Có nên kiểm định chất lượng giáo dục bằng chuẩn ISO?

(Dân trí) - Việc trường ĐH Hàng Hải Việt Nam được <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2005/6/58647.vip" >chứng nhận đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý ISO 9001-2000 </a>hồi tháng 6/2005 đã gây ra nhiều tranh cãi. Người ta lo ngại, liệu hình thức đánh giá này có chồng chéo hay đi ngược lại với việc kiểm định chất lượng giáo dục của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng?

Hệ thống đánh giá ISO 9001-2000 có thể áp dụng cho mọi tổ chức, không phân biệt vào loại hình, quy mô và sản phẩm cung cấp. Việc đánh giá này cũng tập trung vào vấn đề quản lý của tổ chức đó chứ không phải là chất lượng. Nói như thế không có nghĩa là quản lý không liên quan đến chất lượng.

 

Cụ thể là đối với trường ĐH Hàng Hải Việt Nam. Nếu cơ sở đào tạo này đang ứng dụng một phương thức quản lý tiên tiến, thích hợp, hiển nhiên chất lượng đào tạo học viên của trường sẽ có những bước tiến bộ rõ rệt. Được biết hiện nay, ngoài trường ĐH Hàng Hải Việt Nam, một số trường ĐH khác cũng đã và đang tham gia đánh giá để được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000.

Hiện nay, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (KĐCL) của Bộ GD-ĐT đang tiến hành KĐCL giáo dục theo hệ thống KĐCL giáo dục Việt Nam đã được ban hành với 10 trường ĐH đầu tiên, trong đó có trường ĐH Hàng Hải Việt Nam.

 

Nội dung được kiểm định bao gồm: Sứ mạng và mục tiêu của trường; Tổ chức và quản lý; Chương trình đào tạo; Các hoạt động đào tạo; Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên; Người học; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Hoạt động hợp tác quốc tế ; Thư viện, trang thiết bị học tập và cơ sở vật chất khác; Tài Chính và quản lý tài chính.

 

Vì hệ thống KĐCL của Cục được xây dựng nhằm áp dụng trong các cơ sở giáo dục nên những nội dung được kiểm định mang tính chuyên môn và chi tiết hơn. Tất nhiên, trong đó không thể thiếu những nội dung cũng có mặt trong hệ thống quản lý chất lượng ISO, chẳng hạn như tổ chức và quản lý; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và nhân viên...

 

Ông Phạm Xuân Thanh, trưởng phòng KĐCL, Cục Khảo thí và KĐCL, Bộ GD-ĐT, cho biết: “Theo luật giáo dục mới, việc KĐCL giáo dục theo hệ thống KĐCL giáo dục đã ban hành là bắt buộc đối với tất cả các trường ĐH, CĐ đang hoạt động tại Việt Nam. Đối với việc chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO mà một số trường đại học đã và đang tham gia, tuy là tự nguyện nhưng tôi rất ủng hộ việc làm này. Bởi đây là những cơ sở đang hướng tới chuẩn hoá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của đơn vị mình”.

 

Ông Thanh cũng tin tưởng: “Nếu như hệ thống quản lý chất lượng ISO có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với ngành giáo dục thì chắc chắn là trong tương lai, đây sẽ trở thành một trong những hệ thống đánh giá được ưa chuộng trong các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống quản lý chất lượng ISO sẽ không chồng chéo hay đi ngược với hệ thống KĐCL mà Bộ GD - ĐT đang thực hiện”.

Lan Hương