Bí quyết tổ chức lớp học trực tuyến hiệu quả cho giáo viên

Kiều Phương

(Dân trí) - Trong trường hợp thời gian eo hẹp, lại cần bài giảng gấp, thầy cô có thể dùng điện thoại quay trực tiếp giáo án giấy. Một chiếc điện thoại tốt sẽ cho chất lượng dạy học ổn.

Ngày 28/9/2021, Hệ thống Giáo dục HOCMAI tổ chức buổi hội thảo online "Bí quyết nâng cao hiệu quả giảng dạy trực tuyến thời 4.0" với chủ đề "Phương pháp tổ chức lớp học trực tuyến hiệu quả".

Hội thảo này nằm trong khuôn khổ các hoạt động mà HOCMAI cam kết đồng hành cùng chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.

Bí quyết tổ chức lớp học trực tuyến hiệu quả cho giáo viên - 1

Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia giáo dục trên 10 năm kinh nghiệm dạy học trực tuyến của Hệ thống Giáo dục HOCMAI.

Chất lượng bài giảng ảnh hưởng tới hiệu quả dạy học trực tuyến

Trao đổi tại hội thảo, thầy giáo Nguyễn Thành Nam cho biết, trong bối cảnh đại dịch, việc triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến đã gây cho đội ngũ các nhà giáo nhiều khó khăn; đặc biệt trong quá trình ứng dụng công nghệ để dạy học bởi khả năng cập nhật của nhiều giáo viên vẫn còn yếu. Tuy nhiên, mỗi nhà giáo cần tìm cách thích nghi thông qua việc tự học.

"Trước tiên, thầy cô cần học cách soạn bài giảng trực tuyến sao cho nhanh và hiệu quả. Trên thực tế, có rất nhiều kỹ thuật tuyệt vời giúp giáo viên soạn bài mà không mất quá nhiều thời gian như soạn slide.

Trong trường hợp thời gian eo hẹp, lại cần bài giảng gấp, thầy cô có thể dùng điện thoại quay trực tiếp giáo án giấy. Một chiếc điện thoại tốt sẽ cho chất lượng dạy học ổn. Đây được coi là giải pháp tuyệt vời trong tình thế khó khăn. Nếu không quay giáo án giấy, thầy cô có thể dùng điện thoại, quay trực tiếp quá trình giảng bài trên bảng như đang dạy ở trên lớp. Cách làm này sẽ không đem lại bài giảng quá bắt mắt, nhưng phần nào cũng giúp giáo viên hoàn thành nhiệm vụ dạy học trực tuyến của mình.

Bên cạnh việc quay trực tiếp trên bảng, trên giấy, thầy cô có thể sử dụng phương pháp "đưa nguyên trang". Theo đó, giáo viên có thể vẽ phác thảo sơ đồ tư duy hay ghi lại những nội dung cần thiết của buổi học trên giấy. Sử dụng công cụ chụp ảnh trên điện thoại, chỉnh lại một chút ánh sáng, dán hình ảnh vào powerpoint, thầy cô sẽ cho ra những bài giảng trực tuyến với chất lượng ổn mà không mất quá nhiều thời gian", thầy Nam đề xuất.

Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Thành Nam, phương pháp trên chỉ được coi là giải pháp tạm thời, "cứu nguy" giáo viên trong tình thế cấp bách. Khi dần làm quen và kỹ thuật soạn bài giảng trực tuyến đã được nâng cao, thầy cô có thể chuyển qua việc soạn các bài giảng dưới dạng trình chiếu đơn giản - thông qua những slide. Không chỉ tiện dụng, bài giảng trình chiếu slide còn giúp người dạy có thể tiết kiệm thời gian, đồng thời có thể đính kèm những phương tiện như âm thanh, hình ảnh, video… cho bài giảng thêm hấp dẫn, sinh động.

"Để bài giảng được thu hút, khi soạn bài, giáo viên cần ưu tiên sự chặt chẽ và tỉ mỉ trong việc tổ chức, phân bổ nội dung. Nhà giáo có thể đưa các ví dụ minh họa cho bài giảng thêm sinh động. Tuy nhiên, cần lưu ý, cần chọn những ví dụ thật "đắt" để chứng minh, tránh tình trạng tràn lan, gây nhàm chán và mất thì giờ. Thêm vào đó, thầy cô hãy sử dụng học liệu đa phương tiện, như là kết hợp với âm thanh, hình ảnh, video ngắn… để làm tăng hứng thú của học sinh trong quá trình học trực tuyến.

Quan trọng nhất, trước mỗi buổi học, giáo viên cần gửi tài liệu học tập tới học sinh để các em có thể tìm hiểu trước. Cô và trò đều chủ động, tiết học trực tuyến mới thực sự nghiêm túc và hiệu quả".

Giáo viên cần… làm chủ

Khẳng định học trực tuyến không còn là giải pháp tạm thời trong bối cảnh dịch bệnh, nhà giáo Dương Thị Thu Hà cho hay, học online hiện nay được coi là xu hướng tất yếu, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số. Giáo viên này chia sẻ, để có thể tổ chức được buổi học trực tuyến hiệu quả, mỗi thầy cô cần nắm vững và thực hiện tốt 4 quy trình: kiểm diện, khởi động, hình thành kiến thức và tổ chức luyện tập kiến thức cho học sinh.

