Điểm thi môn Lý cũng “kinh hoàng”!

Ngoài môn Sử, môn Văn... dễ sợ, điểm thi tuyển sinh ĐH môn Lý năm nay cũng thấp kinh ngạc. Có trường có đến 95% bài thi môn này dưới trung bình...

Nhiều thí sinh có điểm dưới trung bình

 

Thí sinh có số báo danh 822 dự thi vào Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ có kết quả thi môn toán là 5,5 điểm, môn hóa 6,75 điểm nhưng môn lý... 0 điểm. Và đó chưa phải là trường hợp cá biệt trong danh sách 187 thí sinh bị điểm 0 môn vật lý tại trường này. Còn khoảng từ 0-1 điểm trường có 714 thí sinh, từ 2 điểm trở xuống có 915 thí sinh và từ 3 điểm trở xuống có 1.020 thí sinh.

 

Trong tổng số 1.656 thí sinh dự thi khối A vào trường ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng có đến 235 TS có môn lý đạt từ 3 điểm trở xuống.

 

Tại ĐH Đà Lạt có 4.560 thí sinh dự thi khối A thì có 416 thí sinh bị điểm 0 môn vật lý; từ 0,25-1 điểm có 2.045 thí sinh và từ 0,25-2 điểm có đến 3.171 thí sinh. Nếu tính từ 4,75 điểm trở xuống, trường này có đến 4.336 thí sinh, nghĩa là có đến hơn 95% thí sinh có bài thi môn vật lý dưới trung bình.

 

Tương tự, Trường ĐHBC Tôn Đức Thắng cũng có đến 401 TS bị điểm 0 môn lý, và khoảng điểm từ 0-1 là 1.619 TS.

 

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho biết môn vật lý có kết quả thấp hơn năm 2005 và điểm thi môn này chủ yếu tập trung ở mức từ 1-3 điểm.

 

Tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, trong ba môn thi khối A thì môn lý có kết quả thấp nhất và điểm trung bình khoảng 2,9. Còn tại ĐHQG TPHCM, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa (phó chủ tịch hội đồng tuyển sinh) cũng cho biết cùng với môn sử, năm nay môn vật lý cũng có kết quả thấp nhất trong các môn thi.

 

Khả năng tư duy yếu

 

Ông Trần Nguyên Tường (tổ trưởng tổ chấm thi môn lý, Trường ĐH Luật TPHCM) cho biết: “Tại một đia điểm chấm thi môn vật lý, chúng tôi đã rút hai túi ngẫu nhiên để xem. Túi thứ nhất có 42 bài với tổng số điểm là 86,75 điểm, như vậy điểm trung bình mỗi bài khoảng 2 điểm.

 

Trong khi đó chỉ có một điểm 6 là cao nhất, bốn bài đạt điểm 4, còn lại là 3 và dưới mức 3 điểm. Ở túi thứ hai cũng không tránh khỏi như túi một, điểm cao nhất có một bài 7,75, có năm bài đạt điểm 4 còn lại là 3 và dưới 3 điểm. Nhìn toàn bộ bài làm của thí sinh, chúng tôi thấy phần giáo khoa ở ý 1 câu I và câu II hầu hết thí sinh đều không làm được, chứng tỏ khả năng tư duy của thí sinh yếu.

 

Đại đa số thí sinh chỉ làm được bài tập phần cơ bản ý 2 (câu I), ý 2 (câu II), ý 1 (câu III) và ý 1 (câu IV), trong khi rất ít thí sinh làm được phần nâng cao ý 2 (câu III), ý 2 (câu IV) và đặc biệt hầu như câu Va, Vb không có thí sinh nào làm được”.

 

Theo nhận định của các giảng viên, đề thi môn vật lý năm nay bao quát chương trình, phần bài tập hầu hết thuộc dạng phổ biến và thí sinh đã gặp thường xuyên trong quá trình học ở trường. Do đó dự kiến sẽ có khá nhiều thí sinh đạt điểm tối đa, thí sinh học lực trung bình cũng có thể đạt 5-6 điểm.

 

Nhưng theo giảng viên Vương Quốc Tấn (Trường Bồi dưỡng văn hóa, ĐHQG TPHCM) thì: “Nói như thế không có nghĩa là thí sinh cứ học thuộc lòng là làm bài được mà phải thật sự hiểu bài, biết cách vận dụng kiến thức mới làm đúng được”.

 

Với điểm thi như thế, phải chăng khả năng vận dụng kiến thức để làm bài, khả năng tư duy và khả năng làm các bài tập nâng cao của thí sinh đã bị thui chột? thí sinh chỉ biết làm những bài tập có chứa những “nội dung cơ bản” mà mình đã học thuộc lòng từ thời phổ thông?

 

Rõ ràng không chỉ các môn khoa học xã hội, với những điểm số “kinh hoàng” của môn vật lý, chuyện dạy và học ở bậc phổ thông có lẽ phải được mổ xẻ thấu đáo và toàn diện.

 

Theo N.P. - M.G
Tuổi Trẻ

Dòng sự kiện: Chấm thi ĐH 2006