Các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất 2 năm qua

Nhật Hồng

(Dân trí) - Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất 2 năm qua là ngành khoa học tự nhiên và khoa học sự sống.

Dưới đây là thống kê của Bộ GD-ĐT về các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất 2 năm qua: 

Các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất 2 năm qua - 1

Các lĩnh vực có tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học thấp nhất 2 năm qua (nguồn Bộ GD-ĐT).

Lý giải về ngành khoa học tự nhiên có số lượng thí sinh trúng tuyển nhập học thấp, PGS.TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG Hà Nội cho biết: "Trong những năm gần đây, phương thức tuyển sinh có nhiều thay đổi nên thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Đa số thí sinh mong muốn chọn những ngành "hot" mà chương trình học không quá nặng, cơ hội việc làm và thu nhập cao hơn so với mặt bằng.

Bên cạnh đó, một phần do quan niệm của xã hội chứ không phải cứ ngành Khoa học tự nhiên là kém hấp dẫn, ví dụ ngành Hóa, Sinh hiện nay vẫn rất "hot", ngành Toán, Lý vẫn hút được nhiều sinh viên giỏi. Khó khăn nhất vẫn nằm ở nhóm khoa học trái đất, tài nguyên - môi trường".

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Anh Toàn cho rằng, trong năm 2022, những ngành nghề có thu nhập cao vẫn là những ngành kinh tế mũi nhọn như: Công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, Digital Marketing, xây dựng, y tế, điện - cơ khí. Mức thu nhập của những lĩnh vực trên dao động từ 50-100 triệu đồng/tháng, tùy vị trí và chuyên môn của người lao động.

Ông Toàn nhận định, những ngành nghề trên vẫn là những ngành nghề có thu nhập cao năm 2022 và tiếp tục cao trong vòng 5-10 năm tới. Đối với những chuyên viên có trình độ cao, kỹ sư điện toán đám mây, thiết kế đồ họa, chuyên gia mạng máy tính, chuyên viên Marketing Online... sẽ có mức thu nhập lên đến 100 triệu đồng/tháng. Tuy vậy, những ngành nghề này sẽ rất nhiều áp lực và tính cạnh tranh cao.

Theo Bộ GD-ĐT, năm 2021 đã có 47% thí sinh đăng kí xét tuyển trực tuyến. Kết quả tuyển sinh chính quy trong toàn hệ thống đạt cao nhất từ trước đến nay (hơn 530.000 đạt 92,65%; năm 2020 đạt 83,86%). Điểm trúng tuyển của khối sư phạm tăng; tỷ lệ thí sinh trúng tuyển tăng; mặt bằng điểm trúng tuyển của các ngành sức khỏe đồng đều hơn so với các năm trước. 

Tổng kết quả nhập học nhìn chung của các ngành tăng hơn năm 2020. Số thí sinh nhập học trình độ đại học nhóm ngành đào tạo giáo viên tăng. Phân bổ chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy, đào tạo đối tượng người có bằng đại học chính quy ổn định so với năm 2020.

Một số định hướng đổi mới trong tuyển sinh năm 2022 của Bộ GD-ĐT như sau: 

Việc đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển cao đẳng, đại học phải thực hiện trên Cổng thông tin của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thí sinh đăng ký xét tuyển đợt 1: Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào) được đăng kí xét tuyển trực tuyến sau khi kết thúc Kỳ thi tốt nghiệp THPT, các nguyện vọng được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Tất cả các nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh vào các cơ sở đào tạo được lọc ảo chung trên hệ thống và thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất khi đáp ứng điều kiện của cơ sở đào tạo.

Đối với những ngành sử dụng đồng thời nhiều phương thức xét tuyển, nhiều tổ hợp môn thi, các trường phải giải trình được sự phù hợp của sự lựa chọn này, đảm bảo sự công bằng cho thí sinh. Nếu mỗi phương thức (hoặc mỗi tổ hợp môn thi) có chỉ tiêu riêng thì đề án tuyển sinh của các trường phải giải trình được căn cứ phù hợp cho việc phân chỉ tiêu cho từng phương thức (hoặc tổ hợp môn thi).

Cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển.

Cơ sở đào tạo phân tích rủi ro trong quá trình tuyển sinh và có phương án giải quyết, phối hợp giải quyết giữa các cơ sở đào tạo trong quá trình tuyển sinh.