Chương trình đào tạo quốc tế... như quảng cáo?

Nhiều bạn đọc đã phản ánh về chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài của trường CĐ Công nghiệp IV (nay là trường ĐH Công nghiệp TPHCM) về việc chất lượng và điều kiện giảng dạy không được "quốc tế" như quảng cáo. Thực hư vấn đề này như thế nào?

Mặc dù đã gọi điện hẹn trước, nhưng tôi vẫn choáng khi gặp cậu SV cho mình tháp tùng vào lớp học. Bên cạnh chiếc Nouvo, L ăn mặc, chải kiểu tóc khá hợp thời. Chiếc điện thoại của L cũng thuộc hàng tên tuổi. Phong cách của L hơi Tây khi chào hỏi bạn bè, đi vào lớp.

 

Hai buổi học, lớp học trên 50 SV. Lớp học hôm ấy ở lầu 3 dãy nhà C. Bên trong, thầy giáo đang giảng bài. Bên ngoài, 4 SV lấp ló nhìn qua cửa sổ để trêu chọc cô bạn gái ngồi cạnh tôi. Khoảng 10 phút, thầy giám thị lại đi ngang qua để nhắc nhở những SV đang đứng ở hành lang các lớp học. Nhưng xem ra, các nam SV trên đã nắm được lịch xuất hiện của thầy. Cứ thầy đi qua là trò lại tới. Và trò vừa rút lui thì thầy giám thị lại xuất hiện...

 

Tìm hiểu thông tin về chương trình, chúng tôi được biết: Chương trình được dạy bằng tiếng Việt, đối tượng tuyển sinh tốt nghiệp THPT, không kiểm tra Anh văn đầu vào, thời gian đào tạo 3 năm, tốt nghiệp cấp bằng Diploma (tương đương trình độ CĐ), trình độ Anh văn đầu ra tương đương IELTS 5.5. Học phí 250 USD/học kỳ. Hình thức tuyển sinh: Xét tuyển dựa trên cơ sở học bạ THPT.

 

Ngoài ra, chúng tôi còn được nghe giới thiệu về chương trình: "SV được học trong phòng máy lạnh với các trang thiết bị và đồ dùng dạy học hiện đại do giáo viên Việt Nam đã được đào tạo tại Úc và giáo viên Úc đảm nhận. Học sinh tốt nghiệp của cả 2 chương trình đạt đủ điều kiện sẽ được liên thông lên ĐH 1,5 năm học tại Úc hoặc học tại Việt Nam. Tốt nghiệp cấp bằng Bachelor (ĐH)".

 

Trên trang web của trường  cũng có những thông báo tương tự. Nhưng qua thực tế, "nhảy dù" vào 2 buổi học tình cờ, một ở dãy nhà C, một ở dãy nhà A đều khác so với những gì được tiếp thị. Phòng học khá nóng, hoàn toàn không có máy lạnh. Mọi tiếng ồn ở sân trường, hành lang hoà cùng tiếng giảng bài của thầy. Nghe đâu, đa số SV được học ở dãy nhà C. Hai lần, giảng viên đều là người Việt Nam và khá trẻ.

 

Hỏi thăm một vài SV  thì được biết, khoảng 30% số tiết được học với giáo viên người nước ngoài. Trong đó, hầu hết các số tiết đều phải có trợ giảng. Nhưng nói như sinh viên N.L: "nghe danh được học với giáo viên nước ngoài thì oai thật, nhưng nhiều khi chả hiểu thầy nói gì". Các thiết bị máy móc thì "SV trường ĐH Công nghiệp sử dụng như thế nào thì tụi em sử dụng như thế đó, không hơn cũng không kém".

 

Một nam SV vừa tốt nghiệp ra trường mang cho tôi xem bảng điểm. Tên của mấy chục môn học viết bằng tiếng Anh. Chỉ vào một vài môn học đầu tiên trên bảng điểm để hỏi xem nó là môn gì khi dịch sang tiếng Việt, SV nọ lắc đầu không biết.

 

Giới thiệu mình đang là SV của một trường ĐH, đang muốn học chương trình liên kết của trường ĐH Công nghiệp để lấy tấm bằng "nước ngoài" cho có với người ta. Bạn B phân tích: "Chị nói vậy là đúng. Chị thử nghĩ xem, mình bỏ ra gần 2.000USD mà có được tấm bằng CĐ của nước ngoài thì quá bèo. Nếu đi du học, lấy được cái bằng về, có khi tốn gấp mấy trăm lần ấy chứ".

 

Cả L và B đều tự hào khoe rằng, 2 bạn đang được học một chương trình khá mới và chất lượng. Cái chất lượng mà họ tự hào là giáo trình luôn được cập nhật: "Tụi em luôn được học sách mới, năm học 2004 thì sẽ được học giáo trình năm 2003".

 

Khi tôi tìm hiểu về chương trình học, chế độ thi cử của lớp liên kết đào tạo, các SV đều thao thao về tấm bằng ngoại. Nhưng khi hỏi cụ thể về chương trình đào tạo, hướng đi sau khi tốt nghiệp thì đều là: không biết, hình như...

 

Lớp Công nghệ thông tin ra trường năm rồi chỉ có 27 trên tổng số gần 90 SV được cấp bằng tốt nghiệp. Đến lúc này, hỏi một sinh viên  còn nợ hai môn về chế độ học lại, thi lại thì: "Em không biết, chưa nghe nhà trường thông báo gì cả. Hình như học lại một môn đóng 110USD. Hình như phải chờ năm sau lên mới được học lại, một môn rớt khoảng chục người, nhà trường khó mà tổ chức lớp riêng". Và khi tôi tỏ ra băn khoăn: "Giáo trình của năm này khác năm kia thì làm sao học lại, thi lại?", cô bạn cũng lắc đầu.

 

NL kể về kỷ niệm của mình. Ngày tốt nghiệp, L hăm hở mời bố từ quê lên dự lễ nhận bằng. Thấy con trai khoác trên mình bộ đồ cử nhân, khuôn mặt bố L rạng ngời hạnh phúc. Nhưng khi L mang tấm bằng xuống khoe với bố thì ông xụ mặt: "Bố thấy bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ của con người ta có dán hình, đóng dấu, sao của con không có? Có phải bằng giả không?"

 

Đâu phải chỉ mỗi bố L mới tỏ vẻ nghi ngờ. Hải Long (cựu SV trường ĐH Văn Lang) cũng nhận xét: "Bằng gì mà không có dán hình. Chỉ có mỗi chữ ký của một người nước ngoài nào đó. Mà sao không có dấu mộc của trường ĐH Công nghiệp".

 

NL đã từng mang bằng của mình đi photo công chứng nhưng không được. Bởi bằng không có dán hình. Tuy nhiên, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM hứa sẽ giải quyết để cấp bản sao cho SV nếu cần.

 

Các SV vừa tốt nghiệp mà chúng tôi có dịp gặp (tốt nghiệp cách đây vài tháng), chưa một ai đi xin việc với tấm bằng của mình. "Tụi em được học kiến thức hàn lâm. Muốn đi làm, muốn có chỗ làm tốt thì phải học tiếp nữa. Chứ thế này thì chưa đủ", NL cho biết.

 

 

Theo Đoan Trúc

Vietnamnet