Giảng viên - nhà khoa học ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm

Trường Thịnh Vũ Thơm

(Dân trí) - Yêu thích vật lý và đam mê nghiên cứu khoa học từ sớm, TS. Phan Đức Anh đã có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao, đặc biệt là ứng dụng trong sản xuất dược phẩm.

Tháng 10/2020, TS. Phan Đức Anh, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa (PIAS), kiêm giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Trường Đại học Phenikaa) là một trong hai nhà khoa học của cả nước vừa vinh dự nhận Giải thưởng nghiên cứu trẻ vật lý năm 2020.

Đây là giải thưởng thường niên của Hội Vật lý lý thuyết Việt Nam dành cho các nhà nghiên cứu trẻ tuổi có thành tích nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và các lĩnh vực khác có liên quan.

Quan trọng là có ích cho cộng đồng

Là người đam mê nghiên cứu khoa học, vì thế, ngay sau khi tốt nghiệp hệ cử nhân tài năng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phan Đức Anh trở thành nhà khoa học của Viện Vật lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Sau hơn một năm công tác tại Viện Vật lý, anh sang Mỹ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học và tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Vật lý ứng dụng tại Trường Đại học Nam Florida năm 2013.

Theo TS. Phan Đức Anh, "nhà khoa học có thể theo định hướng nghiên cứu cơ bản hoặc ứng dụng, nhưng với tôi, càng nghiên cứu cơ bản thì sẽ ra nhiều ứng dụng. Quan điểm của tôi, nghiên cứu phải có ứng dụng và có ích cho cộng đồng".

Suốt những năm tháng học tập ở nước ngoài, anh có điều kiện nghiên cứu sâu về vật lý cơ bản, TS. Phan Đức Anh cho biết: "Nguồn gốc và bản chất về chuyển động phân tử của chất vô định hình (polymers, gel, thủy tinh, thuốc vô định hình, …..) là một trong những vấn đề bí ẩn mặc dù chúng ta vẫn sử dụng vật liệu này hàng ngày. Cấu trúc phân tử của chất vô định hình khá giống với chất lỏng nên mang nhiều tính chất vật lý của chất lỏng (đặc biệt ở nhiệt độ cao) nhưng lại có nhiều tính chất giống tinh thể vật rắn (đặc biệt ở nhiệt độ thấp). Các tính chất vật lý này cũng phụ thuộc vào quá trình chế tạo, hình dạng thiết kế, cũng như điều kiện lưu trữ và sử dụng. Chính sự phức tạp này khiến cho lý thuyết chưa thể miêu tả thống nhất các tính chất vật lý của vật liệu vô định hình một cách toàn diện mà chỉ dừng lại ở miền nghiên cứu khá nhỏ".

Trước thực tế đó, từ năm 2015, TS. Phan Đức Anh cùng GS Kenneth S. Schweizer, Trường Đại học Illinois tại Urbana-Champaign đã xây dựng và phát triển lý thuyết ECNLE (the elastically collective nonlinear Langevin equation theory) để nghiên cứu động học phân tử trong vật liệu vô định hình ở kích thước lớn và màng mỏng trong các điều kiện chế tạo khác nhau. Lý thuyết này cho phép các nhà nghiên cứu có một cách nhìn mang tính hệ thống về tính chất và phân loại các thiết kế vật liệu. Đặc biệt, nó cũng tạo ra sợi dây kết nối, thống nhất được cách nhìn giữa thực nghiệm và lý thuyết.

Ngay sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ (2018), anh trở về nước và quyết định "đầu quân" cho Trường Đại học Phenikaa - ngôi trường tư thục còn mới mẻ nhưng có sự đầu tư bài bản cho nghiên cứu khoa học, sự gắn kết chặt chẽ trong hệ sinh thái Phenikaa (trường đại học - viện nghiên cứu và doanh nghiệp).

