"Chạy trường" - Thực trạng nhức nhối trong ngành giáo dục

Các kiểu “chạy trường”

Đầu tháng tư hàng năm, khi ngành giáo dục ra thông báo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp, mùa “chạy trường” cũng bắt đầu nóng lên. Vì sao phải “chạy trường”? “Chạy trường” như thế nào? Chúng tôi đã gặp gỡ những người trong cuộc để tìm câu trả lời cho vấn đề nhức nhối này.

Năm học vừa khai giảng, ban giám hiệu một trường THCS chất lượng cao của một quận trung tâm nhận được thư tố cáo của phụ huynh: “Vì sao con của người hàng xóm không đủ điểm vào trường, thậm chí điểm còn thấp hơn điểm vào lớp 6 công lập của quận, nhưng vẫn có một chỗ chính thức trong trường?”.

 

Đường dây của quan chức

 

Trước sự việc này, ban giám hiệu vội tìm lại hồ sơ gốc của học sinh (HS) bị tố cáo thì đúng là thiếu điểm như phản ánh nhưng kèm theo hồ sơ là thư tay có chữ ký của một lãnh đạo quận. Sự việc được trình lên vị lãnh đạo này. Bất ngờ ở chỗ vị lãnh đạo không thể nào nhớ nổi mình đã ký bảo lãnh cho ai (vì có quen biết gì đâu)(!?)

 

“Mũi điều tra” quay lại với nhân vật bị tố cáo. Phụ huynh của em HS thiếu điểm cho biết đã gởi gắm hồ sơ cho phó chủ tịch phường nơi trường đóng. Bất ngờ nữa là phụ huynh này không quen biết phó chủ tịch mà chỉ đưa hồ sơ cho một giáo viên của trường. Và chính giáo viên này đã thiết kế con đường chạy hồ sơ đó vì trường hợp thiếu điểm hệ công lập mà xin tại trường thì khó lọt. Sự việc sau đó được dàn xếp ổn thỏa vì chẳng lẽ lại làm mất mặt lãnh đạo quận, nơi nắm quyền “sinh sát” bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm hiệu trưởng?

 

Do khả năng thành công cao nên dần dà cách làm này trở thành một con đường chạy. Vì qua nhiều trung gian (bởi lẽ đâu phải ai cũng quen lãnh đạo quận) nên chi phí “lót đường” phải cao. Nhiều trường hợp bị đẩy lên tới 10-20 triệu đồng.

 

Áp lực trong ngành

 

Nhiều hiệu trưởng cho biết họ còn bị áp lực bởi các lãnh đạo trong ngành giáo dục. Đến mùa tuyển sinh là nhận được thư tay của một số cán bộ phòng ban sở. Dù bất bình với những hồ sơ “từ trên trời rơi xuống” này nhưng đây là các trường hợp không thể từ chối.

 

Và buồn cười hơn là lãnh đạo ngành giáo dục của quận, nơi quản lý trực tiếp các trường THCS trở xuống cũng tham gia... chạy. Ở một số quận, tiếng là công khai, phòng giáo dục lập hẳn một ban duyệt hồ sơ ngoài tuyến có đại diện hiệu trưởng, phòng giáo dục và cả người của UBND quận.

 

Nhưng nực cười là khi hiệu trưởng trình bày các trường hợp đặc biệt (thiếu điểm, trái tuyến) do quan hệ với nhà trường không thể không nhận hồ sơ thì lãnh đạo phòng cũng có một “danh sách quan hệ”, rồi ông ủy ban cũng có một “danh sách”. Không thể không nhân nhượng nhau, thế là cả ba “danh sách” đều được thông qua. Và như thế, cái sai đã được hợp thức hóa và kéo dài từ năm này qua năm khác.

 

Khủng hoảng với các mối quan hệ

 

Các mối quan hệ với nhà trường như công an, UBND phường nơi trường đóng... cũng là một áp lực đối với hiệu trưởng trong việc “chạy trường”. Cũng cần kể thêm áp lực bạn bè, nhà báo. Nhận thì không biết bao nhiêu cho đủ, còn không nhận thì cũng không xong. Thế là đành... trốn!

