DNews

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm

Mỹ Hà

(Dân trí) - Một số vụ việc "nóng" trong giáo dục gần đây như: cô giáo túm cổ áo lôi học sinh, thầy giáo thóa mạ trò… gây bức xúc dư luận. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nói sẽ không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có "vùng cấm" trong xử lý sai phạm

Trả lời phóng viên Dân trí ngày 5/10, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết, một số sự việc "nóng" gần đây không chỉ ảnh hưởng thương hiệu riêng của nhà trường, chắc chắn ngành giáo dục cũng chịu ảnh hưởng.

Nhiệm vụ của học sinh là chấp hành nghiêm nội quy của nhà trường, học tập và rèn luyện thật tốt. Còn thầy cô giáo truyền tải kiến thức đến học sinh tốt nhất, không đem áp lực cuộc sống vào công việc, nhất là trút lên đầu học sinh.

Những hành động, lời nói thiếu chuẩn mực của giáo viên sẽ thành vết sẹo trong cuộc đời các em, để lại trong các em những kỷ niệm không đẹp với thầy cô và mái trường đó.

Vì thế, quan điểm của Sở GD&ĐT là xử lý nghiêm các hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức của một số nhà giáo.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

Giáo viên để lại ấn tượng xấu chỉ vì chiếc bánh

Thưa ông, thời gian qua Hà Nội có một số sự việc liên quan đến đạo đức nhà giáo gây bức xúc dư luận. Là người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, ông nhận xét như thế nào?

- Một số sự việc gây bức xúc dư luận gần đây không chỉ ảnh hưởng tới thương hiệu riêng của nhà trường, chắc chắn ngành giáo dục cũng chịu ảnh hưởng.

Đơn cử câu chuyện ở Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, chỉ vì chiếc bánh mà giáo viên khiến sự việc đi quá xa, khiến dư luận bức xúc. Hay câu chuyện thầy giáo chửi mắng học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất không thể chấp nhận được. 

Với cương vị người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, tôi đã yêu cầu nhà trường xử lý nghiêm cá nhân vi phạm bởi những sự việc đó tiềm ẩn nguy cơ cho các hành động không hay xảy ra trong nhà trường.

Thứ hai, cần chấn chỉnh đạo đức và các hành vi thiếu chuẩn mực nhà giáo mà công luận đã phản ánh vừa qua. Những sự việc trên chỉ là thiểu số nhưng nó là con sâu làm rầu nồi canh.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 3

Giáo viên và học sinh Hà Nội (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Nhiều người cho rằng, có thể do giáo viên quá áp lực với công việc, cộng với chế độ lương bổng thấp nên nhiều người trút tức giận lên học sinh, thưa ông?

- Cũng như một số ngành nghề khác, giáo viên chịu sức ép rất lớn trong cuộc sống. Tất nhiên giáo viên khi đến trường vui vẻ không sao nhưng nếu họ đem bực dọc trong cuộc sống vào công việc là không được.

Dù thế nào, thầy cô giáo không được phép dùng những hành động, lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh như một số clip đăng tải vừa qua.

Những lời nói, hành động đó của giáo viên sẽ thành vết sẹo in sâu trong tâm trí các em, chắc chắn em đó sẽ có những kỷ niệm không đẹp dưới  trường và thầy cô ở đó.

Học sinh có trách nhiệm chấp hành tốt nội quy nhà trường, học tập tốt còn trách nhiệm của giáo viên là truyền thụ tốt nhất kiến thức đến học sinh, không để học sinh chỉ vì việc nọ việc kia mà phân tán tư tưởng, sao nhãng việc học.

Theo tôi, ngoài chấn chỉnh đạo đức, cần thiết phải giáo dục tư tưởng cho giáo viên. Giáo viên phải có thái độ chuẩn mực trong công tác.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 5
Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 6

Vụ việc cô giáo túm cổ áo kéo lê học sinh và thầy giáo thóa mạ học sinh gây bức xúc dư luận (Ảnh chụp màn hình). 

Không thể vì bất đồng quan điểm mà học sinh thất học

Khi giáo viên xảy ra sai phạm, một số ý kiến trên mạng xã hội lo ngại cơ quan chức năng chỉ xử lý kiểu "giơ cao đánh khẽ" hoặc có "vùng cấm" nào đó. Theo ông, điều này có đúng không?

- Tôi khẳng định hoàn toàn không có "vùng cấm" trong việc xử lý các sai phạm, thậm chí chúng tôi yêu cầu phải xử lý nghiêm các vi phạm của giáo viên.