Chia sẻ về quyết định của mình, anh thẳng thắn: "Tại Trường Đại học Phenikaa, nhà khoa học không chỉ được trang bị tốt về cơ sở vật chất, mà còn được hưởng một cơ chế "mở" với môi trường tự do học thuật, giúp các giảng viên - nhà khoa học phát huy cao nhất năng lực của mình trong nghiên cứu, phát triển, sáng tạo khoa học công nghệ. Đặc biệt, khi chia sẻ về định hướng nghiên cứu ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm thì được lãnh đạo Trường ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu".

Giảng viên - nhà khoa học ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm - 1
TS Phan Đức Anh cùng các thầy cô của Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu - Trường Đại học Phenikaa

Bên cạnh nghiên cứu mô hình lý thuyết theo hướng cơ bản, TS. Phan Đức Anh đã cộng tác với nhóm thực nghiệm tại Ba Lan, để mở ra định hướng ứng dụng cho lý thuyết ECNLE trong việc đánh giá tính chất và chất lượng của thuốc vô định hình. Từ đó có thể xây dựng những dự đoán cho khả năng hấp thụ và hòa tan của thuốc khi đưa vào trong cơ thể. Lý thuyết này cũng có thể ứng dụng trong nghiên cứu tính chất của màn hình cảm ứng, OLED,…

Sau những nỗ lực không ngừng, đến nay, anh đã công bố 46 công trình khoa học trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus với chỉ số H-index là 12. Gần đây, anh vừa có bài được chấp nhận đăng trên tạp chí Physical Review Letter (IF 8.385), một trong những tạp chí hàng đầu trong ngành Vật lý. Đây là con số khiến không ít nhà khoa học mơ ước và nể phục.

"Truyền lửa" cho sinh viên và cộng đồng khoa học

"Là nhà khoa học, đồng thời là một giảng viên, tôi luôn mong muốn đào tạo những thế hệ sinh viên đáp ứng được các nhu cầu của xã hội, tạo ra môi trường học thuật giúp sinh viên trưởng thành trong quá trình học tập và nghiên cứu. Đấy mới là thành công của người thầy, người làm khoa học thực sự." - TS Đức Anh chia sẻ.

Tiếp thu những nhiệt huyết đó, cử nhân Trần Đình Cường (cựu sinh viên lớp Tài năng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), từng đạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Vật lý năm 2015, sau 1,5 năm làm trợ lý nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của TS. Phan Đức Anh tại Trường Đại học Phenikaa, đã có những kỹ năng của một nghiên cứu viên độc lập. Nhóm nghiên cứu của anh vừa chào đón thêm thành viên mới, ThS. Đinh Ngọc Dũng, cũng từng đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi Vật lý quốc gia năm 2011.

Giảng viên - nhà khoa học ứng dụng vật lý trong sản xuất dược phẩm - 2

TS Phan Đức Anh (thứ 2 từ phải sang) cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu của mình

Bên cạnh công tác chuyên môn, TS. Phan Đức Anh cũng chú trọng đến những giá trị cộng đồng. Anh cùng với TS. Trần Mạnh Trung (Trường Đại học Phenikaa), TS. Phạm Minh Sơn (Imperial College London, Anh), TS. Nguyễn Thanh Sơn (Kushiro College, Nhật Bản), các nhà khoa học trong và ngoài nước, thành lập Mạng lưới quốc tế về Vật liệu của người Việt iVMNet (i-Vietnam Materials Network).

Mạng lưới này nhằm kết nối những nhà khoa học, chuyên gia và những sinh viên Việt Nam trên toàn thế giới đang giảng dạy, học tập, nghiên cứu về vật liệu và những lĩnh vực liên quan. Đây chính là môi trường mở, hoạt động trên nền tảng mạng xã hội, để các nhà khoa học chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Chia sẻ về những dự định và kế hoạch cho năm tới, anh cho biết tiếp tục theo đuổi hướng nghiên cứu đã chọn, đồng thời xây dựng nhóm nghiên cứu của mình, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và cùng nỗ lực để "đứa con tinh thần" được ứng dụng vào thực tế, góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe cho mọi người.