Đà Nẵng: Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam

(Dân trí) - Sáng nay 15/11, ngành Giáo dục TP Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982- 20/11/2012) và tuyên dương, khen thưởng năm học 2011- 2012.

Dịp này, toàn ngành GD thành phố Đà Nẵng có 5 tập thể được đón nhận Huân chương Lao động các hạng, 1 trường hoc và cơ quan Sở GD-ĐT TP nhận Cờ thi đua xuất sắc của Thủ tướng Chính phủ; 8 tập thể và 8 nhà giáo được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 1 tập thể được nhận Cờ thi đua, 10 tập thể và 13 nhà giáo được nhận Bằng khen của Bộ GD-ĐT; 106 nhà giáo nhận kỷ niệm chương vì sự nghiệp GD và nhiều tập thể, nhà giáo được UBND TP khen tặng danh hiệu tập thể xuất sắc, chiến sĩ thi đua.

Đà Nẵng:  Kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam
Các tập thể và các nhà giáo ở Đà Nẵng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Trung Chinh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP nhấn mạnh: “Giáo dục là sự nghiệp quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Chính vì vậy, nghề dạy học và các thầy giáo, cô giáo được xã hội hết sức quan tâm và tôn vinh. Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng đã quyết định chọn ngày 20/11, ngày Quốc tế Hiến chương nhà giáo làm Ngày Nhà giáo Việt Nam. 30 năm qua, ngày 20/11 đã thực sự trở thành ngày hội của toàn dân và được tổ chức kỷ niệm trọng thể ở khắp cả nước.

Truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” và nền GD Việt Nam đã tốn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Nghề thầy giáo là một nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Đã có nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo là tấm gương trí tuệ và nhân cách được nhân dân kính trọng, tin yêu và lớp lớp học trò noi theo.

Phần lớn đội ngũ nhà giáo của thành phố được công tác ở thành thị, điều kiện sống và làm việc thuận lợi hơn, nhưng vẫn có nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã và đang lặng lẽ cống hiến sức mình ở vùng sâu, vùng cao, dạy dỗ những học trò ở những vùng còn nghèo khó, đặc biệt là con em đồng bào dân tộc thiểu số; nhiều thầy giáo, cô giáo đã vượt qua những khó khăn của bản thân và gia đình để tận tâm, tận lực dìu dắt những em học sinh chưa ngoan, những em học sinh học lực yếu kém ngày một tiến bộ; nhiều thầy cô giáo không quản thời gian, công sức giúp các em học sinh khuyết tật từ tập nói, tập đi, tiếp thu kiến thức và hòa nhập cộng đồng…Xin tri ân những vất vả, lao nhọc và tình cảm sâu nặng của các thầy cô dành cho lớp lớp học trò, vì sự nghiệp “trồng người” cao cả”.

Khánh Hiền