Chẳng hạn vụ việc ở Trường THPT Đa Phúc, Sóc Sơn, ngay sau khi thông tin được đăng tải, Sở GD&ĐT Hà Nội nhanh chóng ra văn bản yêu cầu nhà trường tạm ngừng công tác cô giáo kéo lê học sinh trước cửa lớp. Khi có kết quả điều tra, tùy theo mức độ, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý.

Vụ việc thầy giáo chửi mắng, xúc phạm học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, hoàn toàn không chấp nhận được.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 7

Học sinh trong một lớp học tại Hà Nội (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Cho dù bất cứ lý do gì, thầy giáo không được phép dùng những lời nói thiếu chuẩn mực với học sinh. Dưới góc độ là đơn vị trực tiếp quản lý, Sở đã phối hợp với UBND huyện Thạch Thất xử lý nghiêm thầy giáo.

Ở trường hợp học sinh bị cho nghỉ học vì gia đình bất đồng quan điểm với nhà trường tại Trường Lạc Long Quân, Sóc Sơn, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo "nóng", yêu cầu nhà trường cho học sinh đi học trở lại bởi học sinh có tội tình gì đâu?

Chúng tôi yêu cầu nhà trường phải đặt tình thương và quyền lợi của học sinh lên trên hết, đấy mới là giáo dục.

Việc gia đình và nhà trường bất đồng quan điểm như thế nào chúng ta chưa rõ nhưng tôi khẳng định, không được vì thế mà để học sinh không được đi học.

"Lách luật" để dạy thêm: Vấn đề nhức nhối

Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ về việc cấm dạy thêm, học thêm. Thế nhưng thời gian qua, một số nhà trường vẫn có tình trạng dạy thêm, học thêm gây bức xúc dư luận? Sở GD&ĐT có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?

- Học sinh học 2 buổi/ngày, nhà trường không được phép dạy thêm học thêm.

Đúng là có hiện tượng dạy thêm học thêm trên địa bàn, thậm chí diễn ra nhiều năm nay. Một bộ phận phụ huynh có nhu cầu, cộng với việc lách luật của giáo viên, có tình trạng giáo viên dạy thêm, học thêm để thu thêm tiền.

Để các trường thực hiện nghiêm quy định, Ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ có đợt kiểm tra, đồng thời quán triệt toàn bộ với các phòng GD&ĐT trên địa bàn quán triệt đến từng trường phải thực hiện đúng quy định.

Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội: Không có vùng cấm trong xử lý sai phạm - 9

Học sinh tiểu học đang học 2 buổi/ngày, không được tổ chức dạy thêm - học thêm cho các em (Ảnh minh họa: Mỹ Hà).

Nhiều phụ huynh phản ánh, lớp có nhiều học sinh, nếu con mình không học thêm hoặc không học liên kết sẽ lạc lõng. Phụ huynh làm thế nào khi rơi vào tình thế bị "ép" tự nguyện?

- Đây là sự việc nhức nhối trong trường học. Nhiều giáo viên lợi dụng kẽ hở "tự nguyện" để lách luật, cố tình làm sai quy định.

Đặc biệt, việc lạm thu xảy ra ngay cả trong hội cha mẹ học sinh. Tôi không phủ nhận đóng góp của họ nhưng một số hội thu chi quá mức, không bàn bạc trước và không phù hợp với số đông cha mẹ học sinh. Tôi không hài lòng với cách làm này.

Về hoạt động dạy liên kết cũng là vấn đề phải bàn bởi hoạt động này vẫn còn kẽ hở, đơn cử là lỗ hổng "ép" tự nguyện.

Không phủ nhận việc liên kết trong giáo dục công lập rèn luyện thêm cho học sinh nhiều kỹ năng không có trong chương trình chính khóa. Thế nhưng một khi hoạt động liên kết xảy ra các bất cập, cơ quan quản lý tầm vĩ mô cần có quy định rõ ràng hơn để hướng dẫn cụ thể.

Giáo viên phải thực hiện đủ định mức tiết dạy chính thức, sau khi thừa thời gian mới dạy ngoài giờ. Việc thực hiện các tiết học ngoài giờ phải có thống nhất của cha mẹ học sinh, không gây áp lực, quá tải cho học sinh.

Tôi khẳng định, việc đưa giờ học liên kết vào thời khóa biểu chính khóa là sai và không được phép!

Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn.