"Cô Ròm" và hành trình gieo chữ lấm lem bùn đất, có ngày lên đến 14 tiếng

Quốc Triều

(Dân trí) - Tự nhận mình là "Ròm", nhưng hành trình đến với học sinh vùng cao của cô giáo Nguyễn Thị Trang lại quá mạnh mẽ. Có những ngày, hành trình gieo chữ của cô giáo "Ròm" kéo dài đến 14 tiếng đồng hồ.

"Bước sang năm thứ 12 cầm phấn, một năm với khá nhiều cái "đặc biệt". Covid-19 làm đảo lộn quá nhiều thứ. Ròm thèm nghe tiếng trống trường quá đỗi. Nếu không có Covid-19, có lẽ cái ngày dạy đầu tiên trong năm học mới cô Ròm cũng thướt tha bộ áo dài", cô giáo Nguyễn Thị Trang trải lòng trên facebook rồi bắt đầu ngày đầu tiên của năm học mới.

Cô Ròm và hành trình gieo chữ lấm lem bùn đất, có ngày lên đến 14 tiếng - 1

Học sinh không có điều kiện học trực tuyến, cô giáo Nguyễn Thị Trang đến từng nhà giao bài tập cho các em (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Thay vì thướt tha áo dài, cô Trang chọn cho mình trang phục gọn nhẹ nhất để tiện đường vượt núi. Học sinh trường Tiểu học Ba Lế (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) của cô Trang ở rải rác tại nhiều khu dân cư nằm sâu trong núi. Các em không có điều kiện học trực tuyến, thế nên giáo viên phải vào tận làng hướng dẫn, giao bài tập.

Hành trình vượt núi vào với các em học sinh được cô giáo Trang chia sẻ trên trang facebook cá nhân khiến nhiều người thán phục. "Không phải để khoe vì rất nhiều giáo viên vùng cao cũng vất vả như vậy. Em chỉ muốn lưu lại những hình đó để làm động lực cho mình", cô Trang chia sẻ với PV Dân trí.

Cô Ròm và hành trình gieo chữ lấm lem bùn đất, có ngày lên đến 14 tiếng - 2

Mệt nhoài, trượt ngã, người lấm lem bùn đất nhưng cô giáo Trang vẫn cười tươi để tạo động lực cho chính mình (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

 Trang cho biết, ngôi làng xa nhất cách nhà khoảng 27 km, trong đó có phân nửa quãng đường đất lầy lội. Cứ 2 ngày một lượt, giáo viên đến làng để kiểm tra bài, hướng dẫn các em học tập.

Ở vùng cao, đôi lúc giáo viên phải đi tìm học trò. Biết cô đến, học sinh sẽ đi trốn. Vậy là giáo viên phải đi tìm, rồi đợi phụ huynh về để giao bài mới. Cứ lần lượt từng nhà như thế, gặp được hết học trò, trời đã sập tối.

 Tự nhận mình là "Ròm" vì thân hình nhỏ bé, gầy gò. Thế nhưng có ngày, hành trình gieo chữ của cô giáo "Ròm" kéo dài 14 giờ đồng hồ. Không biết bao phen Trang trượt ngã, cả người và xe lấm lem bùn đất. Thay vì than vãn, hình ảnh bê bết bùn đất được cô Trang đăng tải rạng rỡ nụ cười yêu đời của cô giáo trẻ.

"Là giáo viên vùng cao ai cũng gặp cảnh này. Thay vì than vãn thì phải cười thật tươi để tự động viên mình. Chỉ mong các em biết được nỗi vất vả của thầy cô mà cố gắng học tập", cô Trang nói.

Cô Ròm và hành trình gieo chữ lấm lem bùn đất, có ngày lên đến 14 tiếng - 3

Có những ngày, hành trình gieo chữ của cô Trang và đồng nghiệp kéo dài đến 14 giờ đồng hồ (Ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Những ngày còn dịch Covid-19, cô Trang và đồng nghiệp vẫn tiếp tục vượt núi đến với học sinh. Nhọc nhằn, nguy hiểm luôn rình rập, nhưng với những giáo viên vùng cao đến được với học sinh chính là hạnh phúc.

"Hạnh phúc là khi được nhìn thấy các em hoàn thành bài tập được giao. Hạnh phúc khi cả người và xe lấm lem bùn đất nhưng về đến nhà có chồng chia sẻ. Cũng xót vợ đấy nhưng lặng thinh sửa xe để ngày mai mình tiếp tục vào làng với các em", cô Trang tâm sự .

Cô Ròm và hành trình gieo chữ lấm lem bùn đất, có ngày lên đến 14 tiếng - 4

Giáo viên vùng cao luôn đối mặt với những hiểm nguy với những con dốc, những cung đường lầy lội, những con suối cạn ẩn chứa hiểm nguy khi những cơn lũ bất ngờ ùa về (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Giang Nam, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Tơ cho biết, từ ngày 13/9, tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu dạy cho học năm học mới. Ảnh hưởng dịch Covid-19, các địa phương phải thực hiện dạy học trực tuyến.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, chỉ có khoảng 15% học sinh bậc Tiểu học, 30% học sinh bậc THCS đủ điều kiện học trực tuyến. Số học sinh còn lại buộc phải thực hiện phương án giáo viên giao bài tập đến tận nhà cho các em tự học.

"Học sinh miền núi cư trú tại nhiều khu dân cư xa xôi, cách trở. Do đó, việc giao bài tập đến từng học sinh gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Chỉ có lòng yêu nghề mới giúp các thầy cô vượt qua khó khăn để đến với các em", ông Nam chia sẻ.