Độc đáo "Vườn Lịch sử xứ Thanh"

(Dân trí) - Công trình “Vườn Lịch sử xứ Thanh” được xem như là một dụng cụ học Lịch Sử bằng trực quan rất sinh động và ý nghĩa của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa.

Thầy giáo Hoàng Xuân Khánh về làm hiệu trưởng tại Trường Tiểu học Minh Khai 1 từ năm 2008. Ngày thầy mới về, ngôi trường còn bộn bề khó khăn. Vấn đề quan tâm hàng đầu của thầy là sự an toàn cho học sinh (HS), bởi trước đó, nhiều điểm quanh khu vực trường còn chưa được giải phóng xong mặt bằng, nhiều ao chuôm còn tồn tại đe dọa đến sự an toàn của các em.
 
Thầy Khánh giới thiệu về Vườn Lịch sử xứ Thanh.
Thầy Khánh giới thiệu về "Vườn Lịch sử xứ Thanh".

Năm 2010, sau khi có mặt bằng, nhà trường tiến hành xây dựng tường bao. Thấy còn khuôn viên, thầy Khánh trăn trở làm sao để cho trường học trở nên thân thiện hơn, giúp HS có hứng thú với môn học Lịch Sử, tránh lối học thuộc lòng, học làm sao để nhớ dai, nhớ lâu. Từ đó, ý tưởng xây dựng “Vườn Lịch Sử xứ Thanh” ra đời.

Mong muốn của thầy là tổ chức cho HS có một không gian thân thiện. Ngày trước khi còn công tác tại Trường Tiểu học Điện Biên, thầy Khánh thường hướng cho HS tìm hiểu về lịch sử, con người xứ Thanh. Nghĩ là làm, thầy bắt tay vào xây dựng “Vườn Lịch sử xứ Thanh” ngay tại ngôi trường Tiểu học Minh Khai 1.

Thầy Khánh chia sẻ: “Mỗi vùng đất, mỗi địa phương đều gắn liền với những sự kiện lịch sử và có những nhân vật lịch sử kiệt xuất. Làm sao để thế hệ trẻ học và am hiểu lịch sử địa phương, từ đó có thể hiểu lịch sử nước nhà. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước và lòng tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc. Bởi vậy, những “dụng cụ” học tập đơn giản, thân thiện như thế này là điều bổ ích giúp HS có hứng thú tìm hiểu môn Lịch sử hơn”.

Mới đầu khi còn là ý tưởng, thầy Khánh có ý định tổ chức làm vườn Sử - Địa, nhằm giới thiệu về mảnh đất xứ Thanh với động Từ Thức, Sầm Sơn, suối Cá thần… Ngoài ra, Thanh Hóa vốn nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu, tuy nhiên, nếu ôm đồm, đưa vào thì nhều quá.

Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới được giới thiệu trong Vườn Lịch sử xứ Thanh.
Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới được giới thiệu trong "Vườn Lịch sử xứ Thanh".

Rồi thầy bắt tay vào làm, ban đầu là việc chọn lọc những sự kiện gắn liền với những mốc lịch sử nổi tiếng có liên quan đến Thanh Hóa. Đầu tiên phải kể đến là nền văn hóa Đông Sơn, trống đồng Đông Sơn… “Nó không xa xôi mà ngay cạnh nội đô Thanh Hóa, nhưng có thể nhiều người dân xứ Thanh còn chưa biết. Hay như nếu nói đến khu du lịch Kim Quy nhiều người không thiết đến, nếu đặt nó là Làng cổ di tích Kim Quy thì tốt hơn. Nhiều người cứ nghĩ văn hóa Đông Sơn là lấy tên huyện Đông Sơn, nhưng thực tế là làng cổ Đông Sơn”, thầy Khánh trăn trở:

Lịch sử chính thống Thanh Hóa là nơi phát tích của hai triều đại trị vì lâu nhất là nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn. Ngoài ra, còn có nữ nhân vật lịch sử nổi tiếng là Bà Triệu; những di tích nổi tiếng như Thành Nhà Hồ, chiến khu Ba Đình ở Nga Sơn, cầu Hàm Rồng.
 
Cô trò Trường tiểu học Minh Khai 1 tại vườn lịch sử.
Cô trò Trường tiểu học Minh Khai 1 tại vườn lịch sử.

Sự kiện, nhân vật lịch sử đã có, để thể hiện nó ra cho mọi người xem và tìm hiểu, thầy Khánh lại bắt tay vào việc nghiên cứu và tìm những phiến đá về tạo hình. Đá phải được lấy từ các vùng gắn liền với các sự kiện, các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Để có đá làm Vườn Lịch sử, thầy Khánh đã bỏ hàng tháng trời đi nghiên cứu, tìm hiểu ở nhiều địa phương khác nhau.

