Đắk Lắk:

Gần 3.000 học sinh sắp vào lớp 10 chưa có trường để học

Thúy Diễm

(Dân trí) - Gần 3.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9 tại Đắk Lắk hiện chưa có trường để học lớp 10. Phụ huynh lo lắng, xót xa khi con em mình có nguy cơ thất học.

Gần 3.000 học sinh chuẩn bị vào lớp 10 chưa có trường học

Năm học 2022-2023, tỉnh Đắk Lắk có trên 29.000 học sinh tốt nghiệp hệ THCS. Đến nay, có khoảng 23.300 học sinh được tuyển vào lớp 10 (tính cả trường công lập và tư thục), chiếm tỷ lệ 77,73%.

Gần 3.000 học sinh sắp vào lớp 10 chưa có trường để học - 1

Phụ huynh lo lắng khi cận năm học mới nhưng con em mình chưa có trường nào để học (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk, hiện có trên 6.600 học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10. Trong số này, có khoảng 3.600 chỉ tiêu lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên (GDTX) của các Trung tâm GDTX-GDNN trên địa bàn tỉnh. Số còn lại gần 3.000 học sinh hiện vẫn chưa có trường để học.

Gần 2 tuần đi đăng ký trường con trai vào lớp 10 nhưng không được tiếp nhận, chị Thu Hạnh (46 tuổi, ngụ TP Buôn Ma Thuột) vô cùng lo lắng, sợ con trai không được đi học nữa.

Theo chị Hạnh, theo phân tuyến địa bàn, con trai chị nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào lớp 10 tại trường THPT Chu Văn An. Tuy nhiên, khi trường công bố danh sách 560 em trúng tuyển, không có tên con trai chị.

"Nhà trường công bố điểm chuẩn trung bình cả năm lớp 9 là 6,9 điểm nhưng con trai tôi chỉ đạt 6,8 điểm nên không trúng tuyển. Do phân tuyến địa bàn, tôi không thể nộp vào các trường công lập khác để xét tuyển. Không biết cho con vào trường nào để học, cả gia đình lo lắng suốt nhiều ngày qua", chị Hạnh tâm tư.

Gần 3.000 học sinh sắp vào lớp 10 chưa có trường để học - 2

Hiện có gần 3.000 học sinh tốt nghiệp THCS tại Đắk Lắk chưa được tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh: Thúy Diễm).

Đồng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Anh Nam (ngụ thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'leo) đang tìm cách cho con vào được lớp 10 trường công lập để học nhưng không còn trường.

"Gia đình tôi đang nuôi 3 người con tuổi ăn học, tôi làm nông nên không đủ chi phí để cho con vào trường tư, vì học phí khá cao. Tôi đang nộp hồ sơ cho cháu vào Trung tâm GDTX-GDNN nhưng đang lo hết chỉ tiêu", anh Nam băn khoăn.

Ông Lê Ngọc Hùng - Phó chủ tịch UBND huyện Ea H'leo - cho biết qua rà soát trên địa bàn huyện có khoảng 500 học sinh tốt nghiệp THCS chưa được trúng tuyển vào lớp 10.

"Huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh và Sở GD&ĐT đề nghị cấp kinh phí, xem xét mở thêm lớp học để tuyển sinh thêm học sinh đã tốt nghiệp THCS vào lớp 10 tại Trung tâm GDTX-GDNN tại huyện", ông Hùng thông tin.

Xin cấp kinh phí mở thêm lớp 10

Lý giải về việc gần 3.000 học sinh chưa có trường để học, ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - cho biết, tuyển sinh lớp 10 THPT được thực hiện theo chương trình Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 (Đề án 522).

Theo đó, 70% học sinh sau tốt nghiệp THCS sẽ vào THPT, số còn lại học chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa.

Gần 3.000 học sinh sắp vào lớp 10 chưa có trường để học - 3

Nhiều phụ huynh bày tỏ do điều kiện kinh tế khó khăn không thể cho con theo học THPT tại các trường tư thục (Ảnh: Thúy Diễm).

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk thừa nhận có bất cập trong việc tuyển sinh lớp 10 theo hình thức xét tuyển, phân tuyến theo địa bàn, dẫn đến việc học sinh chỉ được lựa chọn một trường công lập để nộp hồ sơ.

"Sở đã đề xuất UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức thi tuyển trên toàn tỉnh nhưng đến nay chưa được triển khai do điều kiện kinh tế xã hội nhiều khó khăn, tỉnh còn cân nhắc có thể thực hiện trong những năm tiếp theo", ông Hiệp nói thêm.

Trước thực trạng thiếu lớp để học, mới đây, Sở GD&ĐT Đắk Lắk đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố bố trí kinh phí cho các Trung tâm GDTX-GDNN mở thêm lớp 10 hệ GDTX năm học 2023-2024.

Gần 3.000 học sinh sắp vào lớp 10 chưa có trường để học - 4

Ngành GD&ĐT Đắk Lắk đề nghị tỉnh bố trí kinh phí mở thêm các lớp 10 hệ GDTX tại các địa phương (Ảnh: Thúy Diễm).

Theo Sở GD&ĐT, trên địa bàn nhiều huyện chưa có trường để các em có thể học nghề, học văn hóa. Các học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các trường đào tạo nghề trên địa bàn cả nước. Đây là vấn đề một số phụ huynh có ý kiến.

"Hiện các Trung tâm GDNN-GDTX tại các huyện, thị xã, thành phố mặc dù có cơ sở vật chất, phòng học nhưng đội ngũ giáo viên dạy văn hóa được giao biên chế còn hạn chế, kinh phí chi thường xuyên cấp chưa đảm bảo", Sở GD&ĐT Đắk Lắk nêu rõ.

Do đó, để tạo điều kiện cho gần 3.000 học sinh được vào lớp 10 hệ GDTX, Sở GD&ĐT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính cân đối bố trí thêm kinh phí và cho chủ trương các Trung tâm GDTX-GDNN mở thêm lớp và hợp đồng giáo viên THPT trên địa bàn để giảng dạy.