Theo cô Hà, quá trình "kiểm diện" giúp thầy cô nắm được số lượng học sinh tham gia buổi học, từ đó thông báo qua 3 đối tượng như: bản thân học sinh, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh. Để rút ngắn thời gian trong việc kiểm diện, giáo viên có thể thực hiện thông qua một vài thao tác đơn giản trên ứng dụng Zoom. Cụ thể, trong lớp học trực tuyến, người dạy sẽ tiến hành quy ước cho mỗi em theo công thức: số thứ tự - tên học sinh. Khi đó, thầy cô chỉ cần cầm danh sách, nhìn trên Zoom thiếu số thứ tự nào thì suy ra học trò đó vắng mặt.

"Ngoài ra, thầy cô có thể kiểm diện qua tương tác, bằng cách gọi ngẫu nhiên tên học sinh. Trong quá trình kiểm diện, thời gian có thể linh động, không nhất thiết phải điểm danh vào lúc đầu giờ; hoặc ngày kiểm diện, ngày không. Phương pháp này để học sinh không nắm được quy luật điểm danh, khi đó giáo viên hoàn toàn làm chủ được lớp học.

Để kiểm soát được tình hình học tập, thầy cô hãy luôn luôn chuẩn bị danh sách lớp cùng bút, tích vào những học sinh có sự đóng góp tích cực trong giờ học. Cuối giờ, thầy cô có thể gửi tới những học sinh chăm chỉ một vài lời khen để các em có thêm động lực phấn đấu" - cô Hà bày tỏ.

Còn trong quá trình khởi động - mở đầu bài học, để tạo nên tính thu hút, hấp dẫn học sinh, giáo viên có thể bắt đầu đi từ một hiện tượng, hoặc đưa ra những bài tập mà một phần học sinh có thể giải được, một phần chưa. Từ đó, với những gì học sinh chưa biết, giáo viên sẽ đóng vai trò là người đồng hành và dẫn dắt các em đi tìm câu trả lời trong tiết học trực tuyến này. Tuy nhiên, người dạy lưu ý, phần "khởi động" chỉ nên giới hạn trong khoảng 5 phút để tránh tình trạng lãng phí thời gian, ảnh hưởng tới quá trình học.

Sau khi đã đặt ra một vài nhiệm vụ học tập cho các em trong phần "khởi động", thầy cô có thể bước vào quá trình "hình thành kiến thức" thông qua việc giảng dạy, cho học sinh phát biểu ý kiến hay thảo luận.

Cô Hà nhắn nhủ: "Trong nội dung này, giáo viên cần lưu ý tinh giản kiến thức để giảm bớt gánh nặng cho học sinh. Khi tiến hành cho học sinh thảo luận nhóm theo hình thức trực tuyến, thầy cô cần chuyển giao nhiệm vụ một cách rõ ràng, trọng tâm. Bên cạnh đó, không nên đặt kỳ vọng quá nhiều vào sự hoàn hảo trong sản phẩm mà các em thực hiện. Trong quá trình học, thầy cô hãy đóng vai trò là người giám sát, động viên, khuyến khích tinh thần học tập của các em".

Cuối cùng, trong khâu "tổ chức luyện tập kiến thức cho học sinh", giáo viên có thể hệ thống kiến thức trong bài học thông qua sơ đồ tư duy để học sinh dễ dàng ghi nhớ.

"Để tiết học hiệu quả thì giáo viên cần làm chủ. Làm chủ ở đây chính là làm chủ về kiến thức, kỹ thuật công nghệ, các hoạt động tổ chức học tập và làm chủ thời gian. Quan trọng hơn, thầy cô cần làm chủ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Hãy luôn giữ nụ cười và ánh mắt trìu mến với học sinh trong mỗi giờ học trực tuyến, cùng với đó là tinh thần lạc quan, vui vẻ. Năng lượng tích cực tỏa ra từ chính thầy cô quan trọng và đáng quý hơn bất cứ điều gì khác", cô Dương Thị Thu Hà nhấn mạnh.

"Game hóa" các hoạt động để "hút" trẻ vào bàn học

Trước đó, trao đổi với báo chí, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho biết, để việc học trực tuyến thực sự đem lại hiệu quả, giáo viên cần thay đổi quan điểm từ "nhiều giờ học" sang "giờ học chất lượng". Do đó, việc thiết kế thời khóa biểu cần được cân nhắc dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em. Chỉ nên giới hạn thời gian cho mỗi phiên học kéo dài 15 phút làm việc với màn hình, nghỉ 5 phút và tiếp tục một phiên học 15 phút khác. Sau 4 phiên như vậy sẽ nghỉ.

"Ngoài ra, để hấp dẫn học sinh trên bài giảng trực tuyến, giáo viên cần sáng tạo trong các hình thức ghi nhận, khen thưởng. Thầy cô có thể chuẩn bị các hình dán ngôi sao, trái tim, bông hoa cùng lời khen để tặng các con một cách hào phóng và thường xuyên trong các tiết học" - PGS.TS Trần Thành Nam đề xuất.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Quang Tiệp - Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQGHN cho hay, để "hút" trẻ ngồi vào bàn học trực tuyến, các thầy cô nên cố gắng game hóa các hoạt động. Theo đó, bên cạnh việc sử dụng các phần mềm học trực tuyến như Zoom, Teams… giáo viên có thể sử dụng các phần mềm để thiết kế hoạt động trò chơi. Tuy nhiên, điều này cần tuân thủ theo nguyên tắc đơn giản, dễ sử dụng, và lượng hóa thời gian tương tác với màn hình không kéo dài quá 30-35 phút cho 1 tiết học và tối đa 2 tiếng mỗi ngày.