Cần chấm dứt việc đóng gói chung tài liệu "ăn theo" sách giáo khoa

Tô Văn Trường

(Dân trí) - Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chấm dứt việc đóng gói chung sách giáo khoa với các loại vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập "ăn theo" sách giáo khoa.

Công luận thời gian qua, có nhiều ý kiến phản ánh sách giáo khoa mới đắt hơn sách giáo khoa cũ. Điều này là có thật nhưng cần phân tích được nguyên nhân mới đề ra được biện pháp giải quyết. Theo tôi hiểu, giá sách giáo khoa mới cao hơn trước do một số nguyên nhân chủ yếu như sau:

Thứ nhất, Nhà nước không trợ giá cho các nhà xuất bản làm sách giáo khoa như trước nữa. Trước đây, chỉ có mình doanh nghiệp nhà nước là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam làm sách giáo khoa. Bây giờ việc làm sách giáo khoa được xã hội hóa, có đến 7 nhà xuất bản có chức năng làm sách giáo khoa, và nếu xu hướng xã hội hóa thuận lợi thì sẽ còn thêm nhiều nhà xuất bản nữa; Nhà nước không thể và không nên tiếp tục bao cấp mãi.

Thứ hai, bù lại, theo khoản 10, Điều 20, Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ, Nhà nước đã cấp 150.000 đ/tháng x 9 tháng/năm cho học sinh thuộc hộ nghèo để mua sách vở và đồ dùng học tập. Tính ra, mỗi năm học, học sinh nghèo được cấp 1.350.000 đ, tương đương giá từ 4 đến 7 bộ sách giáo khoa, tùy cấp học. Đó là cố gắng rất lớn của Nhà nước để hỗ trợ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Còn việc mua sách giáo khoa cho con em của các gia đình khác cũng giống như mua sắm hàng hóa trong kinh tế thị trường.

So với những chi phí khác, như chi từ 200.000 đồng đến cả triệu đồng mừng một đám cưới, thì sách giáo khoa dùng cho con học cả năm hoặc mấy người con học mấy năm liền không phải là mức chi khó chấp nhận.

Cần chấm dứt việc đóng gói chung tài liệu ăn theo sách giáo khoa - 1

Luật Giáo dục và NQ88 của Quốc hội chỉ quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, không quy định Nhà nước sẽ định giá loại hàng hóa này.

Thứ ba, tuy nhiên, vấn đề gây bức xúc cho phụ huynh học sinh có lẽ không phải hoặc không phải chủ yếu là giá sách giáo khoa mà là số lượng sách tham khảo quá lớn "ăn theo" sách giáo khoa. Báo chí có nêu bài viết: "Giá sách giáo khoa mới: Thông báo 200.000 đồng nhưng phụ huynh "té ngửa" vì phải mua gấp 3-4 lần", phản ánh tình trạng bán kèm sách tham khảo, đồ dùng học tập, đội giá sách vở, đồ dùng học tập cần mua vào đầu năm học lên đến 1.000.000 đồng.

Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định chấm dứt việc đóng gói chung sách giáo khoa với các loại vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập vì các loại vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập không phải là tài liệu học tập chính thức, bắt buộc.

Thứ tư, để làm rõ vấn đề giá sách giáo khoa, cần có ý kiến của Bộ Tài chính, vì theo Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì sách giáo khoa thuộc mặt hàng phải kê khai giá với Bộ Tài chính để phê duyệt (duyệt các yếu tố hình thành giá như nguyên vật liệu, công lao động,…).

Bộ Tài chính không duyệt thì các nhà xuất bản không thể niêm yết giá được. Tại phiên trả lời chất vấn sáng 8/6/2022, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: "Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà xuất bản. Tinh thần là minh bạch, công khai, phụ huynh sẽ lựa chọn cơ sở nào chất lượng nhất, giá tốt nhất để mua. Nhà nước chỉ có thẩm định giá với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách nhà nước."

Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 177 ngày 14/11/2013 của Chính phủ thì sách giáo khoa thuộc loại hàng hóa phải kê khai giá. Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 luật này, Bộ Tài chính là cơ quan tiếp nhận biểu mẫu kê khai giá sách giáo khoa của các nhà xuất bản.

Thông tư số 56 ngày 28/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính giao trách nhiệm cho Cục Quản lý giá tiếp nhận, rà soát biểu mẫu kê khai giá của doanh nghiệp có mạng lưới sản xuất, kinh doanh rộng trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (trong đó có sách giáo khoa).

Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này thì cơ quan tiếp nhận biểu mẫu có trách nhiệm "rà soát các nội dung biểu mẫu về: ngày thực hiện mức giá đăng ký, bảng đăng ký mức giá cụ thể, các khoản mục chi phí cấu thành giá, phần giải trình lý do điều chỉnh giá, kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá".

Trong trường hợp tại phần giải trình lý do điều chỉnh giá, tổ chức, cá nhân đưa ra các lý do không phù hợp, không liên quan đến việc tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ thì cơ quan tiếp nhận biểu mẫu gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân không được áp dụng mức giá đăng ký. Như vậy, trách nhiệm rà soát giá sách giáo khoa rõ ràng là trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Một số đại biểu Quốc hội và cả Bộ GD&ĐT khóa trước đã đề nghị đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa bình ổn giá, do Nhà nước định giá. Nhưng điều này không được Quốc hội khóa XIV đồng tình vì trái Luật Giá và các văn bản pháp luật hiện hành. Ví dụ, theo quy định của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất, kinh doanh; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. Sách giáo khoa không thuộc những loại này.

Luật Giáo dục và NQ88 của Quốc hội chỉ quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, không quy định Nhà nước sẽ định giá loại hàng hóa này. Nay các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân người ta làm sách giáo khoa rồi, Nhà nước mới nói là định giá thì rõ ràng là đặt doanh nghiệp vào chỗ khó.

Cần chấm dứt việc đóng gói chung tài liệu ăn theo sách giáo khoa - 2

Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua sách giáo khoa để học sinh mượn (Ảnh: internet).

Theo tôi, để hài hòa quyền lợi của doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần áp dụng một số biện pháp sau đây:

- Bộ Tài chính tổ chức rà soát các nội dung kê khai giá sách giáo khoa, sách tham khảo và đồ dùng học tập (về ngày thực hiện mức giá đăng ký, bảng đăng ký mức giá cụ thể, các khoản mục chi phí cấu thành giá, lý do điều chỉnh giá, kiểm tra tính hợp lý của các yếu tố hình thành giá) sát với thực tế.

- Sách giáo khoa biên soạn bằng ngân sách nhà nước (như sách ngoại ngữ biên soạn theo Đề án ngoại ngữ quốc gia) hoặc doanh nghiệp có hỗ trợ của ngân sách nhà nước (về trụ sở, phương tiện làm việc, tài sản,…) phải giảm giá.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chấm dứt việc đóng gói chung sách giáo khoa với các loại vở bài tập, sách tham khảo, đồ dùng học tập "ăn theo" sách giáo khoa.

- Chính phủ chi ngân sách nhà nước cho thư viện trường học mua sách giáo khoa (kể cả sách đã qua sử dụng) để học sinh mượn.

Như vậy, học sinh không phải mua sách; hằng năm, các nhà xuất bản cũng không cần in lại sách, trừ một số lượng nhỏ, đáp ứng yêu cầu của những gia đình có nhu cầu mua sách riêng cho con. Đây là kế sách căn bản, lâu dài, để hằng năm phụ huynh học sinh không còn phải kêu về giá sách giáo khoa.

Tiến sĩ Tô Văn Trường