Đánh giá toàn diện dạy và học Lịch sử ở các trường phổ thông

(Dân trí) - Dư luận xã hội mấy năm gần đây đã tỏ ra khá bức xúc, có cả bất bình trước điểm môn Sử trong kì thi tuyển sinh ĐH, CĐ quá thấp. Từ đó đi tới đánh giá chung về kết quả dạy và học môn lịch sử là “kém”, cần được "báo động đỏ".

Để tìm ra nguyên nhân thực trạng đáng lo ngại trên và các giải pháp thích hợp để khắc phục, vào ngày 27/3 tới, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, ĐH KHXH& NV TPHCM, ĐH Hồng Bàng sẽ tổ chức cuộc Hội thảo khoa học “Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong các trường phổ thông-nguyên nhân và giải pháp”

Hội thảo lần này có sự tham gia của Ban Tuyên giáo TW, Bộ GD-ĐT nhằm đánh giá một cách toàn diện thực trạng tình hình dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông, về chương trình môn lịch sử trong nhà trường, về nội dung sách giáo khoa lịch sử, về đội ngũ giáo viên, phương pháp giảng dạy và đào tạo sư phạm, để cuối cùng sẽ đưa ra một số kiến nghị lên Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các cấp.

Hội thảo sẽ tập trung vào 4 vấn đề lớn trong việc dạy và học lịch sử hiện nay, đó là: Cần đặt đúng vị trí môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục nhà trường phổ thông, đánh giá lại chương trình sách giáo khoa; Nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên và tăng cường sử dụng các thiết bị dạy học hỗ trợ giảng dạy và học tập.

GS.NGND Đinh Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Hội khoa học Lịch Sử Việt Nam, người chủ trì hội thảo cho biết: “Với tinh thần trách nhiệm cao, những người tham gia Hội thảo, từ kinh nghiệm thực tiễn của mình đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm khắc phục yếu kém, nâng dần chất lượng dạy và học môn Lịch sử ở các trường phổ thông cho xứng tầm với vị trí của môn học, đáp ứng đòi hỏi của xã hội”

Được biết Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 30 báo cáo tham luận của các trường ĐH Có khoa Lịch sử, như ĐH KHXH&NV (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội); ĐH KHXH&NV (thuộc ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Khoa học Huế, ĐH Sư phạm HN; ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Hồng Bàng TPHCM, các Sở GD-ĐT Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nam Định, Nghệ An, các giáo viên dạy sử ở các trường phổ thông ở Hà Nội và một số thành phố, trong số đó có người đã trực tiếp tham gia xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử cấp trung học.

Nguyễn Hùng