Chuyên gia Phần Lan: Giáo dục số không phải "nhét" thật nhiều kỹ năng!

Hoài Nam

(Dân trí) - Chuyên gia giáo dục Phần Lan, ông Pasi Toiva cho rằng, dạy kỹ năng số cho trẻ không phải "nhét" thật nhiều, quan trọng nhất là phải khơi gợi được ở trẻ sự mò mò, khám phá và năng lực tự học.

Giáo dục năng lực số cho trẻ là vấn đề được các chuyên gia giáo dục đề cập tại tọa đàm ra mắt bộ sách Hello Ruby "Phát triển năng lực số cho trẻ nhỏ ở Phần Lan" do Trường Việt Nam - Phần Lan tổ chức, chiều 7/12. 

Chuyên gia Phần Lan: Giáo dục số không phải nhét thật nhiều kỹ năng! - 1

Ông Pasi Toiva - chuyên gia giáo dục Phần Lan - cho hay, giáo dục năng lực số phải khơi gợi được trí tò mò ở trẻ nhỏ (Ảnh: Hoài Nam).

Ông Pasi Toiva - chuyên gia giáo dục ở Phần Lan - cho hay, năng lực số là nền tảng cực kỳ quan trọng đối với công dân tương lai. Năng lực số chính là kỹ năng sinh tồn cho mọi người, cũng chính là khả năng tự lập, tự chăm sóc mình của con trẻ khi các dịch vụ công nhiều nơi trên thế giới đã được số hóa. 

Đi cùng với lợi ích, nhà giáo dục này lưu ý, năng lực số phải đi cùng với sự an toàn, sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Khi năng lực số là phần không thể thiếu trong đời sống cũng phát sinh lo ngại ở thời đại số, con trẻ bị cuốn vào "lực hút" từ điện thoại, máy tính; thời gian của trẻ nhỏ trước màn hình công nghệ quá nhiều. 

Trước lo lắng này, ông Pasi Toiva khẳng định, chúng ta hoàn toàn có thể dạy trẻ về năng lực số mà không nhất thiết phải sử dụng máy móc, công nghệ. 

Chuyên gia Phần Lan: Giáo dục số không phải nhét thật nhiều kỹ năng! - 2

Nhiều người lo ngại thời đại số sẽ kéo theo thời gian trẻ ở trước màn hình điện thoại, máy tính quá dài (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Nhà giáo dục này cho hay, dạy năng lực số cho trẻ không phải là dạy các kỹ năng cụ thể, không phải là "nhét" cho trẻ thật nhiều kỹ năng. Chính người lớn cũng không biết tương lai con người sẽ cần đến những kỹ năng cụ thể gì. 

"Thứ chúng ta cần là trao cho trẻ năng lực tư duy, năng lực tự học, khả năng tự suy nghĩ, mày mò... Có nền tảng đó, sau này cần kỹ năng gì đứa trẻ sẽ tự tìm hiểu, tự trau dồi", ông Pasi Toiva bày tỏ. 

Trước câu hỏi, nếu được gửi gắm một điều gì đó đến quá trình học tập của trẻ em Việt Nam, Pasi Toiva nói: "Đó là trí tò mò".

Theo ông, điều giáo dục cần phải làm là khơi gợi được ở trẻ sự tò mò, phải yêu thích, háo hức tò mò, trẻ phải thắc mắc, phải hỏi, phải vặn vẹo, muốn đi tìm lời giải...

Đặc biệt ở lĩnh vực số, lĩnh vực công nghệ thì việc khơi gợi cho trẻ sự tò mò càng cần thiết hơn bất cứ lúc nào. 

Ông Pasi Toiva cũng nói thêm, ở Phần Lan khuyến khích tinh thần tất cả cùng học tập, từ người lớn cho đến trẻ nhỏ, học hỏi không ngừng. Chính người lớn cũng phải tò mò, phải ham học hỏi, mày mò... 

Ông Touko Piiparinen - Phó Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam - thông tin, bộ sách Hello Ruby được sáng tác bởi họa sĩ, lập trình viên, chuyên gia giáo dục Phần Lan Linda Liukas với mục tiêu trang bị cho trẻ em những kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực công nghệ thông tin. Tính đến nay, Hello Ruby đã được dịch ra 25 ngôn ngữ và xuất bản tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Chuyên gia Phần Lan: Giáo dục số không phải nhét thật nhiều kỹ năng! - 3

Ông Touko Piiparinen - Phó Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam (Ảnh: Anh Nguyễn).

"Bộ sách này được xuất bản bằng tiếng Việt vào năm 2023, một năm đặc biệt đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Phần Lan. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ góp thêm dấu ấn trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam hiện nay", Ông Touko Piiparinen chia sẻ.