Chuyện về một bà giáo vượt qua những lời “thị phi”

(Dân trí) - Khi mới mở lớp, nhiều người bảo bà “hâm”, thậm chí có người độc miệng bảo bà “đồ thần kinh nặng”, nhưng cũng có người khuyên bà: “Già rồi thì nghỉ chơi với con cháu, nếu dạy thì lấy tiền, chứ dạy từ thiện như thế này lấy gì mà ăn”… nhưng bà không nản.

Đó là bà giáo Hồ Hương Nam, ở phường Yên Phụ - Hà Nội.

Một lớp học 4 giáo án

Đó là lớp học tình thương của bà giáo Hồ Hương Nam (75 tuổi) đặt ở trường THCS An Dương , phường Yên Phụ- Hà Nội. Lớp học của bà rất đặc biệt, chỉ có 8 học sinh, trong đó, hai học sinh bị bại liệt tứ thân phải ngồi xe lăn ra lớp. Sáu học sinh còn lại đều thuộc diện khuyết tật và tuổi tác không đồng đều. Để dạy cho số học sinh đặc biệt này, bà giáo Nam phải soạn bốn giáo án, từ lớp 1 đến lớp 4.

Nghĩ lại những ngày đầu thành lập lớp, bà Nam tâm sự: “Khi nghỉ dạy, tôi tham gia công tác dân số ở phường, nên nhà nào có học sinh khuyết tật tôi đều biết. Nhìn các em thật tội nghiệp, vì là giáo viên nên không cho phép tôi làm ngơ trước việc thất học của các em”.

Không làm ngơ trước việc thất học của các em khuyết tật, bà Nam đã đến từng nhà, vận động cha mẹ cho các cháu đến lớp. Công việc vận động của bà ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Bà Nam bộc bạch: “Phần lớn các gia đình đều mặc cảm, không muốn cho các cháu đi học. Họ quan niệm, các cháu khuyết tật thì học hành gì và có học cũng chẳng mang lại gì”.

Bà Nam quyết tâm mở lớp dạy chữ cho những học trò khuyết tật và đặt tên cho lớp học là “Lớp học Tình thương”. Khi mới mở lớp, nhiều người bảo bà “hâm”, “lẩm cẩm”. Có người độc miệng bảo bà “đồ thần kinh nặng”, nhưng cũng có người khuyên bà: “Già rồi thì nghỉ chơi với con cháu, nếu dạy thì lấy tiền, chứ dạy từ thiện như thế này lấy gì mà ăn”. Tất cả những điều tiếng thị phi, thậm chí là những lời khuyên của bạn bè, bà giáo Nam đều bỏ ngoài tai.

Chuyện về một bà giáo vượt qua những lời “thị phi” - 1

Bà Nam và học sinh trong Lễ khai giảng

11 năm dạy từ thiện

11 năm qua, hàng ngày, kim đồng hồ chỉ con số 6 giờ 30 bà Nam lại xách túi, đi tua một vòng, đến từng nhà, gọi từng học sinh tới lớp cho đúng giờ. Ngày mưa cũng như nắng, tuần sáu buổi, chưa bao giờ bà bỏ lớp, kể cả khi chỉ có một học sinh.
 
Bà Nam tâm sự: “Trong lớp học tình thương, học sinh là những đứa trẻ bệnh tật, sức khoẻ yếu, nên lớp chưa bao giờ đầy đủ. Có tuần, cả tuần chỉ có một, hai cháu đến lớp, nhưng tôi vẫn dạy. Tôi chỉ bỏ lớp khi ốm nặng, còn ốm sơ sơ vẫn đến lớp”.

Dưới sự dạy bảo của bà giáo Nam, nhiều em đã biết đọc biết viết và biết làm toán. Anh Đỗ Mạnh Bản, bố em Đỗ Kim Thúy, đã xúc động tâm sự: “Lúc đầu Thúy sợ phải đi học lắm, nhưng giờ dù bị ốm, tôi bảo thế nào, cháu cũng không chịu ở nhà, một mực đòi đi học, đòi đến với bà. Cháu đã tiến bộ rõ rệt, tất cả là nhờ bà Nam…”.

Đến với lớp học tình thương của bà Nam, học sinh chủ yếu là con nhà nghèo. Vì vậy, với 1200.000 đồng lương lưu hàng tháng, bà Nam tự nguyện chia sẻ, mua sách bút, đồ dùng học tập, mượn địa điểm mở lớp đón các em tới học.

Bà yêu thương lũ trẻ như những đứa cháu của mình. Đối với chúng, bà không chỉ là cô giáo mà còn thân thiết như người ruột thịt. Ân cần, kiên trì, đó chính là “bí quyết” giúp bà và lũ trẻ thêm gần gũi bền chặt. Học trò nghe bà răm rắp. Nhiều hôm bà ốm, bọn trẻ biết, tìm đến nhà để động viên.

Được biết, bà Nam sinh ra trong một gia đình nhà giáo ở thành phố Huế, cha là giáo viên trường Quốc học Huế, mẹ là y tế. Gia đình có 6 anh chị em, 4 người là nhà giáo. Năm 1957, bà Nam đi tập kết theo chồng ra Bắc về Hà Nội là giáo viên trường tiểu học Hoàng Hoa Thám.

11 năm gắn bó với lớp học tình thương, bà Nam đã soi sáng tâm trí của những đứa trẻ bất hạnh, thắp lên hi vọng cho các gia đình không may mắn.

Hồng Hạnh