Câu chuyện giáo dục:

Cuốn truyện bí mật

(Dân trí) - Đi học về, cô học trò lớp 4 tíu tít kể với mẹ: “Giờ ra chơi hôm nay, lúc không có bạn nào trong lớp, con đã lén bỏ cuốn truyện vào cặp sách bạn Tèo”.

Cô bé nói rằng, bạn Tèo ham đọc sách nhưng nhà Tèo rất nghèo, Tèo thường xuyên nhịn ăn sáng và không có tiền mua sách để đọc như các bạn khác.

Nghe vậy, người mẹ không khỏi ngạc nhiên: “Nhưng sao con lại lén bỏ truyện vào cặp sách của bạn mà không đưa thẳng luôn cho bạn”. Cô bé lắc đầu: “Bạn Tèo nghèo nhưng tự trọng lắm mẹ ơi. Nếu ai cho bạn ấy, chắc chắn Tèo không chịu nhận đâu”.

Có kỹ năng bảo vệ mình, trẻ sẽ không ngại làm việc tốt (Ảnh minh họa). 
Có kỹ năng bảo vệ mình, trẻ sẽ không ngại làm việc tốt (Ảnh minh họa). 

Người mẹ rất vui khi con gái mình dù có cuộc sống đầy đủ, không hề thiếu thốn nhưng vẫn biết quan tâm đến hoàn cảnh của bạn bè xung quanh. Và đặc biệt là cô bé cảm nhận được phần nào suy nghĩ, cảm giác của người bạn trong hoàn cảnh khác hẳn với mình để có hành vi, thái độ ứng xử thích hợp.

“Mẹ bất ngờ vì suy nghĩ rất trưởng thành của con gái mẹ”. Chị khen con. Nhưng rồi với sự từng trải kèm theo nỗi lo của một người làm mẹ, chị chợt nghĩ: Lúc con chị đang lén lút bỏ truyện vào cặp bạn nhỡ ai bước vào lớp…

Chị liền hỏi cháu: “Khi đó, nếu ai nhìn thấy con lục cặp bạn và nói con lấy trộm đồ bạn thì con sẽ làm thế nào”. Lo lắng của người mẹ không thừa, cô bé ú ớ không trả lời được.

Nghĩ đến người khác, sống có trách nhiệm với người xung quanh thể hiện nhân cách của một con người. Nhưng điều không ít người e ngại lâu nay là làm sao vừa quan tâm đến người khác mà không quên đi trách nhiệm với chính bản thân, vẫn bảo vệ được bản thân? Vì rất dễ rơi vào tình huống trớ trêu như làm ơn phải tội, rước họa vào thân.

Nhưng không vì thế mà người mẹ phản đối việc làm ý nghĩa của con. Chị thủ thỉ: “Mẹ rất vui về việc con đã làm cho bạn. Nhưng để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra, lần sau nếu con bỏ truyện vào cặp của bạn hãy viết một mẩu giấy nói mục đích của mình không cần ký tên rồi kẹp vào cuốn truyện. Hoặc hay hơn là con rủ thêm một hay hai bạn nữa cùng làm việc này với mình”. Cô con gái cười rạng rỡ với bài học thú vị của mẹ. 

Chỉ với kỹ năng rất đơn giản, người mẹ đã giúp cô con không phải quay lưng với việc tốt, không vì sợ “làm ơn mắc oán” mà phải chọn lối sống vô cảm, thờ ơ. Qua đó, định hướng cho trẻ thái độ sống có trách nhiệm với người xung quanh cùng các kỹ năng để bảo vệ mình.

Ngoài ra, người mẹ hiểu rằng sự khen ngợi, khích lệ và được ghi nhận mỗi khi làm việc tốt là nhu cầu của tất cả mọi người, đặc biệt với một đứa trẻ. Cuối tuần đó chị thưởng cho con gái đi chơi công viên nước.

Hoài Nam