Bát nháo trung tâm gia sư tự phát

(Dân trí) - Vỉa hè cũng thành trung tâm gia sư, thậm chí có trung tâm gia sư kiêm luôn cửa hàng bán… rau. Hoạt động bát nháo của các trung tâm gia sư không giấy phép gây không ít bức xúc với các sinh viên muốn tìm kiếm cơ hội làm thêm.

Nhếch nhác “văn phòng đại diện”

Phố Hạ Đình, Dương Quảng Hàm, Trần Quốc Hoàn… dịp hè bỗng mọc lên nhiều trung tâm gia sư tự phát. Từ ông chủ, bà chủ, nhân viên cho đến khách hàng của các trung tâm này đều là sinh viên, chỉ khác nhau ở chỗ người thì lấy gia sư làm nghề làm thêm, người lại làm thêm bằng việc mở trung tâm gia sư.

Dạo quanh một vòng đường Trần Quốc Hoàn, phía sau Trường đại học Sư phạm Hà Nội, một loạt trung tâm gia sư mọc lên san sát nhau. Một cái bàn, 1 cái ghế, 1 cái điện thoại cố định, đó là tất cả những gì có ở phần lớn các trung tâm gia sư này.

Nhìn bên ngoài, tôi cứ ngỡ trung tâm gia sư không khác gì quán cắt tóc. Nếu không có tấm biển “Gia sư” giống hệt biển “Giữ xe” trên các con phố, ắt hẳn chẳng ai hình dung ra đây là trung tâm gia sư “có đội ngũ giáo viên, sinh viên danh tiếng thuộc Đại học Sư phạm, ĐH Quốc gia” như quảng cáo ghi trên tờ rơi.

Trung tâm Gia sư Đại học Sư phạm có địa chỉ 29... đường Trần Quốc Hoàn còn kiêm luôn cả cửa hàng bán rau củ quả. Ông chủ là một cậu sinh viên vừa tốt nghiệp và đang… thất nghiệp. Trí, ông chủ của trung tâm hồn nhiên bảo với tôi: “Chưa tìm được việc làm nên mở trung tâm, thu nhập cũng 3, 4 triệu tháng nếu hoạt động hiệu quả”. Sát ngay bên cạnh là Trung tâm Gia sư Sư phạm Hà Nội cũng không khá gì hơn, chỉ là một khoảng hiên trước ngôi nhà cấp 4 lụp xụp, kê một cái bàn với 2 cái ghế quặt quẹo.

Bát nháo trung tâm gia sư tự phát - 1

Trung tâm gia sư: tuyển gia sư kiêm... bán rau củ quả.

Tôi ghé vào trung tâm gia sư có địa chỉ 30..., trông hình thức cũng khá hơn khi trung tâm này tận dụng phòng khách của căn nhà để làm trụ sở. Cũng chỉ 1 cái bàn, 2 cái ghế và tấm biển “Gia sư” to tướng, hai cô nhân viên mồm miệng nhanh nhảu bảo: “Trung tâm đề cao chất lượng đội ngũ gia sư, chứ hình thức làm chi thêm tốn kém”. Hai cô giới thiệu đây là trung tâm của thầy Tuấn ở Trường đại học Sư phạm Hà Nội mở, nhưng thầy Tuấn dạy gì, khoa nào thì 2 cô sinh viên kiêm nhân viên lắc đầu không biết. Sau này, cô em họ tôi ở Đại học Mỏ, cũng đi làm gia sư cho nhiều trung tâm bảo: “Không có thầy Tuấn nào cả đâu, chỉ là trung tâm của 2 con bé góp tiền mở ra kinh doanh đó thôi”.

Gia sư nào cũng là “sư phạm”

Để tăng uy tín cho mình, các trung tâm gia sư đều gắn kèm mác Đại học Sư phạm cho mình. Có trung tâm thì lấy tên Gia sư Đại học Sư phạm, trung tâm thì lấy tên Gia sư Sư phạm Hà Nội, hoặc chí ít là Gia sư Sư phạm…

Anh Trần Linh Sơn, Chủ tịch Hội sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Trường đại học Sư phạm Hà Nội có trung tâm gia sư mang tên Trung tâm Gia sư Sư phạm FIT do Hội sinh viên trường thành lập, đóng tại Nhà C, tầng 2 của trường. Những trung tâm có “mác” sư phạm đều không phải của trường và đang vi phạm luật khi dùng tên của chúng tôi để hoạt động bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, hiện việc kiểm tra hoạt động của các trung tâm gia sư chưa được chú trọng. Ông Thái Văn Khoa, Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên thuộc Sở Giáo dục-Đào tạo Hà Nội cho chúng tôi biết, để kiểm tra các trung tâm gia sư cần phải có cơ chế phối hợp liên ngành, thế nên rất khó trong việc kiểm tra thường xuyên. Chỉ khi có những sự vụ, sự việc cụ thể thì đoàn kiểm tra liên ngành mới được thành lập, và đây cũng là kẽ hở cho những trung tâm gia sư mọc lên tự phát, bát nháo.

Không chỉ mượn danh của trường sư phạm, các trung tâm gia sư còn quảng cáo về đội ngũ gia sư của mình hầu hết là giáo viên, sinh viên của trường sư phạm có nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Nhưng thực tế thì bất kỳ sinh viên nào có nhu cầu vẫn có thể đăng ký làm gia sư tại trung tâm.

Sinh viên Nguyễn Thị Phương, Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: “Mình biết nhiều bạn sinh viên không thuộc trường sư phạm nhưng khi đi làm gia sư vẫn tự nhận là sinh viên sư phạm để gia đình dễ chấp nhận. Chỉ cần mượn bạn bè cái thẻ sinh viên sư phạm là thành gia sư có chuyên môn sư phạm ngay. Thậm chí nhiều bạn chỉ học trung cấp, cao đẳng cũng tự giới thiệu là sinh viên đại học sư phạm với cái thẻ đi mượn”.

Bạn Nguyễn Đức Quý, sinh viên ngành Toán Trường đại học Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ: “Các trung tâm gia sư không quan tâm lắm tới việc bạn học lực khá hay trung bình, có chuyên môn nghiệp vụ sư phạm hay không. Chỉ cần bạn nộp đầy đủ khoản lệ phí như hợp đồng với trung tâm là nghiễm nhiên bạn trở thành gia sư. Và nếu hợp đồng gia sư gặp trục trặc thì người thiệt thòi bao giờ cũng là bạn”.

Sông Lam

Bài tiếp:
Hợp đồng gia sư: Những điều khoản cần... cảnh giác!