Có nên để Đoàn thanh niên quản lý nguồn học liệu mở?

(Dân trí) - Thông tin về việc tiếp nhận Học liệu mở (OCW) của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ tại Việt Nam được giao cho Đoàn thanh niên các trường đại học, đã khiến một số người nghi ngại.

Ý kiến dưới đây của tác giả Nguyễn Đức Hùng, giảng viên ngành công nghệ điều khiển hàng hải tại trường cao đẳng Australian Maritime là một minh chứng cho điều này. Chúng tôi xin lược trích một phần trong bài viết đó:

 

Hữu ích nhưng có những hạn chế

 

Học liệu mở được ra đời trong bối cảnh toàn cầu hóa và xuất khẩu giáo dục từ các đại học hàng đầu trên thế giới, bắt đầu từ MIT, và sau đó lan rộng ra một số đại học lớn khác. MIT đưa phần lớn các bài giảng tại MIT lên Internet để mọi người có thể dùng và tham khảo miễn phí với mục tiêu chính:

 

(a) - quảng bá thương hiệu MIT nhằm thu hút các sinh viên xuất sắc ở các nước khác đến học và nghiên cứu - một hình thức marketing giáo dục;

 

(b) - chia sẻ thông tin dựa trên triết lý của MIT “bản chất của kiến thức và thông tin là để chia sẻ”.

 

Học liệu mở OCW-MIT không phải là một chương trình đào tạo từ xa của MIT. Nó có nhiều hạn chế như các bài giảng bằng tiếng Anh rất vắn tắt sơ sài, không có tài liệu tham khảo sách giáo trình và các bài báo kỹ thuật (textbook, technical papers). Học liệu mở “hữu ích nhưng có hạn chế”. Vì vậy, muốn triển khai Học liệu mở có hiệu quả chúng ta cần biên soạn lại mà không mất đi nội dung cơ bản của từng môn học, cần phải có sự quyết tâm và nỗ lực lớn của đội ngũ giảng viên cũng như các nhà quản lý giáo dục…

 

Qua nghiên cứu và tìm hiểu, tôi khẳng định rằng người sử dụng học liệu mở và hướng dẫn sinh viên phải là giảng viên, những người có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm giảng dạy và phương pháp sư phạm hướng dẫn sinh viên hoàn thành môn học. Tôi thiết nghĩ rằng Đoàn thanh niên triển khai áp dụng học liệu mở OCW-MIT là rất không hợp lý. Vì vậy tôi hoàn toàn không tán thành ý kiến của Bộ giáo dục đào tạo giao trọng trách sử dụng nguồn học liệu mở cho Đoàn thanh niên.

 

Những kiến nghị

 

Dưới đây là một số kiến nghị của tôi trong vấn đề này:

 

- Triển khai sử dụng nguồn học liệu mở không thể giao cho Đoàn thanh niên thực hiện được, mà phải do những người có chuyên môn về quản lý và tổ chức giáo dục đào tạo.

 

- Các khóa học trong trường cần phải qua một ủy ban thiết kế khóa học có các đại diện của ngành giáo dục, của các giảng viên trực tiếp giảng dạy, của sinh viên và đặc biệt cần tham khảo ý kiến của những người sử dụng lao động trong lĩnh vực hoặc ngành nghề đào tạo. Nguồn học liệu mở miễn phí có thể áp dụng để cải tiến, thiết kế chương trình giảng dạy, đề cương môn học, phương pháp dạy và học cũng như phương pháp đánh giá sinh viên.

 

- Các môn học phải được những giảng viên có trình độ chuyên môn và khả năng ngoại ngữ thực hiện. Điểm quan trọng là chương trình đào tạo phải theo hướng thị trường, ngành nghề, chương trình giảng dạy, quy mô phải do quy luật cung - cầu quyết định và phù hợp với các ngành nghề đặc thù ở Việt Nam.

 

- Phương pháp dạy và học, phương pháp kiểm tra phải được áp dụng linh hoạt nhằm khuyến khích tinh thần tự học của sinh viên và giúp sinh viên có thể học tập sâu và học tập suốt đời…

 

…Qua bài viết này, tôi kính mong những nhà giáo dục, những nhà khoa học và những người quan tâm hãy lên tiếng để góp phần tìm ra giải pháp áp dụng học liệu mở sao cho có hiệu quả nhất, nhằm mục đích đổi mới chương trình giảng dạy và phương pháp dạy và học cũng như phương pháp đánh giá sinh viên có hiệu quả lớn nhất.

 

Nguyễn Đức Hùng