Hà Nội: Hiệu trưởng có thể bị điều tra nếu để xảy ra lạm thu

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý nếu để xảy ra lạm thu, bức xúc tiền trường, thậm chí bị chuyển cơ quan điều tra xử lý nếu phát hiện sai phạm.

Chuyển cơ quan điều tra nếu để xảy ra lạm thu

Chỉ còn vài ngày nữa, khoảng 2,2 triệu học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới. Địa phương hiện có 2.840 trường học với khoảng 2,2 triệu học sinh.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở giáo dục chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức lễ khai giảng thực sự là ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường

Chia sẻ với phóng viên Dân trí trước thềm năm học mới, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, đơn vị này quán triệt, các cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng trang trọng, tiết kiệm, đặc biệt quan tâm đến học sinh yếu thế, học sinh khó khăn, không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau vì hoàn cảnh khó khăn không được tới lớp.

Hà Nội: Hiệu trưởng có thể bị điều tra nếu để xảy ra lạm thu - 1

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội (Ảnh: Thành Trung).

Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, vấn đề lạm thu trong trường học luôn gây bức xúc cho cha mẹ phụ huynh.

Vì thế, Sở luôn có chỉ đạo rõ ràng, đồng thời quán triệt rõ trách nhiệm trước tiên thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Ngay đầu năm học, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Tài Chính có các văn bản hướng dẫn thu, chi trong trường học các cấp, sao cho công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ, những khoản nào không được phép sẽ không được thu.

Vấn đề thu chi liên quan đến các hoạt động trải nghiệm hoặc các khoản thu mang tính xã hội hóa, nhà trường phải có đề án, được thông qua tập thể sư phạm nhà trường và cấp có thẩm quyền quyết định mới thực hiện.

"Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trước đơn vị quản lý, thậm chí sẽ bị chuyển cơ quan điều tra để xử lý nếu phát hiện sai phạm hoặc để xảy ra lạm thu trong trường học", giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khẳng định.

7 khoản tiền các nhà trường không được phép thu của phụ huynh: 

- Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường;

- Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh;

- Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;

- Khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;

- Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên;

- Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục;

- Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.

Bổ sung trường lớp, tránh xếp hàng xuyên đêm xin học

Trước đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho biết, trung bình mỗi năm địa phương này tăng 50.000 -60.000 học sinh.

Tính năm học tới, riêng học sinh lớp 6 tăng gần 37.000 em đòi hỏi các quận, huyện, thị xã quan tâm, sửa chữa, xây mới trường học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Trả lời phóng viên Dân trí về tình trạng quá tải trường lớp, phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm xin học cho con, người đứng đầu ngành giáo dục Hà Nội cho hay, địa phương hiện thừa thiếu phòng học cục bộ, ngoại thành thừa nhưng nhiều trường khu vực nội thành thiếu phòng học.

Hà Nội: Hiệu trưởng có thể bị điều tra nếu để xảy ra lạm thu - 2

Phụ huynh xếp hàng xuyên đêm, ăn chực nằm chờ xin suất học vào lớp 1 cho con (Ảnh: Mạnh Quân).

Do vậy năm học tới, địa phương tập trung nguồn lực xây mới 36 trường học ở các cấp, hy vọng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

Liên quan đến đề xuất của Sở GD&ĐT Hà Nội mong muốn cho phép một số trường học khu vực nội thành được phép nâng tầng, xây thêm tầng hầm, ông Cương cho biết, bên cạnh việc tu sửa trường lớp hằng năm, địa phương sẽ phải xây mới 30-35 trường học mới đáp ứng nhu cầu.

Trong khi đó, thực tế hiện nay quỹ đất ở các quận vùng lõi nội thành hạn hẹp, việc xây mới trường học chỉ trông chờ vào các nhà máy, xí nghiệp di dời, chuyển đổi quỹ đất để dành cho việc xây trường học.

"Khi nâng tầng, các tầng thấp sẽ ưu tiên bố trí lớp học, ban giám hiệu, phòng hội đồng sư phạm sẽ ở tầng cao.

Nhà trường có tầng hầm làm chỗ để xe, sân trường để học sinh vui chơi, hoạt động thể thao, hoạt động trải nghiệm.

Ngành cũng đề xuất Bộ GD&ĐT điều chỉnh cách tính diện tích sàn xây dựng học sinh thay vì diện tích đất học sinh sẽ phù hợp, thuận lợi hơn đối với xây dựng trường học cho các thành phố đông học sinh, thiếu đất xây trường như Hà Nội, TPHCM", ông Cương nói.

Về việc thiếu giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, ngành đang tổ chức thi tuyển 608 chỉ tiêu viên chức giáo dục làm việc ở các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở GD&ĐT.

Song song với đó, khoảng 3.112 giáo viên cũng được các quận, huyện, thị xã tuyển dụng theo phân cấp.

Tổng cộng, năm học này giải quyết được khoảng 6.000 giáo viên cho các nhà trường. Đây là một số cố gắng rất lớn của thành phố cũng như ngành giáo dục.