Chuyện đi học ngày giá rét của học sinh thủ đô

(Dân trí) - Học sinh thủ đô đã dần quen với việc học trong những ngày giá rét. Tuy nhiên song hành với câu chuyện “thời tiết” đã có không ít những câu chuyện“ hóm hỉnh” giữa bậc tiểu học và mầm non.

Cấp tiểu học: Khổn khổ vì “dự báo thời tiết”

Khác với năm trước, Sở GD-ĐT Hà Nội cho phép các phòng giáo dục và các trường được quyền quyết định cho học sinh nghỉ nếu nhiệt độ dưới 10 độ C thì năm nay quy định cụ thể hơn là 10 độ C theo như như “bản tin dự báo thời tiết, Đài PTTH Hà Nội, lúc 6h30 hàng ngày.”

Thông báo rõ ràng như thế nhưng cũng có cái khó cho phụ huynh và nhà trường. Đó là bản tin thường thông báo nhiệt độ dao động trong một khoảng nhất định, ví dụ như từ 9 - 13 độ C. Vậy biết lấy nhiệt độ tối thiểu hay nhiệt độ tối đa?

Trước hiện trạng “dở khóc, dở cười” đó, ban giám hiệu các trường thuộc địa bàn thủ đô đành phải ngồi lại để “nghiên cứu” kỹ bản tin thời tiết sau đó thăm dò ý kiến lẫn nhau, thậm chí để cho chắc ăn còn tham khảo cả tư vấn của Sở GD-ĐT rồi mới quyết định đến việc có cho học sinh nghỉ học.
 
Chuyện đi học ngày giá rét của học sinh thủ đô - 1
Khốn khổ cảnh "đội lạnh" đưa con đến rồi lại đưa về.

Cô Tuyết Mai - hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt chia sẻ: “Mặc dù tôi nghỉ ốm mấy ngày nay nhưng lúc nào cũng bận rộn. Lắng nghe bản tin dự báo thời tiết sau đó lại thăm dò trường bạn xem thế nào. Cái khó của chúng tôi là phải đưa ra quyết định sớm để phụ huynh còn biết là có phải đưa con đến trường hay không”.

Chung tâm trạng trên, cô Ngô Kim Phương - hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Trãi cho biết thêm: “Công tác chống rét cho học sinh không phải là vấn đề lớn đối với các trường hiện nay bởi phòng học nào đều có cửa kính, rèm che..., thậm chí là có cả điều hòa hai chiều. Vấn đề ở chỗ công văn của Sở hướng dẫn thì ngưỡng nhiệt độ cố định còn bản tin dự báo thời tiết lại biến động trong khoảng khiến chúng tôi gặp nhiều khó khăn".
 
Trước tình trạng này, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quyết định kể từ nay phụ huynh theo dõi bản tin thời tiết của VTV1 buổi sáng để xác định việc con có được nghỉ học hay không. Mặc dù điều chỉnh là thế nhưng sáng nay cho dù đã theo dõi bản tin thời tiết của VTV1 nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn lặn lội đưa con đến trường.
 
Chị Kim Anh có con đang học tại Trường tiểu học Khương Thượng bức xúc chia sẻ: “Sáng sớm nghe bản tin dự báo thời tiết vẫn thấy có khoảng nhiệt độ trên 10 độ nên cứ đinh ninh vẫn đi học bình thường. Tuy nhiên ra đến nơi mới biết nhà trường thông báo được nghỉ. Trời thì lạnh lại có mưa phùn mất công đến lại về”.
 
Anh Sơn, có con đang học tại Trường tiểu học Thành Công hiến kế, để tránh việc nhà trường và phụ huynh cứ phải bán tín bán nghi với việc nghỉ học thì tốt nhất Sở GD-ĐT nên kết hợp với Đài truyền hình Hà Nội thông báo rộng rãi về chủ trương mỗi sáng.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít trường  trường thấu cảnh khổ việc phụ huynh đưa con đến rồi lại quay về như những năm trước thì năm nay đã biết chủ động truyền tin cho phụ huynh qua hệ thống email hoặc thông báo sớm cho giáo viên chủ nhiệm để trả lời khi phụ huynh gọi điện hỏi. Hiện đại là thế nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn lặn lội trong giá rét đưa con đến trường vì vội vàng không đọc email hoặc quên mất chuyện gọi điện thoại hỏi giáo viên.

