Góp ý đổi mới thi:

Có kế hoạch đồng bộ để bỏ thi “3 chung”

(Dân trí) - “Hướng tới một kỳ thi quốc gia duy nhất là cần thiết. Bộ GD-ĐT cần đưa ra lộ trình và kế hoạch đồng bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc bỏ thi ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung…”.

Góp ý về đổi mới thi hiện nay, PGS.TS Lê Hữu Lập - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân trí.

PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông
PGS.TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.
 
 Năm nay, Bộ GD-ĐT đã quyết cải tiến cách thi tốt nghiệp theo hướng nhẹ đi (từ 6 môn thi còn 4 môn), đây là bước đột phá đầu tiên trong đổi mới thi . Ông đánh giá cách đổi mới thi này thế nào?

Phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2014 của Bộ GD-ĐT theo hướng giảm các môn thi, đương nhiên được dư luận rất đồng tình vì lâu nay ta tổ chức kỳ thi quốc gia này khá nặng nề, tốn kém nhưng kết quả gần như 100% học sinh đều tốt nghiệp cả. Một số ý kiến thậm chí còn cho rằng nên bỏ kỳ thi này.

Tuy nhiên, phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng chưa giúp được các trường đại học, cao đẳng có nhiều thông tin về năng lực của học sinh cho việc xét tuyển vào Đại học, Cao đẳng của các trường vì: vẫn còn có một cuộc thi “3 chung” khác dành cho tuyển sinh ĐH-CĐ, do vậy tính chất cuộc thi này vẫn như các năm trước. Các học sinh lựa chọn 2 môn thi tự chọn hoàn toàn theo ý thích, không theo nhóm môn thuộc KHTN hay KHXH. Do vậy, tôi nghĩ phương án này là thí điểm, chưa phải là phương án cuối cùng có thể dùng cho các năm tiếp theo.

Để đổi mới cách thi hiệu quả nhất hiện nay, có ý kiến cho rằng nên tiến tới một kỳ thi quốc gia duy nhất “2 trong 1”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Hướng tới một kỳ thi quốc gia duy nhất là cần thiết. Bộ GD-ĐT cần đưa ra lộ trình và kế hoạch đồng bộ kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc bỏ thi ĐH-CĐ theo hình thức “3 chung”. Bộ cần công bố sớm về phướng án tổ chức kỳ thi quốc gia này nhằm giúp cho học sinh có sự chuẩn bị chu đáo, tránh gây các áp lực nặng nề không đáng có. Đồng thời cũng giúp các Trường ĐH-CĐ lập phương án tuyển sinh riêng của Trường mình khi biết được các dữ liệu về năng lực của học sinh từ kỳ thi quốc gia này.

Hiện tại một số Trường ĐH-CĐ đang đề xuất các phương án tuyển sinh riêng. Theo tôi biết thì các phương án này đều dựa rất ít vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nếu thực hiện 1 kỳ thi quốc gia chung, theo ông  cần thực hiện như thế nào?

Thực hiện một kỳ thi quốc gia, theo tôi có 2 cách.
 
Cách 1: Đề thi có một số lượng câu hỏi mang tính chất cơ bản và một số câu hỏi nâng cao. Câu hỏi cơ bản để hầu hết học sinh có thể trả lời được và tốt nghiệp THPT. Những câu hỏi nâng cao sẽ đánh giá năng lực học sinh đạt số điểm để các trường ĐH-CĐ xét tuyển.
 
Cách 2: Về lâu dài kỳ thi quốc gia chung này cần thực hiện những bài thi tích hợp, một bài thi với những phần câu hỏi ở nhiều môn học, cách thức tổ chức giống như kỳ thi SAT ở Mỹ. Trước mắt, ta có thể chưa tổ chức ra đề thi được như trên, thì ta có thể gộp  một số ít môn vào một bài thi. VD. Môn 1: Toán (Toán học, IQ); Môn 2: KHTN (Lý, Hóa, sinh); Môn 3: KHXH ( Văn, Sử, Địa); Môn 4: Ngoại ngữ. Sau đó, học sinh có thể tự chọn các môn thi theo hướng dẫn cụ thể của phương án.
 
Mỗi kỳ thi, đề thi là quan trọng nhất. Vậy nếu tổ chức 1 kỳ thi duy nhất như vậy thì e rằng Việt Nam khó đảm bảo được khâu ra đề do lực lượng đội ngũ khoa học nhà giáo hiện nay của Việt Nam còn mỏng?
 
Thống nhất 2 kỳ thi quốc gia thành một, chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ tập trung được lực lượng đông đảo đội ngũ các nhà giáo có kinh nghiệm để thực hiện việc ra đề. Việc tổ chức thi cũng giảm tải, đỡ tốn kém, nặng nề và tiêu cực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Dòng sự kiện: Góp ý đổi mới thi