Đắk Lắk:

Bỏ học môn tiếng Anh liên kết, học sinh có bị trường phân biệt đối xử?

Thúy Diễm

(Dân trí) - Nhiều trường tiểu học tại Đắk Lắk tổ chức dạy tiếng Anh liên kết. Dù là môn học tự chọn nhưng nhiều phụ huynh bày tỏ sự lo lắng, liệu con em mình không theo học có bị phân biệt đối xử?

Học sinh không "tự nguyện" học tiếng Anh liên kết, có phân biệt đối xử?

Sau buổi họp phụ huynh đầu năm học, nhiều phụ huynh tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bình luận trái chiều về vấn đề học tiếng Anh liên kết (học tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học do đơn vị bên ngoài trường học đào tạo).

Bỏ học môn tiếng Anh liên kết, học sinh có bị trường phân biệt đối xử? - 1

Các tiết học Ismart được lồng ghép xen giữa các giờ chính khóa (Ảnh chụp thời khóa biểu một trường tiểu học tại TP Buôn Ma Thuột).

Chị Ngọc Anh (35 tuổi) cho biết, năm nay con chị vào học lớp 2 tại một trường tiểu học công lập ở TP Buôn Ma Thuột. Vào năm lớp 1, thông qua "góp ý" của hiệu trưởng, chị đăng ký cho con học tiếng Anh liên kết tự nguyện và ký xác nhận vào đơn xin học, mức học phí 400.000 đồng/tháng/8 tiết.

Tuy nhiên, sau một năm học, nhận thấy việc học tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học (Ismart) khá khó với trình độ của con mình, chị Ngọc Anh không muốn cho con theo học nữa.

"Đầu năm học mới, dù phụ huynh chưa quyết định đăng ký cho con tiếp tục theo học Ismart hay không, nhưng trường vẫn phát 2 cuốn sách giáo trình của môn học này và lồng ghép các tiết học xem kẽ giờ học chính khóa. Như vậy, chẳng khác nào buộc phụ huynh tiếp tục theo học chương trình này", chị Ngọc Anh trao đổi.

Ngoài ra, rất nhiều phụ huynh lo lắng việc con không theo học, liệu có bị phân biệt đối xử trong nhà trường hay không.

Bỏ học môn tiếng Anh liên kết, học sinh có bị trường phân biệt đối xử? - 2

Phụ huynh trao đổi với phóng viên về việc con bị đối xử không công bằng khi không theo học Ismart (Ảnh: Thúy Diễm).

Điển hình một phụ huynh cho con theo học tại Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP Buôn Ma Thuột) đã đăng lên mạng xã hội bức xúc vì khi không cho con học Ismart thì trường bố trí cho con phòng học với cơ sở vật chất kém, máy chiếu rất mờ, học sinh không thể sử dụng.

Trước đó, phụ huynh cho con theo học Ismart 2 năm, đến năm thứ 3 thì bỏ học môn liên kết này.

Phụ huynh ý kiến rằng sẵn sàng bỏ tiền để mua tivi lắp cho con em mình sử dụng nhưng nhà trường chưa cho phép.

Lý giải vấn đề này, bà Hà Thị Thúy - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ - cho biết, nhà trường không có chuyện phân biệt đối xử với những em không theo học Ismart, những em không học, đến tiết các em sẽ vào thư viện nhà trường ngồi đọc sách hoặc tự học.

Nếu số lượng học sinh không học nhiều thì sẽ được bố trí học một lớp riêng. Trường có khoảng 1.000/1.250 học sinh đăng ký học Ismart.

Riêng việc máy chiếu kém chất lượng, bà Thủy thừa nhận với các lớp đăng ký học Ismart sẽ được đơn vị này hỗ trợ, đầu tư nên máy chiếu sẽ tốt hơn.

"Việc nhà trường chưa đồng ý việc lắp tivi theo nguyện vọng của phụ huynh do trường đang sửa chữa những máy này, khi đưa vào vận hành nếu không đảm bảo mới tính đến phương án thay thế", bà Thủy nói thêm.

Chấn chỉnh các đơn vị thực hiện không tốt

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 8.000 học sinh theo học tiếng Anh liên kết Ismart, tức mỗi tháng mang lại nguồn thu trên 3 tỷ đồng cho đơn vị liên kết ngoài trường học.

