậy chưa bao giờ “xuống tay” với học sinh nhưng cách ứng xử của các cô cũng không khác nào những cái tát nẩy lửa vào trái tim và tâm hồn non nớt của các em.

Một điều đáng buồn hơn nữa là cùng với những cách xử sự ngày càng xa rời với nhân cách của nhà giáo thì nhiều thầy cô đã ngày càng thực dụng hơn. Hãy nghe đoạn đối thoại sau của hai cô giáo tại cổng trường tiểu học T.

- Hôm nay chị có cái đầu mới đẹp thế! Cắt ở đâu thế?

- “Nửa triệu tiền công đấy! Phụ huynh con bé Trang dẫn đi. Hôm trước vừa đe nó viết chữ xấu thế này, cô sẽ tống xuống ngồi góc lớp. Hôm sau phụ huynh nó đến mời mãi mình mới đi đấy!”

- Lớp của chị sướng nhỉ, toàn con cái nhà giầu, lớp em…

Cùng với đời sống ngày càng sung túc thì dường như giáo viên ngày càng có nhiều “quyền lực” hơn đối với học sinh và phụ huynh. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, nếu thầy cô giáo thiếu tâm, đức thì họ sẽ có nhiều cách để hành hạ học trò hơn và các hình thức hành hạ không phải lúc nào cũng lên án được, đôi khi đó chỉ là những “hình phạt” vô hình.

Con của chị Phương (Ngõ 105 đường Láng Hạ, Hà Nội) đang học tại trường tiểu học T có hôm về nhà cả ngày chủ nhật lầm lũi không nói không rằng. Gặng mãi, cháu mới kể: “Khi cô đứng gần con để giúp con viết chính tả, cô bảo: Sao người ngợm gì mà hôi thế? Nhà không có tiền mua xà phòng tắm à?”…

Những bài học về “nhân cách” của một số thầy, cô sao càng kể ra càng thấy đau lòng đến vậy!

GS Phạm Đỗ Nhật Tiến, chuyên viên cao cấp Bộ GD-ĐT cho hay: Trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục ở nước ta, vấn đề quy định về sư đức cũng đã từng được đưa ra bàn thảo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đạo đức giáo viên là một phạm trù được điều chỉnh bởi quy ước xã hội chứ không phải luật pháp Nhà nước.

Vì vậy, đến nay, trong các văn bản pháp quy của ta, vấn đề sư đức chỉ được quy định một cách chung nhất, mang tính hình thức, không có giá trị pháp lý trong việc điều chỉnh cách ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên.

Trong khi đó, việc phân tích thực trạng đội ngũ giáo viên cho thấy chất lượng đạo đức của đội ngũ đang là vấn đề bức xúc. Đành rằng biện pháp chủ yếu và lâu dài vẫn là công tác giáo dục, nâng cao phẩm chất đạo đức giáo viên, nhưng cũng đã đến lúc cần thay đổi tư duy.

Thông thường, ở nhiều nước không có một đạo luật riêng về giáo viên. Các quy định về vị trí, tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của giáo viên được thể hiện trong luật giáo dục khung và luật giáo dục cụ thể theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tuy nhiên, hầu như nước nào cũng có luật hoặc bộ quy tắc về đạo đức nghề nghiệp trong giáo dục.

 

Cách thức chung mà các nước thường dùng là xác định các giá trị nền tảng của nghề giáo, từ đó xây dựng các chuẩn mực đạo đức cơ bản mà giáo viên phải tuân theo. Các chuẩn mực đạo đức này sẽ được cụ thể hóa trong từng trường hợp cụ thể, theo từng cấp học và trình độ đào tạo trong các văn bản hướng dẫn.

 

Chẳng hạn như ở bang Victoria (Úc), các chuẩn mực đạo đức cơ bản là: sự tôn trọng người khác, lòng nhân hậu, sự nghiêm minh và công bằng, tính lương thiện và ngay thẳng. Các chuẩn mực đạo đức này được dùng làm cơ sở để cụ thể hóa các hành vi đạo đức mà giáo viên phải tuân theo.

Mai Minh