Giáo dục nghề nghiệp của TPHCM mạnh nhưng còn nhiều bất cập

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Theo ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TPHCM, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của TPHCM thuộc loại mạnh của cả nước nhưng vẫn còn những bất cập nhất định.

Ngày 9/11, Hội đồng Hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TPHCM (gọi tắt là Hội đồng Hiệu trưởng) tổ chức Hội nghị lần thứ nhất và Lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam.

Giáo dục nghề nghiệp của TPHCM mạnh nhưng còn nhiều bất cập - 1

Hội nghị có sự tham dự của hơn 100 hiệu trưởng các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TPHCM (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu tại hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng, cho biết: "GDNN là một bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 376 cơ sở GDNN, trong đó có 62 trường cao đẳng và 60 trường trung cấp".

Theo ông Đức, TPHCM chiếm đến 12,5% số trường trung cấp, cao đẳng trên toàn quốc, là trung tâm GDNN lớn của cả nước. Hằng năm, có khoảng 200.000 người học tốt nghiệp qua hệ thống GDNN của TPHCM, đây là con số không hề nhỏ.

Ngoài ra, TPHCM cũng là địa phương có nguồn lao động đã qua đào tạo thuộc loại cao của cả nước, chiếm tỷ lệ gần 87%.

Tuy nhiên, ông Dương Anh Đức cho rằng: "Dù hệ thống của chúng ta thuộc loại mạnh của cả nước nhưng vẫn còn những bất cập nhất định".

Nhiều trường chưa xác định thế mạnh riêng của mình, nhìn trong hệ thống có sự tương tự khá nhiều. Thành phố cũng chưa xác định được bản sắc của ngành GDNN TPHCM là gì.

Có những trường uy tín tuyển sinh không khó, sinh viên tốt nghiệp ở đây dễ kiếm việc, thu nhập cao. Tuy nhiên, nhiều trường tuyển sinh rất khó.

Giáo dục nghề nghiệp của TPHCM mạnh nhưng còn nhiều bất cập - 2

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu chỉ đạo hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Ông Đức tâm tư: "Chúng ta cũng gặp vấn đề rất lớn là số lượng sinh viên đại học so với cao đẳng, trung cấp còn chênh lệch nhiều. Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng, trung cấp rất lớn nhưng nhà tuyển dụng lại không tuyển đủ lao động mong muốn".

Vấn đề cuối cùng ông Đức nhắc đến là tỷ lệ các trường của chúng ta qua được kiểm định chất lượng chưa cao, chỉ khoảng 20%.

Ông nói: "Điều đó cho thấy chất lượng của chúng ta chưa được đánh giá khách quan từ bên ngoài. Chúng ta chỉ mới nhìn nhận với nhau thôi".

Do đó, ông Dương Anh Đức chỉ đạo: "Hội đồng Hiệu trường phải nghiên cứu để tìm giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp. Đảm bảo cung ứng đủ nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động, nhu cầu thị trường này còn rất lớn".

Tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Hiệu trưởng, báo cáo tình hình ngành GDNN hiện nay và thành tựu của ngành trong những năm qua.

Ông Thinh cho biết, 5 công tác trọng tâm của Hội đồng Hiệu trưởng trong năm 2024 là: Truyền thông, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, kết nối cung - cầu lao động; nâng cao chất lượng sau đào tạo giáo dục nghề nghiệp; đào tạo cho các đối tượng chính sách; chế độ sinh hoạt định kỳ của Hội đồng Hiệu trưởng năm 2024 và những năm tiếp theo.

Hiệu trưởng các trường là trưởng các tiểu ban chuyên gia tham gia thảo luận về hiện trạng và định hướng phát triển nhóm ngành đào tạo trong tương lai.

Giáo dục nghề nghiệp của TPHCM mạnh nhưng còn nhiều bất cập - 3

Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, báo cáo tại hội nghị (Ảnh: Tùng Nguyên).

Kết luận hội nghị, ông Dương Anh Đức nhấn mạnh: "GDNN muốn mạnh thì cơ sở GDNN phải mạnh. Các trường công lập hay ngoài công lập đều phải mạnh, củng cố tự thân, phát huy năng lực của mình".

Ông yêu cầu các trường chủ động xác định những ngành nghề trọng điểm của mình để phát triển. Ông nói: "Không có trường nào trên thế giới xuất sắc hết các ngành nghề, nên tập trung phát triển mũi nhọn của mình".

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Hiệu trưởng đề nghị, trong thời gian tới, 8 tiểu ban chuyên gia các nhóm ngành nghề phải làm việc với nhau nhiều hơn để đề ra những giải pháp đề xuất thành phố thực hiện nhằm phát triển GDNN.

Ông Dương Anh Đức nêu rõ yêu cầu: "GDNN phải chuẩn hóa khung đào tạo, đặc biệt là những ngành chúng ta có nhu cầu lao động cao, đặt mục tiêu phát triển. Chuẩn hóa không có nghĩa là giống nhau mà là chuẩn những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Để làm điều này, không đơn vị nào làm tốt hơn là Hội đồng Hiệu trưởng".

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam sắp đến, tại hội nghị, ông Dương Anh Đức và ông Lê Văn Thinh đại diện chính quyền TPHCM tặng hoa chúc mừng, tri ân các nhà giáo GDNN đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đào tạo nhân lực của thành phố.

Giáo dục nghề nghiệp của TPHCM mạnh nhưng còn nhiều bất cập - 4

Ông Dương Anh Đức tặng hoa chúc mừng Tiến sĩ Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn (Ảnh: Tùng Nguyên).