Riêng đầu năm học 2023-2024, tại TP Buôn Ma Thuột, có 16 trường tiểu học đăng ký dạy học Ismart với trên 4.000 học sinh tham gia.

Bỏ học môn tiếng Anh liên kết, học sinh có bị trường phân biệt đối xử? - 3

Cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh các trường thực hiện không đúng quy định việc triển khai tự nguyện học tiếng Anh liên kết (Ảnh minh họa: Thúy Diễm).

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột - cho hay, đơn vị nhận được một số phản ánh phụ huynh cho rằng mức học phí của môn tiếng Anh Ismart khá cao, chưa phù hợp với thu nhập chung tại địa bàn.

Đồng thời, nhiều học sinh tiếp thu chương trình này tốt nhưng cũng có một số học sinh tiếp thu còn hạn chế, công tác hỗ trợ của giáo viên chưa đạt yêu cầu.

Ông Thọ cho biết, Phòng GD&ĐT quán triệt các trường không được phân biệt đối xử với các em học sinh không theo học Ismart. Những học sinh này khi đến tiết học, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm hỗ trợ.

Với việc một số trường lồng ghép các tiết học Ismart xen kẽ giờ học chính khóa, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Buôn Ma Thuột nêu rõ yêu cầu, giao các đơn vị trường học bố trí sao cho phù hợp, cố gắng bố trí vào cuối các buổi chiều.

"Đây là chương trình hoàn toàn tự nguyện dựa trên nguyện vọng của phụ huynh, thậm chí phụ huynh cho con học 6 tháng thấy không phù hợp có thể cho nghỉ. Phía Phòng sẽ kiểm tra các trường học thực hiện vấn đề tự nguyện tốt chưa để có chấn chỉnh với những đơn vị không thực hiện đúng", ông Thọ cho hay.

Hiệu trưởng chịu trách nhiệm

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - thừa nhận, trong cuộc giao ban mới đây, lãnh đạo Sở nhận được thông tin việc triển khai học Ismart tự nguyện nhưng nhiều phụ huynh không bằng lòng với cách triển khai của các trường. Do đó, Sở sẽ chỉ đạo các Phòng GD&ĐT kiểm tra.

"Với các học sinh không theo học Ismart, nhà trường tuyệt đối không phân biệt đối xử, phải khách quan, công tâm với các em; không được để xảy ra việc do các em không theo học mà sắp xếp lại lớp học, vì theo học hay không là quyền của phụ huynh, học sinh", ông Khoa nhấn mạnh.

Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ, ông có nghe việc một số trường tiểu học ra quy định, học sinh nào không theo học tiếng Anh liên kết, phụ huynh phải ký vào đơn. Việc này là trái với quy định.

"Sở sẽ phối hợp kiểm tra, xác minh thông tin, dư luận. Nếu phát hiện các trường vi phạm sẽ chấn chỉnh và hiệu trưởng các trường phải chịu trách nhiệm đầu tiên", ông Khoa khẳng định.

Ông Khoa nói thêm, học Ismart trong nhà trường, sẽ có học sinh không muốn theo học nhưng cũng sẽ là nhu cầu cấp thiết với nhiều học sinh khác. Việc học là tự nguyện hoàn toàn nên các trường phải thực hiện đúng, tránh những thông tin không hay trong dư luận.

Theo đại diện của Ismart Education, đơn vị này được phép triển khai chương trình dạy tiếng Anh thông qua môn toán và khoa học từ năm 2012. Tài liệu và chương trình giảng dạy đều được cơ quan chức năng thẩm định chặt chẽ.

Hiện nay có khoảng 500 trường trên cả nước triển khai chương trình Ismart.

Cũng theo đại diện của Ismart, việc tham gia các chương trình bổ trợ, tăng cường đều phải dựa trên sự tự nguyện của phụ huynh và học sinh.

Để phụ huynh và học sinh có đủ căn cứ quyết định, các thông tin về chương trình, chi phí, thời gian học cần công khai minh bạch. Đối với học sinh không tham gia, cần có cách bố trí phù hợp hoặc có thể cho học dự thính.