“Chống bệnh thành tích chưa phải là khó khăn lớn nhất”

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân, phải đối đầu với tiêu cực và bệnh thành tích vào thời điểm này chưa phải là khó khăn lớn nhất của ngành giáo dục mà khó khăn lớn nhất chính là vấn đề tăng lương cho giáo viên.

Tuy vậy, trong buổi họp chiều qua, 31/8, gần 100 câu hỏi của PV gửi đến Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đều xoay quanh những vụ tiêu cực nổi cộm trong ngành giáo dục thời gian gần đây.

 

Theo Bộ trưởng, chống bệnh thành tích chưa phải là khó khăn lớn nhất, vậy tại sao công việc đầu tiên khi giữ cương vị Bộ trưởng Bộ GD & ĐT, Bộ trưởng lại đưa mục tiêu chống tiêu cực và bệnh thành tích lên hàng đầu?

 

Bệnh thành tích và tiêu cực trong giáo dục đã có từ lâu. Để tiêu cực thi cử kéo dài, học sinh không có động lực để học vì vẫn có điểm cao. Hậu quả tất yếu, các em không có tương lai. Trong khi đó, thầy cô cũng không có động lực để cải tiến phương pháp giảng dạy, và tất nhiên, ngành giáo dục không hoàn thành nhiệm vụ.

 

Chống bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử không phải vì ngành giáo dục mà chính vì lợi ích của học sinh và phụ huynh. Học sinh tốt nghiệp phổ thông không đơn thuần chỉ cần cái bằng mà quan trọng là phải có năng lực để tự tin vào đời, năng lực để học nghề, năng lực để thi và học đại học. Nếu năng lực kém thì dù có bằng mà thi không đỗ, các em cũng sẽ không làm được gì.

 

Chỉ trong vòng một tháng sau khi phát động cuộc vận động, các vụ kiện cáo liên tục xảy ra từ bậc học mầm non cho đến bậc đại học, trên đại học. Đã có dấu hiệu lợi dụng danh nghĩa chống tiêu cực để kiện cáo với những toan tính cá nhân. Nếu không thận trọng, cuộc vận động này sẽ dễ bị biến thành cuộc tố cáo, đấu đá lẫn nhau trong ngành. Bộ trưởng có lường trước vấn đề này không?

 

Chúng tôi xác định đây là vấn đề nhận thức. Nếu tuyên truyền rộng rãi, tôi tin phụ huynh sẽ hiểu, các em sẽ hiểu. Cũng có thể nảy sinh những trường hợp lợi dụng để hành động vì những mục đích cá nhân. Tuy nhiên, nếu có những hiện tượng như thế, cũng dễ phát hiện và dễ xử lý. Khi có tiêu cực, không nhất thiết cứ phải “chạy” lên Bộ. Bản thân các ngành, cấp phải có trách nhiệm xử lý sai phạm.

 

Khi tiêu cực thi cử và bệnh thành tích bị loại bỏ, thầy cô sẽ không phải làm những việc không đúng với lương tâm, tấm lòng mình, đó là báo cáo sai sự thật để đạt thi đua. Khi đó, thầy cô sẽ được giải phóng khỏi những việc không hiệu quả.

 

Về tiêu cực tại trường CĐ Phát thanh Truyền hình, khi Bộ trưởng đến tận nơi thì việc được giải quyết nhanh chóng,  nhưng ngay lập tức sau đó tại đây liên tục lại xảy ra các vụ tiêu cực khác với tính chất nghiêm trọng hơn nhiều như một sự thách thức và tuyên chiến với tinh thần kiên quyết chống tiêu cực của Bộ trưởng?

 

Đối với vụ việc xảy ra tại trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình Trung ương I tại Hà Nam, bản thân tôi có xuống tận nơi nhưng cũng không giải quyết được gì cả. Tôi xuống chỉ là để nắm bắt rõ bản chất vấn đề, từ đó nắm hướng giải quyết thế nào.

 

Làm việc với trường, chúng tôi tỏ rõ quan điểm: Đây là việc của trường nên tốt nhất trường tự xem xét giải quyết. Nếu cần thiết thì lực lượng công an Hà Nam, thanh tra Đài tiếng nói Việt Nam sẽ vào cuộc. Trong trường hợp cần sự hỗ trợ thêm về việc khảo sát văn bản pháp lý của ngành giáo dục thì thanh tra Bộ GD&ĐT mới tham gia.

 

Ngoài việc đề nghị trường phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam giải quyết vụ việc trong tháng 8, sau đó, chúng tôi thực sự không can thiệp gì nữa. Kết quả là Đài Tiếng nói Việt Nam và trường Cao đẳng Phát thanh - Truyền Hình Trung ương I đã giải quyết rất tốt, đúng thời hạn 31/8.

 

Từ nhiều ngày qua, dư luận đã xôn xao rằng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả thi ĐH năm nay sẽ “lật mặt” được sự gian lận trong thi cử tại nhiều địa phương?

 

Bộ GD-ĐT sẽ gửi bảng đối chiếu điểm trung bình của sáu môn thi tốt nghiệp THPT và điểm thi ĐH của sáu môn tương ứng về từng địa phương để các địa phương tự xem xét, so sánh, đánh giá. Bên cạnh đó, bộ sẽ đưa danh sách những hội đồng thi có nghi vấn tiêu cực để các địa phương tự xử lý. Đồng thời Bộ cũng gửi các biểu mẫu về so sánh, đánh giá để các địa phương tham khảo, có thể sử dụng để khai thác, phân tích dữ liệu điểm thi.

 

Kết quả điểm thi tốt nghiệp phổ thông và thi tuyển sinh ĐH có mối quan hệ với nhau, nhưng không nên đặt tiêu chuẩn quá cứng nhắc: khoảng cách giữa hai mức điểm đó bao nhiêu là hợp lý, mức chênh lệch bao nhiêu là có tiêu cực. Quan điểm của bộ là không che giấu nhưng cũng phải lắng nghe cơ sở. Mới đang là nghi vấn thì chưa nên kết luận, bình luận. Nên để từng địa phương xem xét và rút kinh nghiệm trước.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

 

Nhóm PV Giáo dục thực hiện