Chỉ 55,13% đại biểu tán thành Luật dạy nghề

Mặc dù Luật dạy nghề vẫn được thông qua vào chiều 27/11, song chỉ có 274 số đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 55,13%, con số khá thấp so với các dự thảo luật trước đây.

55,13% số đại biểu tán thánh với dự thảo Luật dạy nghề (Ảnh: ND)
55,13% số đại biểu tán thánh với dự thảo Luật dạy nghề (Ảnh: ND)

Trước đó, liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật dạy nghề, đa số đại biểu tán thành việc mở rộng và sắp xếp lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng hợp nhất các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với trung cấp nghề, cao đẳng với cao đẳng nghề.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng việc đưa trình độ cao đẳng về bậc giáo dục nghề nghiệp là chưa phù hợp với quy định của Luật giáo dục và Luật giáo dục đại học hiện hành. Đây cũng là nội dung nhận được nhiều sự quan tâm về dự thảo luật này.

Về vấn đề này, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc hợp nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp thành ba trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nhằm thể chế hóa nội dung của Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Việc sắp xếp lại các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp là dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn về đào tạo nghề nghiệp. Theo quan niệm khoa học thì đào tạo nghề nghiệp được hiểu là quá trình đào tạo kỹ thuật, nghiệp vụ sau trung học cơ sở để giúp nguồn nhân lực được đào tạo có khả năng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình lao động sản xuất, dịch vụ.

Đào tạo nghề nghiệp có phổ trình độ rất rộng, từ trình độ thấp như đào tạo ngắn hạn, sơ cấp đến trình độ cao như đào tạo đại học, sau đại học, trong đó trình độ đào tạo càng lên cao thì mức độ tham gia trực tiếp vào sản xuất, dịch vụ của nguồn nhân lực được đào tạo càng giảm.

Với mục tiêu phát triển năng lực thực hành và kỹ năng nghề nghiệp cho người học, các trình độ đào tạo trung cấp, cao đẳng (cả chuyên nghiệp và nghề) được nhiều quốc gia trên thế giới xếp vào bậc giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, nghiệp vụ trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Ở Việt Nam, các trình độ trung cấp, cao đẳng hiện đang bị phân tách thành 2 bộ phận do 2 Bộ thực hiện quản lý nhà nước, trong đó Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý hệ thống dạy nghề với các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề. Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp gồm trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng.

Hơn thế, cao đẳng hiện đang được xếp là một trình độ đào tạo thuộc giáo dục đại học. Trong khi đó, về bản chất, các trình độ đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề đều thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành nghề nghiệp và đều chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho người học để phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất, dịch vụ.

Việc phân tách trong quản lý, chỉ đạo, điều hành chung đối với các trình độ đào tạo trung cấp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề như hiện nay dẫn tới tình trạng phân tán, chồng chéo trong tổ chức đào tạo cũng như dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp.

Vì vậy, xuất phát từ tình hình thực tiễn, việc hợp nhất các trình độ nhằm một mặt khắc phục những bất cập nêu trên, tạo sự thống nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân; mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc công nhận tương đương trình độ giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN nói riêng và trên thế giới nói chung, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về đào tạo nghề nghiệp.

Việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và hợp nhất các trình độ đào tạo như quy định trong dự thảo Luật không tạo ra xung đột pháp lý mà vẫn bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Như vậy, việc mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh và thống nhất các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phù hợp với quy định của Hiến pháp và vẫn bảo đảm được tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Trên cơ sở đó Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận cho giữ quy định như trong dự thảo Luật.

Theo Infornet.vn