 

Hiệu trưởng trường điểm tiểu học ở quận ven thôi cũng phải lên kế hoạch trốn khi chạy trường vào mùa cao điểm (cuối tháng sáu đầu tháng bảy). Mỗi sáng ông hiệu trưởng ra khỏi nhà lúc 5h30 và mãi đến khuya mới dám quay về. Vậy mà ngày nào cũng có không dưới một chục phụ huynh với tay xách nách mang quà cáp xếp hàng trước cửa nhà chờ gặp để xin hồ sơ.

 

Ở nhiều trường, ban chấp hành hội phụ huynh học sinh cũng tham gia vào việc “chạy trường”. Thậm chí nhiều vị đã hết nhiệm kỳ và con đã vào đại học nhưng do có quan hệ với hiệu trưởng nên vẫn tiếp tục... “chạy”.

 

Kiểu phổ biến: “Chạy” giáo viên

 

Một kiểu chạy phổ biến nhất là chạy từ giáo viên. Nhiều trường dành cho giáo viên 1-2 suất cho con, cháu vào học và tiêu cực phát sinh từ đó. Chị N. nhờ giáo viên của một trường THCS chất lượng cao xin con vào trường này. Chị định sẽ bồi dưỡng cho giáo viên 3 triệu đồng. Nhưng khi đặt vấn đề, giáo viên này nói thẳng chỉ “giúp” chị với giá 5 triệu đồng.

 

Giáo viên một trường THCS chất lượng cao cho biết: Một số giáo viên “ăn quen”, đến mùa tuyển sinh là tìm cách đưa học sinh trái tuyến, thậm chí thiếu điểm vào học. Có giáo viên bảo lãnh cho cả 30 học sinh vào một trường trong một mùa tuyển sinh. Dĩ nhiên, làm được như vậy thì các giáo viên này phải nằm trong đường dây “chạy” với ban giám hiệu.

 

“Chạy” bằng đường tăng cường tiếng Anh

 

Khi phong trào mở lớp tăng cường tiếng Anh nở rộ thì cũng xuất hiện kiểu “chạy” mới. Năm ngoái, một tay “cò” ra giá 500 USD cho một suất vào lớp một tăng cường tiếng Anh ở một trường tiểu học thuộc loại có tiếng. “Cò” khẳng định, phụ huynh không cần lo cháu có làm bài khảo sát được hay không, mà chỉ cần có dự khảo sát là chắc chắn có tên trong danh sách đậu. Sau khi học xong lớp 1, nếu không thích học tăng cường tiếng Anh thì sang lớp 2 sẽ chuyển sang lớp thường.

 

Một hiệu trưởng đã về hưu xác nhận đây là một kiểu “chạy” mới khá tinh vi. Khi sĩ số các lớp thường đã quá đầy không thể nhét thêm được nữa thì các tay “chạy” sẽ hướng phụ huynh “chạy” vào lớp tăng cường tiếng Anh. Với cách này, các cháu dễ dàng trở thành học sinh của trường mà không phải mang tiếng “chạy trường” do khác tuyến.

 

Khi cả ngành vô cảm

 

Một giáo viên trường điểm tâm sự: Giáo viên chủ nhiệm biết rõ lớp mình có HS nào “chạy trường” do thiếu điểm vì thể hiện trong hồ sơ của các em. Có lớp sĩ số 50 HS thì đến trên một chục trường hợp thiếu điểm. Nhưng giáo viên vẫn im lặng trước những cái sai của nhà trường. Hiệu trưởng im lặng với cái sai của phòng giáo dục... Và phòng giáo dục cũng xem như không nhìn thấy cái sai của hiệu trưởng...

Khi cả ngành vô cảm với căn bệnh của mình thì còn ai có thể chữa được đây?

  

Theo Người lao động

Dòng sự kiện: chạy trường