“Có những tư liệu mình rất tâm đắc. Mới đầu tôi cũng rất sợ bởi bản thân cũng chỉ là ông giáo làng. Nếu chỉ một mình thì không thể làm được, rất may ý tưởng của tôi được các bậc phụ huynh cũng như các đơn vị nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ. Bởi cái ý tưởng và cách làm ấy đem lại môi trường thân thiện cho nhà trường, cho HS”, thầy Khánh chia sẻ.

Lúc đầu, người nhận thi công công trình làm rất cầu kỳ, thầy Khánh đã bắt phá đi làm lại vì trong khuôn viên làm kiểu hòn non bộ, có nước, có điện mà HS tiểu học thì rất hiếu động. Bản thân thầy chủ trương làm đơn giản, những tảng đá phải làm sao không gây nguy hiểm cho HS.
 
Công trình Vườn Lịch sử rất gần gũi với học sinh.
Công trình Vườn Lịch sử rất gần gũi với học sinh.

“Ý tôi là làm hay chứ không phải làm đẹp, hay ở chỗ là có ý nghĩa. Khi tôi nêu vấn đề ra làm văn bản xin một tảng đá ở khu di tích Lam Kinh, các anh ấy nhiệt tình và ủng hộ hết mình, còn khuyến khích tôi làm nữa”, thầy Khánh tâm đắc.

Rồi thầy Khánh rong ruổi, ngược xuôi hết tìm đá ở vùng đất Lam Kinh, vòng ra Hà Trung, về đất Hàm Rồng... để kiếm tìm những tảng đá đẹp, có ý nghĩa. Đi đến đâu, khi nói ra ý tưởng của mình, thầy Khánh cũng được mọi người nhiệt tình ủng hộ và giúp đỡ.

Trước đó gần một năm trời, thầy lặn lội đi chụp hình, định vị, đánh dấu những tảng đá phù hợp. Sau hai tháng trời từ khi bắt đầu xây dựng, cùng với sự tài trợ của “mạnh thường quân” là phụ huynh trong trường, khu vườn đã hoàn thành với khuôn viên rộng gần 300 m2, trong đó có 9 khối đá, mỗi khối gắn với một sự kiện hay một địa danh lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh, theo trình tự thời gian.

Những phiến đá thể hiện những điểm nhấn lịch sử của xứ Thanh như: Núi Đọ (Thiệu Hóa), làng cổ Đông Sơn, núi Ngàn Nưa (Triệu Sơn), Xuân Lập (Thọ Xuân) - nơi sinh vua Lê Hoàn, khởi nghĩa Lam Sơn (Thọ Xuân), Thành nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Hà Trung (nơi phát tích nhà Nguyễn), chiến khu Ba Đình (Nga Sơn) và cầu Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa).

Ở giữa khu vườn là một khối đá lớn, trên có dòng chữ “Vườn Lịch Sử xứ Thanh”, khiến mọi người ai đi vào đây cũng phải để ý. Vào trong khu vườn, mọi người được biết về những địa danh như núi Ngàn Nưa - nơi Bà Triệu dấy binh chống quân Ngô; Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới; cầu Hàm Rồng - nơi chôn vùi hàng trăm máy bay địch trong kháng chiến. Ngoài ra còn có hệ thống pa nô với những thông tin khái quát về các địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu của xứ Thanh. 
 
“Mới đầu khi bắt tay vào làm, tôi nghĩ là rất khó, nhưng khi làm thì được các đơn vị ủng hộ, không ngại công, ngại của. Còn cây cối là do phụ huynh đóng góp trồng nên. Tôi chỉ mong muốn làm sao cho HS học ít mà nhớ dai, nhớ lâu. Đây là một đồ dùng học tập rất thực tế”, thầy Khánh cho biết.
 
"Vườn Lịch sử xứ Thanh" tại Trường Tiểu học Minh Khai 1, phường Trường Thi, thành phố Thanh Hóa:
 

Trong sáng kiến kinh nghiệm được giải A cấp tỉnh về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thầy Hoàng Xuân Khánh có nói đến vườn lịch sử mà thầy đã dày công xây dựng.

Công trình đã được chọn là một trong ba giải pháp của ngành giáo dục Thanh Hóa tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 11 và được giải Khuyến khích.

Vườn lịch sử ra đời đã trở thành dụng cụ giảng dạy Lịch sử bằng trực quan, sinh động của thầy trò Trường Tiểu học Minh Khai 1. Mỗi ngày đến trường, các em HS đều được ngắm nhìn những dấu ấn lịch sử hiện hữu trong vườn trường.
 
Duy Tuyên