Bậc mầm non: Phòng học ấm nhưng… vắng trẻ

Với đặc thù của cấp học thì dù trời có lạnh dưới 10 độ các trường mầm non vẫn phải mở cửa nên công tác phòng chống rét cho các cháu nhỏ luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Chính vì thế đa phần các trường đều có phòng học chạy điều hòa hai chiều, các cửa thông gió được đóng kín, sàn nhà được lót một lớp đệm xốp, cách nhiệt. Trong các lớp học đều có bình nước lọc nóng - lạnh. Những hôm rét đậm, thức ăn được đưa đến tận lớp bằng xe đẩy…

Đặt chân vào một lớp học của các bé 3 tuổi của Trường mầm non thực hành Hoa Sen nhiều người đã phải giật mình bởi không ít cháu đã cởi bỏ áo ấm nô đùa cho dù nhiệt độ ngoài trời khá lạnh. Ngó nghiên thì mới vỡ lẽ một phòng học như vậy đều được trang bị hai máy điều hòa, phía dưới thì có đệm giữ nhiệt…
 
Chuyện đi học ngày giá rét của học sinh thủ đô - 2

Mặc dù trời lạnh nhưng nhiều trẻ lại "toát mồ hôi" nên đành phải cởi áo ấm.

Tuy được quan tâm đặc biệt những nhiều ngày qua hầu hết các trường mầm non đều có sĩ số biến động mạnh. Đa phần các lớp học chỉ duy trì được khoảng 40-50%. Giải thích về nghịch lý này cô Đông - hiệu trưởng Trường mầm non thực hành Hoa Sen cho biết: “Nhiều gia đình có người thân và người giúp việc ở nhà nên thường chọn giải pháp là cho nghỉ bởi tâm lý lo ngại đi trên trên đường bị lạnh trẻ dễ bị ốm”

Cũng theo cô Đông thì ở bậc mầm non đặc thù học tập không nhiều nên việc cho con nghỉ không bị ảnh hưởng như cấp tiểu học nên nhiều gia đình cũng chủ động cho con nghỉ để tránh rét.

Quả đúng như vậy, tiết trời lạnh giá là điều kiện khiến trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh hô hấp. Lo sợ khả năng này, nhiều gia đình đã cho con nghỉ ở nhà, để người giúp việc trông nom. Sáng sớm nay, gia đình anh Công ở Giảng Võ đã quyết định cho con gái Thu Linh, 3 tuổi, ở nhà chơi với bà giúp việc. Anh Công chia sẻ: “Sáng nay trời lạnh lại kèm theo mưa phùn đi mua đồ ăn sáng cho cả gia đình chỉ đi có vài trăm mét mà tay tôi đã cứng hết lại. Về nhà hai vợ chồng đã quyết định cho bé ở nhà chơi, khi nào trời ấm hơn sẽ đưa cháu đi học trở lại”.
 
Chuyện đi học ngày giá rét của học sinh thủ đô - 3

Việc đưa đón trẻ đến trường là vấn đề nhiều bậc phụ huynh lo lắng trong những ngày giá rét.

Song trên thực tế không phải gia đình nào cũng có điều kiện cho trẻ ở nhà nên họ cũng có nhiều “chiêu” để đưa con đến trường. Có người thì chọn giải pháp chuẩn bị đầy đủ khăn, áo, mũ cẩn thận nhưng có người thì tân tiến hiện đại hơn đó là đánh xe ô tô riêng hoặc bắt taxi.

Với công việc bận rộn, mặc dù biết thời tiết lạnh nhưng chị Hương ở khu tập thể Hào Nam vẫn đều đặn đưa con đến lớp. Chị chia sẻ: “Biết là hôm nay lạnh hơn nhiều so với những ngày trước nhưng nếu không chịu khó mang cháu đi gửi thì biết làm sao. Hiện nay điều kiện ở các trường mầm non rất tốt. Các cô giáo thì nhiệt tình chăm sóc nên mình cũng yên tâm đi làm. Chỉ có điều lạnh thế này thì mình cũng phải bố trí công việc để đón con về sớm hơn thường lệ”.

Nguyễn Hùng