“Đại sứ” chống tiêu cực

(Dân trí) - Trong 5 ngày liên tục từ 31/8 đến 5/9 là những ngày cả nuớc râm ran chuẩn bị cho ngày khai giảng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng như một “đại sứ” chống tiêu cực của ngành giáo dục.

Thông điệp của vị “đại sứ” này gửi tới hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cũng như hàng triệu phụ huynh trong cả nước là tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục sau hàng chục năm tồn tại và có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi đang hằng ngày, hằng giờ hủy hoại các nền tảng và nguyên lý giáo dục, làm triệt tiêu động lực học tốt, dạy tốt và gây lãng phí tiềm năng sáng tạo của các thầy cô giáo. Nếu không chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục thì không có cơ sở để đòi hỏi triển khai đổi mới phương pháp giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo.

 

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng cần tuyên truyền để các em học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thấy là năng lực thật sự để làm người, để có một nghề mới chính là giấy thông hành vào đời cho các em, chứ không phải bằng cấp có được do tiêu cực. Bởi vì những người có năng lực yếu hơn, dù có bằng cấp “đẹp” hơn thì cuối cùng cũng bị sa thải.

 

Một câu hỏi luôn thường trực trong đầu vị “đại sứ” chống tiêu cực này là: “Vì sao có tiêu cực trong thi cử”. Và ông đã đưa ra 2 nguyên nhân để trả lời câu hỏi này:

 

1. Do nhận thức sai lệch trong một bộ phận phụ huynh và học sinh là đã học 12 năm phổ thông thì dù sao cũng nên cho các em bằng tốt nghiệp làm giấy thông hành vào đời, nếu không thì không thể học lên được nữa, không có nghề nghiệp. Để đạt mục đích này, phụ huynh và học sinh có thể dùng mọi biện pháp, nhất là tìm cách “bồi dưỡng” thầy cô.

 

2. Do Sở GD-ĐT một số nơi giao chỉ tiêu tỉ lệ tốt nghiệp khá giỏi, tỉ lệ lên lớp... cho các trường, các trường giao cho từng lớp, các thầy cô nếu không đạt, dù lỗi là do sự thiếu nỗ lực của học sinh, sẽ bị phê bình, đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ, ảnh hưởng xếp loại, lên lương, trường mất điểm thi đua...

 

Để “giải quyết” được hai nguyên nhân này, người đứng đầu ngành giáo dục tỏ ra khá “chặt chẽ” trong việc tính toán các đường đi nước bước. Theo ông, chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích cơ bản không tốn tiền bao nhiêu, không đòi hỏi phải tăng chi phí đầu tư cho giáo dục. Tất cả chỉ nằm ở vấn đề nhận thức và cách làm.

 

Vấn đề nhận thức và cách làm hiện nay cần phải thay đối. Thay đổi cách nghĩ, cách dùng người và cách dùng tiền của Nhà nước và xã hội để dạy và học, chúng ta sẽ tạo được chuyển biến ngay hôm nay và tạo tiền đề cho chuyển biến lớn hơn trong tương lai.

 

Khi hướng tới việc chống tiêu cực, Bộ trưởng cũng tỏ ra là một người khá thức tế và tinh tế khi đặt ra cái đích: Nếu thực hiện tốt được công cuộc cải cách này, ngành sẽ có tư thế để đề nghị lên Chính phủ có lộ trình nâng cao thu nhập cho giáo viên. Bản thân Bộ trưởng khi nói trước công chúng, ông cũng luôn khẳng định: Khó khăn lớn nhất hiện nay của ngành giáo dục không phải là tiêu cực và bệnh thành tích mà khó khăn lớn nhất là làm sao phải nâng cao đời sống của giáo viên.

 

Với những gì mà vị “đại sứ” chống tiêu cực đang nỗ lực cùng với toàn ngành của mình đang nỗ lực, người dân hoàn toàn có quyền tin tưởng rằng giáo dục Việt Nam sẽ có những bước chuyển đáng kể trong vòng 4 năm tới - một thời hạn theo như nhận xét của “đại sứ” Nguyễn Thiện Nhân: “Năm 2010 chính là năm mà tôi sẽ kết thúc “kỳ thi tuyển sinh” với đề bài là chống tiêu cực và bệnh thành tích” .

 

Nhóm PV Giáo dục